“Lớp học tình thương” của bà giáo già tận tụy

ANTĐ - “Tôi thực sự rất sợ, nỗi sợ nó đeo bám cái thân già này mỗi ngày qua đi được nối nhịp sống thêm một ngày, nhưng nào ai biết trước được ngày mai sẽ ra sao? Nếu ngày mai trời không còn cho tôi đủ sức khỏe thì lớp học này sẽ như thế nào, các em sẽ ra sao, biết nhờ cậy ai đây để vun vén nét chữ?”… 

Đó là lời tâm sự của bà giáo Hồ Hương Nam, người vừa được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014 về “Lớp học tình thương” của mình. Người giáo già ấy luôn ước vọng rằng, sau mình, tiếp nối sẽ còn nhiều những tấm lòng sẵn sàng nhận trách nhiệm “lái đò”, gieo con chữ đến với những mảnh đời con trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.

“Lớp học tình thương” của bà giáo già tận tụy ảnh 1

Nặng lòng với những mảnh đời bất hạnh 

Bà giáo Hồ Hương Nam sinh năm 1933, nguyên là giáo viên của trường THCS Hoàng Hoa Thám. Quê gốc của bà ở TP Huế, năm 1957, bà theo chồng ra Hà Nội sinh sống và làm việc. Năm 1979, bà nghỉ hưu và tấm lòng nhân hậu của bà đã “viết” nên câu chuyện hậu cuộc đời mà bất kỳ một ai nếu được biết, được nghe kể không khỏi cảm động. 

Trong những năm tháng làm giáo viên, có cơ hội được đi nhiều, tiếp xúc với nhiều mảnh đời còn khó khăn nên bà hiểu hơn ai hết nỗi gian truân, vất vả của những con người khuyết tật. Lòng thương cảm của bà được hun đúc thành mong muốn bản thân phải làm được một điều gì đó để có thể giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh ấy, nhưng bà bảo lúc ấy “lực bất tòng tâm” vì điều kiện chưa cho phép. Rồi đến ngày nghỉ hưu, bằng kinh nghiệm, nỗi nhớ bảng đen, nét phấn, và những lứa học trò nhỏ, hơn cả là có điều kiện về kinh tế thì những dự định được ấp ủ bấy lâu mới trở thành hiện thực. Bà nhớ lại: “Đó là vào năm 1997 của thế kỷ trước, để mở được “Lớp học tình thương” như hôm nay tôi đã phải liên hệ, thuyết phục với các cơ quan trên địa bàn phường Yên Phụ, Ban Giám hiệu trường THCS An Dương… để đề đạt nguyện vọng”. Với tấm lòng chân thành của mình, chính quyền và nhà trường đã tạo điều kiện hết mực, đặc biệt là dành cho bà cả một không gian riêng tuy chỉ hơn 10m2 thôi để bà mở một lớp học ở ngay trong khuôn viên của trường THCS An Dương. Nơi đây, tình yêu thương của bà giáo Hồ Hương Nam đã đến được với những mảnh đời con trẻ bất hạnh… 

Đặc biệt thay, trong không gian giáo dục của ngôi trường cấp II ấy, những lớp bên cạnh của các em lành lặn về thể chất và trí tuệ có đánh số theo tên lớp, thì không gian “đặc biệt” của bà giáo Hồ Hương Nam lại có biển hiệu “Lớp học tình thương”. Mọi thứ dường như được xóa nhòa, cứ đều đặn, lớp học của bà được sáng đèn từ thứ 2 đầu tuần đến thứ 6 theo đúng lịch giảng dạy của nhà trường. Nhưng khó khăn vẫn chưa thôi thử thách bà, đó là học sinh ở đâu (?) Thế là bà giáo già ấy lại cất công đi từng nhà để vận động các bậc phụ huynh cho con em mình tới lớp. Khi bà đi vận động, thuyết phục, không ít gia đình không ủng hộ bà bởi cái lý lẽ rằng con em họ bị tật nguyền rồi, đến ăn uống còn khó nói gì đến học hành, có đến lớp học tập cũng không thay đổi được số mệnh nên họ một mực từ chối lòng tốt của bà. Với suy nghĩ có 1 học sinh bà cũng lên lớp, và sự bền chí của bà đã được đền đáp xứng đáng khi lớp học ngày một đông, các bậc phụ huynh lần lượt đưa con đến theo học “Lớp học tình thương” của bà giáo Nam, họ còn đứng ở ngoài cửa sổ xem con cái mình học con chữ mãi mới chịu ra về… 

“Lớp học tình thương” của bà giáo già tận tụy ảnh 2

Lớp học miễn phí “đặc biệt” 

Quả thật là đặc biệt từ người đứng lớp đến những cô cậu học trò - cô giáo đã 81 tuổi, còn học sinh là những trẻ em bị câm điếc bẩm sinh, bị đao, liệt chân tay, thiểu năng trí tuệ… Hỏi chuyện người đứng lớp thì bà chỉ im lặng, nhưng nhắc tới những học sinh “đặc biệt”, ngoài lòng thương cảm bà còn có thật nhiều chuyện để kể. Bà giáo Hồ Hương Nam tâm sự: “Ở cái tuổi của tôi, việc còn đứng trên bục giảng hẳn là một điều đặc biệt lắm rồi, lứa học trò này đặc biệt nhất trong cuộc đời giáo viên của tôi nhưng lại là niềm vui lớn. Thôi thì cả cô lẫn trò đều “đặc biệt” sẽ cố gắng làm được những điều “đặc biệt” đó là còn sức khỏe tôi sẽ giúp các em vốn sinh ra đã thiệt thòi đủ đường có thể tự lập, biết đến con chữ, có khả năng nhận biết để giảm đi phần nào nỗi gian truân cho bố mẹ các em. Tôi nghĩ một cách giản dị rằng đó chính là tình thương và trách nhiệm”… 

Lớp học của bà giáo già Hồ Hương Nam không có bảng đen, phấn trắng mà bà phải đến tận nơi uốn từng nét chữ một cho từng em. Học sinh cũ thì bà giao bài tập, học sinh mới bà ngồi cạnh tỉ mỉ kèm cặp từ đầu. Sự kiên trì của bà đã được trả công xứng đáng bằng việc những đứa trẻ thiểu năng đã biết viết, biết đọc, có em học sinh bị liệt chân tay cũng đã biết viết… Những “thử thách” dần qua đối với cả cô trò, các em thay đổi hành vi, cử chỉ, biết chào hỏi, mời cơm, đi vệ sinh và biết viết cả con chữ nữa khiến gia đình cũng rất vui mừng. “Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy cho những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ còn khó hơn. Hơn chục em trình độ khác nhau, tiếp thu rất chậm, có cháu bị khèo tay không cầm được bút, có em tôi dạy hàng tháng ròng mới viết được chữ O tròn trịa. Nhiều người không dám tin cũng phải tin, bắt đầu bằng việc viết chữ O lên bảng đen để cháu nhận mặt chữ, sau đó viết bút chì vào vở ô-ly, đỡ tay em kéo từ từ khoanh tròn chữ O cho đúng hướng, tròn vành, rõ chữ, cứ như vậy đều đặn ngày nào cũng tập và em đã tự viết được chữ O”, bà Nam kể lại. 

Đến nay đám học trò nhỏ “đặc biệt” trong “Lớp học tình thương” của bà giáo già Hồ Hương Nam có khoảng gần 20 em, trong đó có 3 em học từ ngày mở lớp như Đỗ Kim Thúy đã 24 tuổi, được bố chở đi học từ khi mới 8 tuổi. Nay bố mẹ đều mất, em ở với anh trai và người anh lại tiếp tục thay bố hàng ngày chở em đi học. Còn Lưu Hồng Dương (SN 1981) liệt cả tứ chi, ngồi ở lớp phải được bố buộc dây vào bàn cho khỏi ngã, người bình thường viết chữ với bàn tay úp còn khó, vậy mà em viết chữ với bàn tay ngửa… Ít tuổi nhất là Nguyễn Phương Anh, 10 tuổi, bố mẹ ly dị, em bị câm điếc và ở với bà ngoại, cũng đi học được 4 năm… Với mỗi em bà Nam lại dạy theo phương pháp khác nhau, những em bị câm điếc thì bà sẽ dạy cho chúng cách viết, học sinh mù thì bà sẽ dạy cho chúng phương pháp nghe. Những cuốn vở, những cây bút và 1 chiếc đài, bà giáo Nam dùng âm nhạc để khơi dậy tiềm thức cho các em câm điếc, thiểu năng trí tuệ… Và để trang bị cho bản thân sự vững chãi trong hàng chục năm “đưa đò”, chính bà giáo già Hồ Hương Nam cũng phải lên lớp để học ký hiệu ngôn ngữ cơ thể ở cơ sở khuyết tật với chứng chỉ xuất sắc để quay về chỉ dạy cho các em ở lớp học của mình. 

Mong cho yêu thương mãi được cho đi 

Có mặt tại “Lớp học tình thương” - nơi mà 17 năm qua bao nhiêu yêu thương đã được bà giáo già tận tụy ấy cho đi để làm vơi bớt những số phận thiệt thòi. Hôm nay, anh Lưu Hồng Dương khóc nhiều, 17 năm qua anh mới theo học đến trình độ lớp 5. Hình ảnh người bạn ngồi cạnh bàn, cùng ghế với anh với đôi tay tật nguyền cong queo cứ kéo ống tay áo lên lau nước mắt cho anh khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Đi lại trong lớp một cách nhẫn nại là bà giáo già Hồ Hương Nam cũng đã ngoài 80, nhìn bà, trong đầu chúng tôi cứ quẩn quanh, rối bời một suy nghĩ rằng ở cái tuổi tri thiên mệnh, chẳng ai nói trước được ngày mai thì ai sẽ đủ dũng cảm, đủ tình yêu thương, đủ sự hy sinh, đủ nhẫn nại để tiếp nối bà chèo lái cái lớp học bé xíu chứa đựng những trái tim mong manh, dễ vỡ này đây (?!)… 

Thôi thì 17 năm đã qua, người đời không còn dám nói bà giáo Hồ Hương Nam là “cụ già lẩm cẩm”, “bà hâm” hay “bà khùng” nữa mà luôn ghi nhận công lao của bà, nếu có gặp thì luôn chào hỏi bà giáo có khuôn mặt đôn hậu, dáng người nhỏ bé với những việc làm đầy ý nghĩa bằng một thái độ kính trọng nhất mực. Bởi, bà giáo già ấy dù trời nắng cũng như mưa bão, chưa bao giờ bà bỏ lớp, bỏ lại đám trò nhỏ “đặc biệt” của mình. “Con người ai cũng có lúc buồn, lúc chán, lúc khóc, lúc cười nhưng không bao giờ được buông bỏ. Chữ tâm trong mỗi con người không bao giờ được đánh mất. Có những phụ huynh đến biếu tiền tôi thẳng thừng từ chối, nhận tiền thì cái tâm rơi mất rồi. Tôi dạy các em không phải vì tiền. Điều quý giá nhất suốt 17 năm qua tôi dạy dỗ các em chính là tình cảm, sự yêu thương của chúng đối với tôi, với gia đình và những bạn trong lớp”, bà giáo Nam chia sẻ. Và chính tình thương yêu của bà đã truyền cho những học sinh có số phận không may ấy có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống. Bà bảo rằng mình được dạy miễn phí, được giúp đỡ các em học sinh như thế này đã là vui lắm rồi. Hàng ngày bà chỉ dựa vào những đồng lương hưu của mình để mua sách vở, bút viết cho các em và trang trải cho cuộc sống tuổi già. Hạnh phúc của bà giản dị lắm, bà kể: “Đến lớp mỗi ngày thấy các em nhảy ra ôm hôn, biết cất cái nón, chiếc túi cho tôi, hay như dịp 20-11, chúng nói “dành tiền ăn quà sáng” để mua tặng tôi bông hoa là niềm hạnh phúc vô bờ bến cho những tháng ngày cuối của cuộc đời tôi rồi!”…

Trước lúc chia tay chúng tôi, bà Nam tâm sự: “Tôi sẽ không bao giờ thôi dạy những học sinh “đặc biệt” mà bản thân tôi đã coi chúng như con cháu trong nhà ấy mà chỉ đến bao giờ chân chậm, mắt mờ thì không dạy nữa. Khi nào mệnh trời kéo đi thì chịu. Nhưng tôi sợ đến lúc đó, không ai đủ tâm để dạy các em. Chúng đang học dở chừng…”. Năm 2014 này, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, bà giáo Hồ Hương Nam sẽ là 1 trong 10 người được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” để ghi nhận và đề cao việc làm thầm lặng, tuy bình dị nhưng lớn lao tình người của bà. Hỏi bà về cảm nghĩ khi biết tin này, bà trầm giọng xuống: “Vui chứ, nhưng niềm vui không biết được bao lâu, tôi còn khỏe đến đâu thì còn theo các em ở lớp học này với tất cả tình thương và trách nhiệm”. Chúng tôi hiểu mong muốn của bà có thêm nhiều sức khỏe để gieo mầm xanh hy vọng cho những mảnh đời bất hạnh, điều mong muốn thật khó đi ngược với luật trời sinh-lão-bệnh-tử. Nhưng thôi đành dặn lòng rằng, ta cứ biết đủ cho hôm nay, vậy đã… Yêu thương ấm áp được cho đi, hàng chục nụ cười đã nở hoa, từng con chữ được xướng lên, từng âm vực ú ớ được phát ra, từng chiếc bút chì được nâng niu đã giúp các em bước vào cuộc đời đỡ vất vả hơn.