Ngày 30-4: Hạn cuối đăng ký dự thi THPT quốc gia

ANTĐ - Quy chế chính thức của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được Bộ GD-ĐT ban hành chiều 26-2. Theo đó, kỳ thi quốc gia sẽ được tổ chức thành các cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh. Thí sinh sẽ có 2 tháng để lựa chọn đăng ký môn thi.

Ngày 30-4: Hạn cuối đăng ký dự thi THPT quốc gia ảnh 1Thí sinh sẽ có tới 4 cơ hội đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ 2015

Sử dụng thang điểm 10

Quy chế thi THPT quốc gia đưa ra là quy định hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký dự thi. Theo đó, thí sinh sẽ có hơn 2 tháng để lựa chọn và đăng ký hồ sơ dự thi với thời hạn cuối trước ngày 30-4 hàng năm. Đáng lưu ý, dù hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nhưng nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường phổ thông hoặc thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc hội đồng thi làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung. Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị. 

Ngày, lịch, hình thức và thời gian làm bài của mỗi môn thi được quy định trong hướng dẫn hàng năm của Bộ GD-ĐT. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi; điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10.

Bộ GD-ĐT cũng quy định mức kỷ luật cao nhất là tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong 2 năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi: giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác…

Chỉ được thay đổi khối thi sau 3 năm

Đối với công tác tuyển sinh ĐH, CĐ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT quy định các trường duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 và các năm trước (sau đây gọi là khối thi truyền thống) để xét tuyển. Nếu muốn thay đổi, các trường phải báo cáo Bộ GD-ĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng ít nhất 3 năm trước khi áp dụng. 

Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống. Việc thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất 1 trong 2 môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành. Để đảm bảo chất lượng đầu vào trước khi  các trường xây dựng phương án xét tuyển, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng đầu vào căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ. 

Mỗi thí sinh dự xét tuyển ĐH, CĐ năm nay sẽ phải dùng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1 để đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng ký ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký để nộp vào trường khác. Ngoài ra, mỗi thí sinh sẽ được đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thí sinh dùng 3 bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung để đăng ký. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.