Nhiều học sinh bị bạo lực về giới vẫn âm thầm chịu đựng

ANTĐ - Bạo lực trong trường học với cách hiểu chưa đúng nghĩa, đúng tầm khiến những vụ việc xảy ra hàng ngày không được xử lý. Việc các nạn nhân phải âm thầm chấp nhận càng khiến tình trạng này không thể chấm dứt…

Nhiều học sinh bị bạo lực về giới vẫn âm thầm chịu đựng ảnh 1Cố ý tẩy chay một người nào đó cũng là hành vi bạo lực tinh thần (Ảnh minh họa)

“Vô tình” gây bạo lực

Bạo lực tinh thần, hình thức phổ biến nhất mà các em học sinh đang gặp phải, theo kết quả của khảo sát của Tổ chức Plan tại Việt Nam và Viện nghiên cứu Y - Xã hội học, bao gồm hành động cố ý tẩy chay một người nào đó, cố tình loại trừ một người nào đó, bắt phạt đứng trong góc lớp hoặc bên ngoài lớp học; đe dọa bằng lời nói hoặc bằng văn bản… Những nội dung này không phải bất cứ giáo viên hay phụ huynh nào cũng nắm được.

Bà Đỗ Thị Thu Hồng - Phó Hiệu trưởng trường THCS Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết: “Sau khi nắm được định nghĩa thế nào là bạo lực trong trường học, không ít thầy cô mới nhận ra mình đã vô tình tạo ra tình trạng này. Tình trạng giáo viên, lãnh đạo nhà trường có hành vi mắng, phạt học sinh trước đây khá phổ biến do thầy cô chưa có hiểu biết về bạo lực. Các hành vi này đã bớt dần sau khi được chia sẻ kiến thức từ dự án về trường học an toàn, thân thiện đang được Tổ chức Plan tại Việt Nam triển khai và từ đó có biện pháp xử lý phù hợp hơn”. 

Ông Phạm Văn Hùng - phụ huynh học sinh trường THCS Phương Trung, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, chỉ khi tham gia cùng nhà trường về dự án này mới thấy phụ huynh cũng đang rất thiếu kiến thức. “Ở ngoại thành, quan niệm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” vẫn rất phổ biến. Chính vì vậy, việc đánh, mắng khi các con hư, chưa nghe lời, bị điểm kém là điều khó tránh khỏi”. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều bậc phụ huynh khi dạy con mà không nghĩ mình cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực tinh thần, bạo lực thân thể với trẻ em. Không những vậy, đây còn là nguyên nhân khiến chính các em cũng gây ra những hành vi bạo lực với các bạn của mình. 

Thay đổi thói quen chấp nhận

Hỏi một học sinh trường THPT Việt - Đức (Hà Nội) thế nào là bạo lực về giới trong trường học thì em này cho biết, các hành vi bạo lực gồm đánh đập, xâm hại tình dục, cướp đồ… Tuy nhiên, với các hành vi xô đẩy, kéo tóc, đánh hoặc ném đồ vật hay gán ghép tên gọi theo ngoại hình, gia cảnh… thì nhiều học sinh cho rằng chỉ mang tính trêu trọc, không ác ý. Điều này khiến rất nhiều học sinh bị đối xử như trên vẫn im lặng, cho qua dù khó chịu. 

Khi xảy ra các vụ bạo lực, chỉ một số gọi điện thoại cho thầy, cô giáo, còn lại tự giải quyết hoặc nhẫn nhịn chịu đựng mà không dám báo cáo nhà trường hay gia đình”. Bạo lực trường học ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần. Khi đi quá giới hạn đã khiến nhiều bạn không muốn đến trường hoặc có những hành vi trả đũa, gây nguy hiểm cho bạn bè hay bản thân.

 

Để ngăn chặn bạo lực giới trong trường học, Tổ chức Plan tại Việt Nam đã đưa ra những định nghĩa khá rõ về bạo lực trong trường học. Nó bao gồm tất cả các hình thức bạo lực như bạo lực thân thể, quấy rối và xâm hại tình dục, bạo lực tinh thần, bắt nạt. Bạo lực thân thể không chỉ là đánh đập mà còn bao gồm tát, đe dọa bằng dao hoặc vũ khí khác. Quấy rối và xâm hại tình dục không chỉ là hành động ép buộc tình dục mà còn bao gồm bình luận về hành vi tình dục, huýt sáo và những cử chỉ tục tĩu, gửi tin nhắn với nội dung bạo lực, sờ, hôn, yêu cầu chạm vào bộ phận sinh dục, lan truyền tin đồn tình dục… Đặc biệt, bạo lực giới còn bao gồm việc bắt nạt trên mạng, bắt nạt qua điện thoại, email hoặc qua facebook, trang mạng xã hội phổ biến trong giới trẻ hiện nay.

Dù cách tiếp cận về bạo lực trong trường học được đưa ra khá rộng so với quan niệm chung trước đây, nhưng ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, với mức độ nào thì cũng đều phải phê phán bạo lực trong trường học và phải có giải pháp ngăn chặn, chấm dứt. “Chính vì vậy, ngành GD-ĐT Hà Nội rất tích cực triển khai Dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng", dự án đầu tiên tại Hà Nội có cách tiếp cận tổng thể và hệ thống để giải quyết vấn đề bạo lực trường học. Trong đó , cần ưu tiên trước hết cho việc phát hiện và ngăn ngừa  mâu thuẫn giữa các cá nhân để ngăn chặn và chấm dứt những hành vi bạo lực như đánh đập, cưỡng bức, trấn lột...” - ông Nguyễn Hiệp Thống chia sẻ.