Tiểu học: Chấm dứt tình trạng cả lớp toàn “khá và giỏi”

ANTĐ - Với quy định đánh giá thường xuyên thay vì đánh giá bằng điểm số cuối mỗi học kỳ, bậc tiểu học đang bước vào đợt kiểm tra học kỳ I trong tâm lý khá thoải mái. Trong khi đó, học sinh THCS, đặc biệt là học sinh lớp 6 đang rất lo lắng vì bài kiểm tra học  kỳ được tính điểm hệ số 3.

Tiểu học: Chấm dứt tình trạng cả lớp toàn “khá và giỏi” ảnh 1Học kỳ I, học sinh tiểu học sẽ không còn danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến

Tiểu học nhẹ nhàng 

Các trường tiểu học tại Hà Nội đang bước vào đợt kiểm tra học kỳ I với yêu cầu mới của Bộ GD-ĐT về cách đánh giá, xếp loại. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, kỳ kiểm tra này sẽ không có xếp loại danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến hay trung bình. 

Cũng về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Phạm Ngọc Định đã yêu cầu các trường thực hiện việc kiểm tra định kỳ theo thời khóa biểu vào buổi học chính khóa, không gây áp lực, lo lắng, băn khoăn cho học sinh và cha mẹ học sinh. Bài kiểm tra này sẽ được chấm điểm thay vì chỉ nhận xét như các bài thường xuyên. Tuy nhiên, điểm số này không dùng để xếp loại hay so sánh học sinh này với học sinh khác mà chủ yếu để giáo viên, phụ huynh kiểm chứng lại việc nhận xét, đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập của các em.

Ông Phạm Ngọc Định nhấn mạnh, nếu kết quả bài kiểm tra định kỳ chưa phù hợp với các nhận xét, đánh giá thường xuyên, giáo viên cần xem xét, tìm hiểu nguyên nhân để có thể điều chỉnh cách dạy, cách hướng dẫn, giúp đỡ học sinh. Giáo viên có thể cho học sinh làm lại bài kiểm tra khác để xác định thực chất năng lực hay hiệu quả của các giải pháp giáo dục đã áp dụng. “Mục đích cuối cùng là vì sự tiến bộ của học sinh, nhằm giúp các em học được và học tốt” – ông Phạm Ngọc Định nói. 

Dù vậy, theo một giáo viên tiểu học quận Cầu Giấy, hiện nay, nhà trường vẫn chưa hướng dẫn giáo viên xếp loại học sinh như thế nào thay cho kiểu xếp loại theo danh hiệu như các năm trước vẫn thực hiện. “Không có học sinh giỏi, học sinh kém nhưng thay giấy khen bằng hình thức nào thì hiện chúng tôi cũng chưa được hướng dẫn cụ thể” – giáo viên này cho biết. Về vấn đề này, bà Nguyễn  Thị Minh Xuyến, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết, quận đang chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT chứ không được tự quyết định.

Bên nặng bên nhẹ

Góp phần giảm áp lực cho học sinh tiểu học nhưng việc không xếp loại học sinh bằng điểm số bài kiểm tra định kỳ khiến nhiều giáo viên băn khoăn. “Các em vẫn quen phấn đấu được điểm 9, 10 để đạt học sinh giỏi. Nay có được 9 hay 10 cũng không được tính thì cần có hình thức khen thưởng khác hợp lý hơn, tránh đánh giá đồng đều, ai cũng khen vì như thế các em sẽ không có động lực phấn đấu” – cô Nguyễn Như Mai, giáo viên tiểu học quận Hoàn Kiếm cho biết.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cũng bày tỏ lo ngại về việc thả lỏng ở bậc tiểu học trong khi bậc học sau đó lại vẫn yêu cầu cao bằng hình thức chấm điểm ở các kỳ kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Một giáo viên trường THCS Alpha cho biết, học sinh lớp 6 mới làm quen với môn học và phương pháp kiểm tra của bậc THCS nên khá lúng túng và chưa thích ứng ngay với kỳ kiểm tra nhiều áp lực cuối học kỳ I. Cụ thể, từ lớp 6, các em phải học tới 12, 13 môn học. Trong đó, phần lớn các môn đều có kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết và cuối cùng là kiểm tra học kỳ. Đặc biệt, với bài kiểm tra học kỳ, điểm của học sinh sẽ nhân hệ số 3, rồi cộng với điểm kiểm tra thường xuyên để tính điểm trung bình môn. Điều này sẽ quyết định học sinh đạt danh hiệu gì nên gia tăng áp lực đáng kể lên các em trong đợt kiểm tra cuối kỳ. Kết quả này còn là căn cứ quyết định điểm đầu vào lớp 10 THPT nên bất cứ kỳ kiểm tra nào cũng căng thẳng với cả học sinh và giáo viên. 

Rõ ràng, việc thiếu kết nối giữa các hình thức đánh giá học sinh tại các cấp học đang khiến giáo viên lo lắng. Đặc biệt, hiện nay, khi các hình thức thi tuyển đầu vào lớp đầu cấp luôn là cuộc canh tranh gay gắt, thiên về đánh giá bằng điểm số, thì việc không cho điểm, giảm áp lực ở bậc tiểu học vẫn tạo ra nhiều băn khoăn cho cả phụ huynh và giáo viên khi các em bước vào các bậc học tiếp theo.