Một số giải pháp vẫn là tình thế

(ANTĐ) - Đứng trước sức ép lớn của kỳ tuyển sinh đầu cấp với hàng trăm nghìn học sinh từ bậc mầm non, tiểu học, THCS, ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết khá nhiều giải pháp được ngành đặt ra để khắc phục tình trạng này tuy nhiên không ít trong số này mới chỉ là giải pháp tình thế...
Một số giải pháp vẫn là tình thế ảnh 1
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội

- Tình trạng xếp hàng từ đêm đối với một số địa bàn có nhu cầu học ở bậc học mầm non (MN) vẫn tái diễn phải chăng vì chưa có biện pháp tuyển sinh hữu hiệu? - Hiện nay, Hà Nội có hơn 840 trường MN với gần 12.000 nhóm lớp, trong đó có gần 200 trường dân lập, tư thục và hiệp quản với gần 2.500 nhóm lớp. Tuy nhiên phần lớn các gia đình có nhu cầu gửi trẻ vào các trường công lập vì có điều kiện chăm sóc tốt, mức thu thấp hơn ngoài công lập, vì thế công tác tuyển sinh của bậc học này vẫn bị áp lực lớn với cả phụ huynh lẫn nhà trường, dẫn đến tình trạng nói trên. Để công tác tuyển sinh vào các trường MN công lập diễn ra đúng quy định, giảm bớt tình trạng chen lấn xếp hàng chờ đợi của cha mẹ học sinh, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường cần phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn trong công tác tổ chức tuyển sinh. Trường hợp số trẻ đăng ký học tại trường vượt quá khả năng tiếp nhận, thì dứt khoát nhà trường phải ưu tiên tiếp nhận trẻ 5 tuổi, sau đó là trẻ thuộc tuyến tuyển sinh được giao. Các trường phải đặt lịch cụ thể để tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh cho từng loại đối tượng (nhận hồ sơ theo lứa tuổi, theo địa bàn tổ dân phố…). - Một số trường MN đã đề ra biện pháp bốc thăm đơn xin học để chọn ngẫu nhiên. Đây có phải là biện pháp đúng hay không? - Thực hiện Đề án phổ cập giáo dục MN của Chính phủ, năm nay, các trường phải ưu tiên tiếp nhận trẻ 5 tuổi để các cháu được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết trước khi bước vào học tiểu học, sau đó còn chỉ tiêu mới tiếp nhận trẻ 3, 4 tuổi. Do đó, khi số trẻ này có nhu cầu học công lập cao hơn khả năng tiếp nhận của nhà trường, một số trường đành phải dùng biện pháp tổ chức bốc thăm để chọn ngẫu nhiên. Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để hài hòa giữa nhu cầu gửi trẻ của người dân và khả năng tiếp nhận của trường, tránh tình trạng chen lấn xô đẩy khi lấy đơn xin học. Để làm việc này, các trường cần phối hợp tốt với chính quyền, đoàn thể ở địa phương để tổ chức sao cho công bằng, minh bạch, tránh gây thắc mắc trong dư luận . - Trước tình trạng quá tải ở một số trường chất lượng uy tín của Hà Nội xuất phát từ nhu cầu chính đáng muốn đảm bảo điều kiện học tập tốt cho con em mình, lãnh đạo Sở GD-ĐT có biện pháp nào để đáp ứng thay vì đưa ra các biện pháp hạn chế trái tuyến? - Mong muốn của phụ huynh cho con học trong môi trường tốt là đương nhiên. Tuy nhiên, do tâm lý của phụ huynh khi nghe trường này hay, trường kia có “thương hiệu” nên tìm mọi cách để xin cho con vào học trái tuyến. Việc này không những gây khó khăn vất vả cho gia đình và bản thân học sinh phải đi học trái tuyến xa nhà mà còn làm sĩ số các lớp tăng lên, ảnh hưởng đến chính các em học sinh khác đang được học đúng tuyến. Ngành giáo dục đang tập trung tăng cường đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, luân chuyển cán bộ quản lý, để nâng cao chất lượng ở các trường còn khó khăn. Với những điểm trường chưa thu hút học sinh vì lo ngại về môi trường sư phạm xung quanh trường học, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ngành công an, văn hóa phối hợp với nhà trường tiến hành giải tỏa các chợ cóc, hàng nước, các quán game internet và các dịch vụ “nhạy cảm” để trả lại cảnh quan trường học. Những giải pháp như trên sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các trường, học sinh sẽ được hưởng thụ điều kiện giáo dục công bằng như nhau, bớt đi tình trạng chọn trường này, chê trường kia...