Tôi nghỉ, ai sẽ thay tôi đứng lớp

ANTĐ - Nhà Hội họp tổ dân phố số 11, phường Trương Định (Hoàng Mai-Hà Nội), một buổi sáng mùa thu. Trong nhà, 15 em học sinh bé nhất 6 tuổi, lớn nhất ngoài 30 tuổi đang cặm cụi viết bài, nhiều bàn tay còn run run. Bà giáo già đã ngoài 70 tuổi tận tụy đến từng bàn uốn từng nét chữ, giảng từng phép tính. 
Tôi nghỉ, ai sẽ thay tôi đứng lớp ảnh 1

20 năm một lớp học Tình thương

Đó là Lớp học tình thương của bà giáo Nguyễn Thị Côi, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai. Đã hơn 20 năm nay, từ khi còn là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, rồi nghỉ hưu và đến nay đã ngoài 70 tuổi nhưng bà vẫn cố gắng duy trì lớp học này. Học sinh là những đứa trẻ tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, gia đình khó khăn không có điều kiện theo học tại các trung tâm dành cho trẻ tự kỷ cũng như tại các trường công lập. Nhiều em đã ngoài 20, 30 tuổi nhưng vẫn không biết đọc, biết viết.

Trò chuyện với bà giáo Nguyễn Thị Côi được bà cho biết: “Khi tôi làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Hai Bà Trưng cử cán bộ về tìm giáo viên có lòng làm từ thiện, thấy thế thì tôi tham gia và làm đến tận ngày hôm nay. Những năm đầu vất vả lắm. Chiều chiều sau giờ lên lớp tôi phải đến UBND các phường của quận Hai Bà Trưng để nắm danh sách, xem gia đình nào có con em đang tuổi đi học mà không được đến trường, những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ để đến nhà vận động cha mẹ cho các em đi học.

Nhưng những năm gần đây, phụ huynh tự tìm đến gửi gắm con em. Nhiều em học ở trung tâm dành cho trẻ tự kỷ 5-7 năm nhưng cũng không biết đọc, biết viết. Cha mẹ lại đưa đến đây để học. Các em không biết chữ sau này lớn lên sẽ rất khổ. Chính vì nghĩ như thế nên tôi cứ cố gắng, từng ngày, từng ngày dạy các em, dạy đến bao giờ các em biết đọc, biết viết thì thôi, có thể vài tháng, vài năm.

Thời gian đầu lớp học có nguồn tài trợ của Plan. Nhưng sau một thời gian nguồn tài trợ bị cắt, cũng đồng nghĩa với việc lớp học đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Nếu duy trì lớp học thì không có kinh phí mà các em học sinh lại là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Các em tiền ăn còn không có lấy tiền đâu ra để mua sách vở, bút, thước… Không cam lòng để lớp học đi vào ngõ cụt, bà giáo lại ngược xuôi đi xin tài trợ và tự bỏ tiền túi của mình ra để mua đồ dùng học tập cho các em. “Lấy ngắn nuôi dài”, lớp học cứ từng bước vượt qua mọi khó khăn với người chèo lái dám nghĩ dám làm, năng động, nhiệt huyết và những đứa trẻ lớn tồng ngồng nhưng đầy thơ dại.

Điều đặc biệt tại lớp học này, mỗi em học một chương trình khác nhau. Có em mới bắt đầu tô chữ, có em học chương trình lớp 1, lớp 2, lớp 3 và hiện cao nhất là một em học chương trình lớp 5. Các em đều bị thiểu năng trí tuệ nên có khi phải mất vài năm trời các em vẫn học xong chương trình lớp 1, vài tháng mới nhớ được một con chữ. Đều đặn  hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6, trời nắng cũng như trời mưa, bà đi xe ôm đến lớp học. Đã 20 năm dạy các em như thế, nên bà giáo Nguyễn Thị Côi không nản lòng: Dạy những học sinh này cần nhất là kiên trì. Mình phải thật kiên trì. Một bài giảng có khi phải học đi học lại nhiều ngày, nhiều tháng mới xong, vì các em tiếp thu rất chậm. Thêm nữa là không được cáu gắt mà phải rất nhẹ nhàng, hiểu được tâm lý các em. Đa số các em đều bị tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, có em đang học lên cơn động kinh lăn đùng ra, hay phải tập trung là các em đau đầu không chịu nổi. Vì vậy khi dạy các em tôi cũng phải tìm hiểu về tâm lý, sức khỏe, bệnh của từng em để có cách dạy và phương pháp phù hợp.

Không khỏi thắc mắc về việc ở tuổi xưa nay hiếm, động lực nào để bà vẫn nhẫn nại đứng lớp, bà giáo tâm sự: Giờ nếu tôi nghỉ thì ai sẽ đứng lớp, duy trì lớp học này? Hiện tại không có ai thay thế. Nhìn những khuôn mặt ngây ngô, thơ dại này, các em đã thiệt thòi vì không thể đến trường như các bạn bè khác, tôi lại thấy các em học sinh đặc biệt đó đang cần tôi. Dạy các em không chỉ dạy con chữ, phép tính mà còn phải dạy cả lời ăn tiếng nói, cách cư xử, lễ phép, kỹ năng sống tối thiểu. Giúp cho những đứa trẻ biết được chữ cái, con số cũng là để cho các con bớt đi phần nào thiệt thòi trong cuộc sống. Tôi làm mọi thứ vì các em và không mong đợi điều gì ngoài việc các em khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Đến đây tôi tìm thấy được những niềm vui, rèn luyện được sức khỏe, tránh được bệnh tật.

Tôi nghỉ, ai sẽ thay tôi đứng lớp ảnh 2

Mở ra tương lai với những đứa trẻ thiệt thòi

Nhìn ra khoảng xa xăm, bà giáo kể về em Phan Thị Kim Dung, 14 tuổi. Không có nhà, Dung cùng mẹ sống ngoài bãi rác. Từ lúc sinh ra chưa biết mặt bố, mẹ lại bị bệnh tâm thần nên Dung không có điều kiện đến trường. Nhưng bù lại, Dung lại rất ngoan, viết chữ rất đẹp. Thương trò, bà chạy vạy đi mọi nơi để xin tài trợ cho Dung có cái ăn, cái mặc, sách vở đến trường. Trong số những học sinh được bà dạy dỗ, giờ đã có nhiều em đi làm, lập gia đình. Đặc biệt có em Nguyễn Thị Hạnh trước đây ở “xóm liều” được bà đón về dạy, đã đỗ Học viện Ngân hàng. Nhiều em không học đại học thì đi học trung cấp, học nghề. Hay em Hoàng Văn Chung bị tự kỷ được bà dạy dỗ, chăm sóc đã có kỹ năng sống tốt và đã học lớp 12. Đến giờ, ngày 20-11, ngày Tết, bà vẫn nhận được những bó hoa, những lời chúc, những cuộc đến thăm của các học trò mà nhiều người bà không nhớ mặt.

Ông Lê Hồng Côn, nhà ở ngách 88, ngõ 389 Trương Định cho biết trước đây ông đi bộ đội, rồi nhiễm chất độc hóa học. Cả hai người con của ông hiện đều chịu di chứng nặng nề. Người con cả bị tâm thần phân liệt. Người con gái thứ hai thì bị dị tật. Nếu không có lớp học của bà giáo Nguyễn Thị Côi thì chắc chắn con gái ông không biết chữ. Ông Côn tâm sự: “Tôi thay mặt phụ huynh học sinh cám ơn cô Côi. Nếu không có những tổ chức chính trị-xã hội, không có cô Côi là người tâm huyết, không có những người như thế thì con chúng tôi không được cắp sách tới trường. Bây giờ các cháu biết đọc biết viết, biết cộng trừ nhân chia 4 phép tính, được hòa nhập với cộng đồng, với bạn bè, để sau này khi chúng lớn lên sẽ không ân hận rằng cuộc đời của mình tuổi thơ không được cắp sách tới trường”.   

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Tổ trưởng Tổ dân phố 8, người bạn của bà giáo và cũng là người đồng hành suốt 20 năm của lớp học cũng cho biết: “Cô đã giúp đỡ, cưu mang học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật, hay mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, nhiễm chất độc da cam... mà không quản ngại điều gì. Cô Côi là người tận tâm tận tình, rất nhân hậu, dìu dắt các cháu từ chỗ không biết một cái gì đến bây giờ cháu nào cũng biết chữ. Các cháu rất thiệt thòi ở chỗ đứa thì dị dạng, đứa thì tâm thần, đứa thì nói khó, đứa thì nhanh nhẹn nhưng mà lại tâm thần. Nhưng cô Côi tuy là người đã già rồi mà có một tấm lòng thương các cháu như thế, tôi rất khâm phục. Mà không phải bây giờ mới dạy đâu, cô ấy dạy từ lâu rồi. Tôi quen cô ấy hơn 20 năm rồi và tôi thấy cô ấy rất là cần mẫn đối với các cháu”.  

Hơn 20 năm đã trôi qua, không chỉ phải đối mặt với những khó khăn khi dạy những đứa trẻ trí tuệ chậm phát triển, khó khăn về tài chính, nhiều khi phải bỏ tiền lương hưu ra để mua sách vở, đồ dùng học tập cho các con mà bà giáo Côi còn phải đối mặt với sự thờ ơ, ganh ghét, áp lực đòi giải tán lớp học, sự hiểu lầm của nhiều người nghĩ rằng bà làm vì mục đích nào đó. Nhưng thời gian đã chứng minh bà mở lớp học này hoàn toàn từ tấm lòng muốn giúp các em. Bà giáo kể: Có em học 4 năm trời vẫn không biết đọc biết viết. Cho đến một ngày em kể đã đọc được biển hiệu ngoài đường thì 2 cô trò ôm nhau khóc vì sung sướng. Niềm vui của bà chỉ giản dị vậy thôi nhưng đó là ước mơ, là niềm hạnh phúc vô bờ bến với những gia đình không may có con bị tự kỷ, thiểu năng trí tuệ.