Sách cho thiếu nhi đang bị tưởng tượng quá đà

ANTĐ - Dạo qua các cửa hàng sách, có thể thấy ngập tràn các loại sách dành cho lứa tuổi “măng non” với đủ màu sắc sặc sỡ, hình thức bắt mắt. Thế nhưng nhiều phụ huynh vẫn loay hoay, không biết chọn cho con em mình sách nào vì sách trẻ con nhưng lại toàn chuyện “người lớn”.

Không chỉ NXB Kim Đồng mà nay, cả các NXB Giáo dục, NXB Mỹ thuật, NXB Văn học, NXB Trẻ, NXB Văn hóa - Thông tin… và hàng loạt đơn vị làm sách tư nhân cũng nhập cuộc phục vụ độc giả nhỏ tuổi khiến các cửa hàng sách ngập tràn sách thiếu nhi. Không chỉ là truyện chữ hay truyện tranh truyền thống mà nay hình thức đã đa dạng hơn rất nhiều, như truyện tranh 3D được thiết kế khá cầu kỳ dành cho lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, sách phát triển trí tuệ được thiết kế theo các hình thù ngộ nghĩnh, bắt mắt.

Thế nhưng nghịch lý là ở chỗ số lượng sách thì nhiều những để chọn được cho con mình một cuốn sách đáng đọc lại là vấn đề hết sức nan giải. Chị Hoàng Hồng Hạnh (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) đang tần ngần đứng trước giá sách cho thiếu nhi trong một nhà sách ở Đinh Lễ than thở: Mình đi mua mấy cuốn tranh truyện cổ tích cho bé gần 5 tuổi, đang tập đọc nhưng  thấy nhiều cuốn nội dung mô phỏng các câu truyện cổ tích nhưng bị cắt gọt quá nhiều đến người lớn nếu chưa đọc câu chuyện nguyên gốc cũng khó nắm bắt được nội dung truyện, nữa là trẻ em. Còn chị Nguyễn Thị Thái Hà ở đường Giải Phóng cũng thở dài vì cho rằng cả các NXB uy tín vẫn biên tập rất ẩu, thậm chí nhiều cuốn có nội dung phản cảm, không phù hợp với lứa tuổi.  

Được trẻ em ưa thích nhất hẳn là truyện tranh. Kéo theo đó là những cơn lốc truyện tranh xuất hiện trên thị trường, trong đó có cả những truyện dung tục không kiểm soát nổi. Dễ dàng bắt gặp những hình ảnh mà người lớn nhìn vào cũng phải ngượng ngùng, những lời yêu thương, hờn giận, miệt thị, thủ đoạn, bạo lực trong các cuốn truyện này. Một bộ truyện tranh được cho là “hot” xoay quanh nhân vật là một cậu bé 5 tuổi đang học mẫu giáo. Đây là bộ truyện của NXB Kim Đồng đã ra đời cách đây vài năm, nhưng vấp phải sự phản đối của các bậc phụ huynh vì ngôn từ nên phải cắt bớt. Tuy nhiên khi đã cắt xén thì bộ truyện vẫn đầy rẫy những ngôn từ ẩn dụ, ám chỉ những chuyện tế nhị với  những hình ảnh nhạy cảm.

Ngay cả những truyện cổ tích nổi tiếng Việt Nam cũng được những người làm sách “tưởng tượng” quá đà với những lời thoại kiểu như: Tấm, mày hâm à, mày câm à, sao mày đâm thủng cái mâm… Đầu mày có bị ấm không, cẩn thận tao cho vài cái đấm… Cùng với đó là những ngôn ngữ rất “hiện đại” như bái bai, thấy chết liền. Hay như Mai An Tiêm khi bán dưa thì nói: Hàng hiếm mà anh…

Những cuốn sách ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tinh thần của trẻ là hậu quả của sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng thì đã rõ. Tuy nhiên việc viết, dịch sách cho thiếu nhi chưa được chú trọng cũng là nguyên nhân khiến sách kém chất lượng có cơ hội tràn lan khắp nơi. Có thể thấy, việc viết cho thiếu nhi là rất khó, khó viết, khó hay và khó tạo sức nóng như truyện người lớn. Người viết cũng gặp khó khăn khi phải “sống lại” tuổi thơ của mình, phải hiểu trẻ thì mới viết được cho trẻ. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Vấn đề là chưa có một sự khuyến khích xứng đáng để họ viết. Và các nhà làm sách, cũng thiếu đi sự nhiệt tình với dòng sách “khó lãi” này.