Nhiều điểm cao môn Lịch sử

ANTĐ - Tại nhiều tỉnh thành, việc chấm thi tốt nghiệp THPT được dự kiến sẽ hoàn thành trong  1- 2 ngày nữa. Kết quả sơ bộ cho thấy, nhiều bài thi môn Lịch sử đạt điểm tối đa nhờ thí sinh có ý thức cao về vấn đề thời sự nóng của đất nước. 

Điểm thi môn Lịch sử được nhận định là cao hơn các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước

Nhận thức tốt về chủ quyền biển đảo

Thông tin từ một số hội đồng chấm thi các tỉnh thành cho thấy, kết quả thi môn Lịch sử cũng như Địa lý năm nay khá khả quan, đặc biệt khi các môn này đều được lồng ghép câu hỏi về biển đảo. Được biết, tại Hội đồng chấm thi tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 10-6, môn Lịch sử đã hoàn thành chấm 50% bài thi.

Với câu hỏi yêu cầu thí sinh phải liên hệ thực tế: “Tại sao Liên hợp quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này hãy liên hệ việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay”, đa số thí sinh đã nhận thức khá đầy đủ về vấn đề đặt ra đó là việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta bằng biện pháp hòa bình. Các em nêu cụ thể là biện pháp ngoại giao, lên án, phản đối việc sử dụng vũ lực, kêu gọi sự ủng hộ của thế giới và đấu tranh bằng pháp lý. 

Ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình cho biết, công tác chấm thi đã cho thấy kết quả khá tốt, đặc biệt, môn Lịch sử có kết quả rất cao, trong số 55% bài thi đã được chấm có 45 em đạt 9,5 điểm. Tương tự, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết, thông tin ban đầu cho thấy Lịch sử và Địa lý đạt điểm cao hơn năm ngoái.

Tại Hà Nội, việc chấm thi diễn ra khá căng thẳng. Các thành viên Hội đồng chấm thi không được mang các phương tiện thu, phát thông tin, sao chép tài liệu, giấy tờ riêng và các loại bút không nằm trong quy định vào và ra khỏi khu vực chấm thi. Được biết, với số lượng bài thi lớn, Hà Nội dự kiến công bố kết quả vào ngày 16-6. 

Học sinh không quay lưng với môn Sử

Đó là khẳng định của một giáo viên môn Lịch sử trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội. Theo giáo viên này, thực tế rất nhiều học sinh hứng thú với môn Lịch sử, chỉ có điều khi lựa chọn thi tốt nghiệp lại không chọn môn này vì lo ngại cách ra đề nghiêng về con số, sự kiện đòi hỏi thuộc lòng nhiều, dễ nhầm lẫn, mất điểm hơn so với các môn học khác. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển xác nhận, tại một số hội đồng thi tốt nghiệp THPT vừa qua có tình trạng ít thí sinh thi môn Lịch sử, thậm chí chỉ có duy nhất 1 thí sinh dự thi. “Tuy nhiên, có những trường có tới 100% học sinh chọn thi môn Lịch sử. Việc học sinh ít lựa chọn môn này cũng không có nghĩa là học sinh không học Lịch sử” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Trước thực trạng nhiều học sinh cho rằng môn Sử khó học, khó nhớ, nhiều sự kiện, mốc thời gian, Trần Thị Thu Thủy, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định - giải Nhất kỳ thi học sinh Giỏi quốc gia môn Lịch sử 2014 nêu đề xuất: “Những mốc chi tiết mới phản ánh được sự kiện, nhưng những con số trong từng sự kiện nào đó không cần thiết có thể bỏ thì tốt hơn, giảm tải cho người học. Sách giáo khoa cũng nên lồng ghép những câu chuyện vui, hình ảnh để thấy môn Lịch sử không nhất thiết là số liệu và chữ”.

Cách đây không lâu, GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu với báo chí tại Lễ tuyên dương học sinh đoạt giải quốc gia môn này cũng phân tích rõ: “Việc học sinh chán môn Sử không phải do môn Sử không hấp dẫn, cũng không phải do học sinh quay lưng mà hoàn toàn do cách dạy ở trường phổ thông hiện nay. Chương trình nặng kiến thức, sự kiện như thế thì với tuổi trẻ đầy năng động, đầy sức sống thì rõ ràng các em không chấp nhận được. Sách giáo khoa toàn sự kiện, thừa mà lại thiếu nhiều cái quan trọng, thiếu sức hấp dẫn. Ngay cả tôi cũng thấy chán”. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cần thay đổi để môn Lịch sử hấp dẫn hơn

“V  ấn đề liên quan đến dạy và học Lịch sử đã được dư luận  đề cập từ lâu. Chúng ta không nên đưa ra những hiện tượng, như chuyện không có ai đăng ký thi môn Lịch sử để đánh giá. Tất nhiên, việc các em không đăng ký thi môn Lịch sử có thể phản ánh sự e ngại. Sự lựa chọn đó có thể nói là mang tính chất thực dụng và rất chính đáng bởi đi thi ai cũng muốn đỗ. Đây không phải là ham thích hay không ham thích mà dường như, các em thấy khó vượt qua môn thi này. Việc này có thể xuất phát từ quá trình giảng dạy. 

Trách nhiệm của người lớn là phải làm cho các em yêu thích môn Lịch sử hơn hay nói cách khác là làm cho môn học này hấp dẫn hơn. Chúng tôi và ngành giáo dục đều rất muốn. Quan trọng là hệ thống chương trình phải thay đổi hết sức căn bản. Tất nhiên, học sử là câu chuyện cả đời, chứ không chỉ học các nội dung ở trong nhà trường. Nhà trường chỉ trang bị một số kiến thức hết sức cơ bản thôi”.