Thay đổi sách giáo khoa theo hướng tích hợp

ANTĐ - Theo GS Đinh Quang Báo (Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới sách giáo khoa, ảnh) thì chương trình sách giáo khoa (SGK) sẽ đổi mới theo hướng tích hợp và ông cho rằng nên giữ chương trình giáo dục phổ thông 12 năm. 

Sách giáo khoa mới sẽ được xây dựng để học sinh, giáo viên có thể phát huy tính sáng tạo

- PV: Theo quan điểm của GS, chúng ta có nên rút ngắn thời gian giáo dục phổ thông?

- GS Đinh Quang Báo: Quan điểm của tôi cũng như nhiều người, nên giữ 12 năm học. Theo thống kê trên 200 nước thì 170 nước đào tạo từ 12 năm trở lên. 

- Thưa GS, nước ta còn nghèo, việc rút ngắn sẽ tiết kiệm chi phí giáo dục. Ý kiến ông ra sao?

- Theo tôi, các cơ sở để xác định 12 năm đó là: Tâm lý phát triển của trẻ là quan trọng nhất, những người nói rút ngắn và họ đưa ra lập luận là vì giờ kiến thức nhiều thì “nhốt” học trò trong SGK. Học trò bây giờ giỏi hơn, trước để hiểu một định lý phải mất ba tiết, giờ chỉ cần một tiết. Hơn nữa, trình độ, tư duy của học sinh ngày càng tốt, do xã hội phát triển nguồn kiến thức nhiều. 

Vì kiến thức là một yếu tố của nhân cách cho nên rèn luyện để có một kiến thức nhanh thì dễ nhưng để có năng lực mới khó. Mà hiện nay thông tin “nhiễu”, nên phải dạy học sinh biết lựa chọn thông tin, tự đào thải, tránh cái gì có hại. Cái đó cần phải trải nghiệm thì mới có bộ lọc, muốn có bộ lọc ấy phải có thời gian. Nhà trường phải là một xã hội thu gọn, có các yếu tố cho học trò trải nghiệm vì vậy không thể rút ngắn thời gian học.

- Chương trình sách giáo khoa sẽ được thay đổi như thế nào thưa GS?

- Bộ sách giáo khoa sẽ được đổi mới theo hướng tích hợp và phân hóa, theo năng lực của học sinh. 

Quá trình phân hóa và tích hợp không ngược nhau, mà nó thống nhất, là hai mặt của đồng xu. Con người không giống nhau, nhu cầu học sinh khác nhau vì vậy phân hóa là quy định môn học phù hợp với nhu cầu, yêu cầu của người học.

- Vai trò của giáo viên như thế nào trong việc dạy tích hợp?

- Giáo viên phải làm cho học sinh học được cái tích hợp đó mà công cụ SGK là quan trọng nhất. Nhưng nếu một nhà sư phạm giỏi thì có thể dạy được tất cả các môn. Và không nhất thiết phải gộp mấy môn học vào một quyển sách. Giáo viên cần phải chọn chất “dung môi”, hòa tan những kiến thức ấy với nhau thành “dung dịch” như kiểu giáo viên biết lấy môn lý, môn hóa, … quyện vào nhau thành tích hợp. Nghĩa là người giáo viên lấy kiến thức ở đâu cũng được, có thể lấy ở một trăm cuốn sách miễn là làm thế nào cho học sinh hiểu bài, làm cho học sinh học thuận lợi hơn. Vì vậy nhiệm vụ của người dạy là phải giải quyết được liều lượng kiến thức.

- Theo cách tích hợp như vậy, giáo viên có nhất thiết phải dạy theo SGK không?

- Giáo viên dạy theo chương trình nào, theo phương pháp nào, đấy là quyền sáng tạo của họ. Còn ở trong SGK người ta biết tạo ra cái “dung môi” để bỏ các nguyên liệu trong đó. Vậy là có một độ mở cho sáng tạo của giảng viên. Việc chúng ta hiến kế chương trình theo năng lực đó là xu hướng cho giáo viên có sự sáng tạo. 

- Năm 2015 sẽ đổi mới SGK, ai là người viết và thẩm định sách?

- Theo quan điểm cá nhân của tôi, SGK Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm và việc giao cho ai đó là quyền của Bộ. Tôi cho rằng, phải là người có kinh nghiệm nhất, có trình độ nhất (trình độ hai trong một – người giáo dục và có chuyên môn). 

Chúng tôi đã có những tác giả có hai tố chất như thế và họ phát huy được năng lực lớn, ví dụ như Giáo sư Trần Bá Hoành vừa là nhà giáo dục, vừa là nhà chuyên môn nên viết sách rất chuẩn. Bây giờ chúng ta chưa phải là hai trong một, cho nên về mặt nội dung thì yên tâm còn về mặt sư phạm thì chưa hẳn đã đạt. 

- Vậy theo GS, ai có thể đánh giá tốt nhất chương trình SGK nặng hay vừa?

- Người đánh giá sách giáo khoa nặng hay nhẹ là học sinh. Nếu làm cho học sinh có cảm xúc đã là thành công rồi, cần phải hỏi những học sinh đó thì sẽ có nhiều thông tin hơn.

- Cảm ơn GS!