Phải thu hồi cuốn từ điển mắc nhiều lỗi ngô nghê

ANTĐ - Ngày 15-10, trước những thông tin phản ánh về về cuốn “Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất được đóng logo của NXB Trẻ hiện đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam có những định nghĩa ngô nghê, sai lệch đến khó tin, NXB Trẻ đã chính thức lên tiếng về nguồn gốc cuốn sách. 

Theo đó, nhiều khả năng đây chỉ là bản sao chép cẩu thả, cắt xén từ cuốn “Tân Tự điển” - một công trình học thuật có uy tín của tác giả Thanh Nghị được xuất bản từ năm 1967.

 
Phải thu hồi cuốn từ điển mắc nhiều lỗi ngô nghê ảnh 1
Cuốn “Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh” được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia 

Cuốn từ điển “giả mạo”?

Nhiều ngày qua, nội dung cuốn sách “Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất, in logo của NXB Trẻ với những định nghĩa gây sốc đang lan truyền trên cộng đồng mạng với tốc độ chóng mặt. Khó có thể tin, cuốn từ điển lại có thể đưa ra những định nghĩa ngây ngô đến mức khó tin, như: “bồ bịch” có nghĩa “bạn bè thân thích”; “lâu đài” - “lầu và đền đài”, “cao ráo” có nghĩa “cao và khô ráo”, “bế mạc” có nghĩa là “hết dứt buổi hát”; hay “bia” được giải thích vỏn vẹn là “tấm đá có tên người chết dựng trước mả”… Theo thông tin ban đầu, cuốn từ điển này được phát hành từ năm 2001, lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Bức xúc vì bị mạo danh, NXB Trẻ - đơn vị bị gán “tội” phát hành cuốn từ điển kỳ quặc này đã phải lên tiếng. 

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ khẳng định, ngay khi vụ việc được phản ánh trên các trang báo mạng, NXB đã tiến hành xác minh và điều tra nguồn gốc của cuốn từ điển này. Theo đó, tại hồ sơ lưu trữ của NXB Trẻ không có hồ sơ lưu chiểu hay bất kỳ chứng từ tài chính nào liên quan đến tác phẩm và tác giả này. Trong chiều 15-10, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, nơi lưu trữ hầu hết mọi ấn phẩm của NXB Trẻ từ năm 2000 tới nay đã có văn bản số 122/TVKHTH trả lời chính thức, không hề có cuốn từ điển nói trên. NXB Trẻ cũng cho biết, họ chưa từng xuất bản hay liên kết với bất cứ đối tác nào để thực hiện cuốn sách này. Cục Xuất bản (Bộ Thông tin - Truyền thông) cũng không có bất kỳ hồ sơ nào liên quan đến việc cấp phép cho tác phẩm và hiện nay, không có cuốn nào được bày bán trên thị trường. Nhiều khả năng, đây là cuốn sách mạo danh NXB Trẻ để  in lậu và phát hành. 

 
Phải thu hồi cuốn từ điển mắc nhiều lỗi ngô nghê ảnh 2
Nhiều định nghĩa ngô nghê xuất hiện trong cuốn từ điển

Còn nhiều “phiên bản lỗi”

Một thông tin đáng chú ý được NXB Trẻ đưa ra tại cuộc họp trưa 15-10, đó là khi đối chiếu, cuốn “Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh” với cuốn “Tân Tự điển” của tác giả Thanh Nghị, xuất bản năm 1967 có nhiều điểm trùng khớp. Theo tìm hiểu, nhiều từ của cuốn từ điển trên được lược lại một cách cẩu thả từ cuốn sách của tác giả Thanh Nghị - vốn được coi là một công trình học thuật có uy tín vào thời điểm đó. Cần biết thêm, Thanh Nghị (1917-1988) là bút danh của nhà văn xứ Huế Hoàng Trọng Quỵ, từng là Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Ông từng biên soạn và xuất bản nhiều bộ từ điển như Pháp - Việt, Việt - Anh - Pháp, Hán - Việt... 

Đáng lo ngại, không chỉ riêng cuốn từ điển được phát hành năm 2001 dưới tên của NXB Trẻ, hiện trên thị trường còn lưu hành nhiều bản in khác của cuốn sách này như cuốn “Từ điển Tiếng Việt dùng cho học sinh” (NXB Thanh niên – Nhà sách Thành Nghĩa phát hành năm 2000), Từ điển Tiếng Việt (NXB Văn hóa thông tin) và Từ điển tiếng Việt (NXB Hồng Đức). 

NXB Trẻ cho biết, sẽ giải trình với Cục Xuất bản và quan điểm của đơn vị này là cần thu hồi tất cả những ấn phẩm có nội dung sai lệch tương tự. Đồng thời, kiến nghị với Thư viện Quốc gia Việt Nam rút hai cuốn từ điển này ra khỏi kho lưu trữ. Tuy nhiên, việc cùng một lúc, nhiều NXB cho in ấn, tái bản một cuốn từ điển Tiếng Việt đầy lỗi thật đáng lo ngại. 

Phải chăng đây là hệ quả của thói làm ăn chụp giật, thiếu văn hóa. Trách nhiệm ở đây không chỉ thuộc về những đơn vị liên kết xuất bản mà còn cả cơ quan lưu trữ cuốn sách, dẫn đến việc một sản phẩm văn hóa với những nội dung sai lệch đến mức khó tin đã được phát hành từ 13 năm trước vẫn được lưu truyền và tiếp cận với độc giả.