Ầm ĩ quanh bức ảnh được bịa thêm 40 năm tuổi

ANTĐ - Tự ý lấy nguồn ảnh trên internet rồi đem trưng bày tại triển lãm vừa diễn ra tại Thư viện Hà Nội, việc làm này của Ban tổ chức Triển lãm đang làm nóng dư luận bởi quy cách làm việc thiếu chuyên nghiệp và cực kỳ tùy tiện. Không chỉ thế, bức ảnh chụp năm 2008 nhưng lại được chú thích dưới tác phẩm “Hà Nội những năm 60”. 
Ầm ĩ quanh bức ảnh được bịa thêm 40 năm tuổi ảnh 1
Bức ảnh do nhiếp ảnh gia Na Sơn chụp năm 2008 nhưng được Thư  viện Hà Nội tự ý phóng to, trưng bày tại triển lãm và chú thích ở dưới tác phẩm “Hà Nội những năm 60”

Lên mạng lấy ảnh làm triển lãm

Bức ảnh được chú thích “Hà Nội những năm 60” vừa được trưng bày tại Thư viện Hà Nội do nhiếp ảnh gia Na Sơn chụp năm 2008 theo yêu cầu của khách hàng với mức chi phí cho bộ ảnh được tiết lộ là 21 triệu đồng. Bức ảnh đã được chụp theo chủ đề Hà Nội xưa với khung cảnh của phố cổ và đôi uyên ương chở nhau trên xe đạp. Chuyện ầm ĩ bắt đầu từ việc người tuyển chọn ảnh cho triển lãm đã hồn nhiên “tham khảo” nguồn ảnh trên internet rồi tự ý phóng to bức ảnh đó ra để minh họa cho Hà Nội những năm 60, mà không quan tâm hoặc không để ý đến việc xin ý kiến của tác giả. Chính cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của đơn vị tổ chức triển lãm đã khiến những người có liên quan bức xúc.

Đầu tiên là nhiếp ảnh gia Na Sơn, anh cho rằng, cách làm này của Thư viện Hà Nội rất thiếu chuyên nghiệp và bất hợp pháp. Tuy bức ảnh được “treo” trên mạng công khai nhưng cũng không thể tùy tiện lấy xuống, đem in phóng, sao chép mà không hỏi ý kiến tác giả. Chưa nói tới, Thư viện Hà Nội còn chú thích sai thời gian ra đời của bức ảnh, làm sai lệch về sự kiện diễn ra. Ngay sau khi nhận được phản hồi của nhiếp ảnh gia Na Sơn trên facebook, một nhân viên của Thư viện Hà Nội đã nhắn tin xin lỗi tác giả. Người này còn giải thích thêm, bức ảnh được trưng bày tại triển lãm mở cửa tự do cho công chúng chứ không kinh doanh. Tuy vậy, tác giả Na Sơn vẫn không đồng ý với cách nhận lỗi trên và kiên quyết gửi đơn tới Thư viện Hà Nội. Đến lúc này, Thư viện Hà Nội đành cho dỡ bức ảnh xuống và có lời xin lỗi tác giả. 

Ai là chủ sở hữu?

Dù ảnh đã gỡ khỏi triển lãm, nhưng nhiếp ảnh gia Na Sơn vẫn chưa hết bức xúc: “Nếu tôi để yên việc này thì sẽ dung túng cho cách làm việc thiếu chuyên nghiệp. Tôi không nói thì sẽ chẳng có ai lên tiếng và cũng không ai biết tới. Nhiều lần tôi đã bị xâm phạm bản quyền ảnh nhưng chưa lần nào tôi chọn cách im lặng. Tôi muốn các cá nhân, tổ chức phải tôn trọng những điều tối thiểu trong tác quyền văn học nghệ thuật”. Na Sơn muốn rằng, Thư viện Hà Nội phải có văn bản công khai xin lỗi tác giả chứ không hẳn là một lời xin lỗi “suông”. Cũng theo nhà nhiếp ảnh này, hôm nay (14-10), Thư viện Hà Nội sẽ có buổi làm việc với tác giả Na Sơn về việc liên quan đến bức ảnh vừa trưng bày tại triển lãm. 

Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã tìm gặp chị Trịnh Thu Hường là nhân vật chính trong bức ảnh kể trên. Chị Hường cho biết, mấy ngày nay vợ chồng chị vô tình phải hứng chịu những lời bình luận rất khó chịu và thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Chị Hường kể, nhà nhiếp ảnh Na Sơn chụp bộ ảnh này cho vợ chồng chị vào tháng 7-2008, ý tưởng chụp bộ ảnh kể trên không phải từ Na Sơn mà do một người quen của gia đình chị gợi ý. Toàn bộ trang phục, đạo cụ cũng do vợ chồng chị tự mua sắm. Bức ảnh này đã được đăng lên mạng nhiều năm nay, có nhiều người  sử dụng nhưng chưa bao giờ có chuyện ầm ĩ thế này. “Giữa vợ chồng tôi và anh Na Sơn không hề có thỏa thuận bản quyền nào, tôi bỏ ra 21 triệu đồng (mua) và anh Na Sơn là người chụp (bán). Sau đó, anh có chuyển file ảnh gốc cho tôi”, chị Trịnh Thu Hường khẳng định. Khi được hỏi quan điểm về việc này, chị Hường cho biết: “Rõ ràng việc làm của Ban tổ chức triển lãm rất tắc trách, tuy nhiên chỉ cần họ chú thích lại, ghi rõ tên tác giả là xong, không cần thiết phải phản ứng quá gay gắt bởi triển lãm này không xuất phát từ mục đích kinh tế”.

Theo phân tích của một luật sư giấu tên, người nào bỏ tiền ra để có được bức ảnh thì người đó là chủ sở hữu của tác phẩm. Trong trường hợp này, anh Dương Trung Kiên và vợ là chị Trịnh Thu Hường chính là chủ sở hữu của tác phẩm. Mọi hoạt động in ấn, sao chép đều phải được sự đồng ý của vợ chồng anh Dương Trung Kiên. Còn nhiếp ảnh gia Na Sơn sẽ được ghi tên tác giả. Vì thế, đúng luật thì Thư viện Hà Nội phải xin phép anh Dương Trung Kiên trước khi tiến hành in phóng ảnh khổ lớn và trưng bày tại triển lãm, chứ không phải là tác giả Na Sơn. 

Việc làm tùy tiện của Thư viện Hà Nội dù đáng phê phán và cũng là một bài học đắt giá cho việc làm tùy tiện, song đúng như lời của chủ sở hữu bức ảnh, liệu có nhất thiết phải phản ứng quá gay gắt như vậy? Một tác phẩm nghệ thuật đẹp, suy cho cùng cũng là để phục vụ công chúng, góp phần làm cuộc sống đẹp hơn.