Phụ huynh nghèo “đau đầu” với kỳ nghỉ hè của con

ANTĐ - Chưa đầy 10 ngày nữa là kỳ nghỉ hè chính thức của học sinh bắt đầu. Con được nghỉ ít nhất thì 6 tuần, nhiều thì cả 3 tháng mà bố mẹ thì nào có được nghỉ hè theo con. Thế nên cứ “đến hẹn lại lên”, trước kỳ nghỉ hè cả tháng, các bậc cha mẹ đã phải tính cách xoay xở để “lấp đầy” kỳ nghỉ của con. Người có tiền thì tìm đến các khóa tu, các lớp học năng khiếu, học tiếng Anh bán trú… người không có tiền thì lại xoay xở đủ các cách. 

Phụ huynh nghèo “đau đầu” với kỳ nghỉ hè của con ảnh 1Ảnh: internet

Bùng nở các khóa trải nghiệm hè

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2014-2015 của Bộ GD&ĐT áp dụng chung cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trong toàn quốc, học sinh sẽ kết thúc học kỳ II (hoàn thành kế hoạch giảng dạy và học tập) trước ngày 25-5-2015 và kết thúc năm học trước ngày 31-5-2015. Đến thời điểm này, đa phần các trường mầm non công lập và tiểu học đã thông báo lịch nghỉ hè cho phụ huynh và học sinh vào khoảng cuối tháng 5. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội thì việc tổ chức ôn tập văn hóa dịp hè năm 2015 cho học sinh chỉ được triển khai sau ngày 20-7 trên cơ sở tự nguyện.

Đối với những bậc phụ huynh có điều kiện thì kỳ nghỉ hè không phải là vấn đề quá đau đầu, bởi có rất nhiều lựa chọn cho con em họ trong dịp hè. Ngay từ tháng 3, các trường tiểu học chất lượng cao, các trung tâm Anh ngữ, trung tâm kỹ năng sống, trung tâm dạy năng khiếu đã bung nở các chương trình học tập, trải nghiệm hè cho lứa tuổi mầm non, tiểu học.

Chẳng hạn trường Tiểu học Vinschool tổ chức Trại hè Vinschool 2015 dành cho khối Tiểu học với hành trình 6 tuần, mức học phí 3,5 triệu đồng cho mỗi hành trình 2 tuần với nhiều trải nghiệm như khám phá khoa học, hiểu biết xã hội, nghệ thuật, thể chất, tiếng Anh, kỹ năng sống… Trường Tiểu học, THCS, THPT Việt Úc đưa ra chương trình Câu lạc bộ “Fun in the Sun” dành cho tất cả các em học sinh trong và ngoài trường, học phí 4-7 triệu đồng, cộng với khoảng gần 3,5 triệu đồng tiền ăn và tiền xe đưa đón tại nhà…

Chưa kể, những năm gần đây các chương trình trải nghiệm đặc thù như Học kỳ quân đội (thường dành cho học sinh lứa tuổi THCS), các khóa tu tại các chùa cũng ra sức tiếp thị đến các trường, các bậc phụ huynh. Để tham gia các khóa học này, các bậc phụ huynh phải bỏ một khoản tiền không nhỏ. Bù lại, theo như kinh nghiệm của những phụ huynh từng cho con tham gia các khóa học này thì thông qua những khóa trải nghiệm như thế, con họ được khám phá, trải nghiệm cuộc sống và rèn luyện thể chất, kỷ luật sống, cũng như bồi đắp thêm về đạo đức, tình yêu thương gia đình, người thân…

Đặc biệt thời gian gần đây, nhiều khóa học yoga, thiền cho trẻ cũng trở nên đắt khách, thậm chí có những ông bố, bà mẹ cho trẻ đi tập thiền từ lúc 3-4 tuổi. Anh Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên tại một trung tâm yoga cho biết, số cha mẹ cho con đi học thiền ngày càng nhiều, học thiền giúp trẻ biết tĩnh tâm hơn, đôi lúc để kiềm chế cho con bớt nghịch ngợm. Có hai loại thiền là thiền tĩnh và thiền động. Thiền tĩnh là tĩnh tâm và thiền. Thiền động là hướng tập trung vào một việc và không bị loạn lên vì hoạt động nào khác. Trẻ em thường thích hợp với 

thiền động.

Đối với trẻ nhỏ chưa có bất kì sự tiếp xúc tác động quá lớn nào đến suy nghĩ cho nên không bắt buộc phải cho các con học thiền, có thể đăng ký vào lớp yoga cho trẻ nhỏ. Khi tập một tư thế yoga, các con sẽ được người thầy hướng dẫn hít thở, các con tập trung vào động tác tự nhiên lúc đấy chỉ tập trung vào tập thôi vô tình khi đó các con đã đạt được trạng thái thiền rồi.

Cho con học thêm vì sợ “rơi vãi” kiến thức

Tại các cơ quan, công sở hay trên các trang mạng xã hội những ngày gần đây nhiều phụ huynh cũng túm năm tụm ba bàn kế hoạch cho con học hè môn gì, học ở đâu. Đa phần phụ huynh có quan điểm chung là không ép trẻ học, nhưng không để trẻ chơi dài, vừa tốn thời gian, vừa không có người trông nom, lại dễ khiến trẻ dễ bị “sốc” khi vào năm học mới.

Môn Tiếng Anh được nhiều phụ huynh quan tâm nhất, vì trẻ con tiểu học bây giờ mà không biết nói tiếng Anh là thua bạn kém bè rất nhiều. Cũng vì thế mà các trung tâm tiếng Anh trong thời gian gần đây liên tục quảng bá các khóa học hè với lịch học tập và sinh hoạt hấp dẫn, thường là học bán trú luôn ở trung tâm.

Chị Nguyễn Thanh Hà (phố Định Công Thượng, phường Định Công, Hoàng Mai) chia sẻ về kế hoạch sinh hoạt hè của 2 cậu con trai của mình: “Hè này tôi cho các cháu về quê khoảng 1 tuần rồi lại cho cháu lên để học tiếng Anh và một số môn khác. Vì hai cháu chỉ cách nhau chưa đầy 3 tuổi nên tôi đã đăng ký cho hai cháu cùng học bán trú tại một trung tâm dạy kỹ năng sống có tiếng trong vòng 1 tháng.

Theo quảng cáo của trung tâm thì các cháu sẽ được học tiếng Anh (giáo viên bản địa), kỹ năng sống, võ thuật, dã ngoại. Tôi cũng đăng ký cho các cháu học bơi ở trung tâm này và tham gia các khóa dã ngoại của trung tâm. Vì thời gian học là bán trú, thời gian biểu gần như giờ học chính thống nên việc đưa đón con cũng không bị xáo trộn lắm. Hết 1 tháng, thì tôi sẽ cho các cháu học bồi dưỡng văn hóa ở trường để chuẩn bị kiến thức cho năm học mới”. Chị Hà cũng chia sẻ, một khóa học hè như vậy cho hai cậu con trai, anh chị phải bỏ ra hơn chục triệu đồng cho một tháng học.

Một số phụ huynh khác lại chọn cách thuê người giúp việc hoặc thuê gia sư dạy tại nhà cho con cái. Như gia đình anh Thưởng, chị Hoa (đường Kim Giang, Thanh Xuân), bình thường anh chị thuê gia sư vào buổi tối cho con học. Sắp tới khi con nghỉ hè, anh chị đang trao đổi với cô bé gia sư về việc sẽ thuê cô ở nguyên ngày từ 8h sáng đến 5h chiều, kèm việc nấu ăn bữa trưa cho cậu con trai 8 tuổi, vì thời gian đó cô bé sinh viên gia sư cũng đang dịp nghỉ hè.

“Thật ra cháu lớn nhà tôi cũng đã 12 tuổi, chị em có thể trông nom,  nấu nướng cho nhau, nhưng tôi muốn hai cháu đều tập trung vào việc học và chơi lành mạnh. Hơn nữa cháu lớn cũng 1 tuần 4 buổi đi học tiếng Anh và tôi cũng đang dự định tìm cho cháu một khóa học trải nghiệm nào đó phù hợp. Dù sao có người lớn ở nhà vẫn yên tâm hơn, học tập thì cường độ có thể không nhiều nhưng phải cho chúng nó học liên tục, trẻ con lơi ra là chúng nó mải chơi, kiến thức rơi vãi hết” - chị Hoa cho biết. 

“Nhốt” con trong nhà, ăn gian giờ công sở…

Không có người trông con, cũng không có điều kiện cho con theo học những khóa học đắt tiền, nhiều phụ huynh buộc phải áp dụng giải pháp chẳng đặng đừng là “nhốt” con trong nhà để đi làm, nghỉ làm hoặc mang con đến cơ quan.

Chị Nguyễn Thị Sen (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ năm nào đến hè vợ chồng chị cũng phải tính các giải pháp tình thế để lấp đầy thời gian nghỉ hè của cô con gái 9 tuổi. Mọi năm còn nhờ ông bà nội ngoại được ít ngày, thời gian còn lại vợ chồng thay nhau nghỉ phép ở nhà trông con. 2 năm nay cháu cũng lớn hơn một chút, ông bà ở quê cũng đều yếu cả nên hai vợ chồng bàn nhau sẽ để cháu đi học tiếng Anh tuần 3 buổi, thời gian còn lại con khóa cửa ở trong nhà, buổi trưa thay nhau tranh thủ về đón cháu từ trung tâm tiếng Anh, nấu cơm và kiểm tra cháu.

“Vì nhà ở tập thể, nên tôi cũng nhờ hàng xóm thỉnh thoảng ngó qua cho yên tâm. Nhưng cũng nhiều vấn đề vừa lo lắng, vừa phiền phức. Cứ chốc chốc điện thoại của mẹ lại reo: Mẹ ơi con làm hết bài rồi, con mở ipad nhé. Mẹ ơi bao giờ mẹ về, ở nhà chả có gì chơi. Mẹ ơi hôm nay nhớ về sớm nhé… Đi làm mà lòng cứ như lửa đốt. Nhiều lúc phải lên cơ quan điểm danh một chút rồi xin về với con” - chị Sen tâm sự.

Tình trạng “nhốt” con ở nhà như chị Sen khá phổ biến. Một số người thì bố mẹ buộc phải thay nhau đưa con đến cơ quan, kèm theo một tập truyện tranh, một cái điện thoại hay máy tính. Có gia đình thì đưa con về quê ở với ông bà, nhưng cũng có không ít người mặc dù không có người trông con cũng không dám cho con về quê ở lâu.

“Cũng muốn con về quê chơi với ông bà, mình cũng đỡ bận nhưng mà giờ ông bà già rồi, ở quê nhiều ao hồ, sợ các cụ không trông nổi. Mà ở quê giờ nắng nóng và rất hay mất điện, trẻ con thì nó nghịch không như người lớn, cứ về mấy hôm là người ngợm nhem nhuốc, có khi lăn ra ốm như chơi. Thành ra cũng chỉ cho về được vài hôm, còn lại phải “nhốt” trong nhà” - chị Nguyễn Thị Sen chia sẻ.

Gợi ý một số giải pháp trông trẻ ngày hè:

Cho trẻ về quê

Những gia đình có quê ở xa, có người thân trông nom trẻ thì có thể cho trẻ về thăm ông bà, họ hàng nhằm giáo dục cho trẻ biết cội nguồn, khơi dậy lòng hiếu thảo và biết yêu quê hương. Đây cũng là dịp trẻ được tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, có cơ hội tăng vốn kiến thức xã hội.

Cho trẻ tham gia lớp năng khiếu/câu lạc bộ

Bố mẹ có thể cho con tham gia sinh hoạt trong những câu lạc bộ hoặc các lớp năng khiếu như tiếng Anh, múa, võ thuật, đọc sách, vẽ... Việc lựa chọn hoạt động trường lớp cần tìm hiểu kỹ càng và phải hỏi ý kiến của trẻ. Các câu lạc bộ sẽ rất có tác dụng nếu phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sở thích và năng khiếu của bé. 

Tìm người trông trẻ

Đối với các gia đình có con còn bé, cha mẹ có thể nhờ ông bà, họ hàng đến nhà trông giúp. Cũng có thể gửi con đến các trường mầm non dân lập gần nhà hay gửi nhờ hàng xóm trông giúp.

Khuyến khích trẻ đọc sách

Nghỉ hè không nên bắt trẻ học quá nhiều, nhưng khoảng thời gian rảnh có thể khuyến khích trẻ đọc sách, vì sách cũng cung cấp một khối lượng kiến thức và kỹ năng rất lớn. Hãy chọn những sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích của trẻ, cùng đọc, giải thích và bàn luận với trẻ. 

Ngoài ra dịp hè phụ huynh cũng nên khuyến khích, hướng dẫn các con làm việc nhà, giúp đỡ cha mẹ hoặc tham gia các hoạt động xã hội.