Kỳ thi THPT quốc gia: Đỗ thấp cũng không thi lại lần 2

ANTĐ - Để giải đáp triệt để những thắc mắc của hơn 1 triệu thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện 38 câu hỏi và giải đáp về kỳ thi này.

Việc tổ chức duy nhất một kì thi THPT quốc gia từ năm 2015 còn nhiều băn khoăn, thắc mắc cần được giải đáp kịp thời, thấu đáo. Để giải đáp các băn khoăn, thắc mắc liên quan đến công tác tổ chức thi và quyền lợi của các thí sinh dự thi, Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện việc biên soạn tài liệu Hỏi – Đáp về Kì thi Trung học phổ thông quốc gia trên cơ sở ý kiến trao đổi, góp ý của các chuyên gia giáo dục trong quá trình xây dựng phương án thi; các vấn đề được đặt ra trong các hội nghị bàn về thi, tuyển sinh của khối giáo dục phổ thông và khối các trường ĐH, CĐ; các câu hỏi thực tế …

Nhiều thắc mắc sẽ được Bộ GD-ĐT có giải đáp chính thức

Dưới đây là một số câu hỏi được Bộ GD-ĐT giải đáp

- Việc tổ chức Kì thi THPT quốc gia có phát sinh tốn kém cho thí sinh so với các kì thi những năm qua không?

So với chi phí cần cho việc tổ chức Kì thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi ĐH, CĐ trước đây trong một năm thì chi phí của Kì thi THPT quốc gia sẽ giảm đi nhiều vì các lí do chính sau: Đối với hầu hết thí sinh, từ năm 2014 trở về trước phải tham dự 2 kì thi liền nhau; đặc biệt kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ các thí sinh phải di chuyển rất xa đến các tỉnh/thành phố để dự thi gây khó khăn, tốn kém cho gia đình và xã hội. Năm nay, với việc chỉ tham dự một kì thi được tổ chức thành nhiều cụm thi, thí sinh đỡ phải đi xa sẽ giảm bớt nhiều chi phí cho thí sinh dự thi.

Trước đây, nếu thí sinh tham dự cả 2 kì thi thì ít nhất phải làm bài với 7 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi tốt nghiệp THPT và 3 môn thi tuyển sinh ĐH hoặc CĐ); nhiều thí sinh tham dự 3 đợt thi với 10 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi TN THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1 và 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2); có những thí sinh tham dự tất cả 4 đợt thi với 13 lượt môn thi (gồm 4 môn thi trong kì thi TN THPT, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 1, 3 môn thi tuyển sinh ĐH đợt 2 và 3 môn thi trong đợt tuyển sinh CĐ). Nhưng, trong Kì thi THPT quốc gia mỗi thí sinh chỉ phải dự thi 4 môn thi tối thiểu, nhiều nhất là 8 môn thi và phổ biến sẽ là 5 hoặc 6 môn thi; với các thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT từ 2014 về trước) thì số môn thi còn giảm đi; do vậy, áp lực thi cử sẽ giảm đi rất nhiều. Thí sinh, gia đình và xã hội cũng sẽ giảm được chi phí cho kì thi.

Mặc dù, năm 2015 có một số khó khăn phát sinh khi tổ chức Kì thi THPT quốc gia nhưng sẽ không phát sinh thêm chi phí. Ví dụ, các trường ĐH, các sở GDĐT chủ trì tổ chức cụm thi trong thời gian 4 ngày, dài hơn so với 2 ngày đối với từng đợt thi từ năm 2014 trở về trước, nhưng xét về tổng thể so với việc các trường ĐH phải tổ chức 2 hoặc 3 đợt thi trước đây thì tổng thời gian tổ chức Kì thi được rút ngắn. Cán bộ, giáo viên, giảng viên làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi có thể sẽ phải di chuyển nhiều hơn, xa hơn so với những năm trước, nhưng lại tạo điều kiện cho một số lượng rất lớn thí sinh không phải di chuyển xa như những năm trước.

- Theo thông lệ, thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT thì không phải đóng lệ phí, thí sinh thi ĐH, CĐ phải đóng lệ phí; vậy các thí sinh tham dự Kì thi THPT quốc gia từ năm 2015 có phải đóng lệ phí không?

Những học sinh đăng kí dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ không phải nộp lệ phí, còn những học sinh đăng kí dự thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải nộp lệ phí. Những nội dung chính về công tác tổ chức kì thi THPT quốc gia đã được Bộ GD-ĐT công bố. Những vấn đề còn lại mang tính kĩ thuật của kì thi này sẽ được đưa vào quy chế và các văn bản hướng dẫn mà Bộ sẽ công bố để thí  sinh và toàn xã hội biết.

Kỳ thi THPT quốc gia: Đỗ thấp cũng không thi lại lần 2 ảnh 2
Thí sinh sẽ không có cơ hội thi lần 2 trong năm để xét tốt nghiệp THPT

- Với phương án thi mới liệu có làm giảm tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT? Nếu tỉ lệ tốt nghiệp thấp, liệu có tổ chức thi lần 2, lần 3?

Bộ GD-ĐT không đặt vấn đề đỗ tốt nghiệp bao nhiêu phần trăm và sẽ không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2. Kết quả thi sẽ phản ánh đúng thực chất và do chính kết quả học tập quyết định. Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2014 các môn thi gần với phân bố chuẩn (có dạng hình chuông), phản ánh đúng kết quả học tập. Từ đó có thể dự đoán kì thi THPT quốc gia năm 2015 tỉ lệ tốt nghiệp sẽ không biến động nhiều, không như kết quả thi tốt nghiệp năm 2007.  Bộ sẽ công bố công khai phổ điểm, để xã hội biết chất lượng đề thi, kết quả thi của thí sinh và các trường ĐH, CĐ sẽ dựa vào đó để xét tuyển

- Những thí sinh thi tại cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì và được cấp bằng tốt nghiệp THPT năm 2015 có được tham dự Kì thi THPT quốc gia năm 2016 để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ không? Nếu được thì sẽ phải thi những môn thi nào?

Những thí sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT của Kì thi THPT quốc gia năm 2015, được tham dự Kì thi THPT quốc gia năm 2016 để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Những thí sinh này không phải dự thi cả 4 môn thi tối thiểu của Kì thi để xét công nhận tốt nghiệp, mà chỉ đăng kí thi những môn thi phù hợp với ngành đào tạo của trường ĐH, CĐ phục vụ cho tuyển sinh. Ví dụ: thí sinh thi vào trường ĐH, CĐ mà trường công bố phương thức tuyển sinh các môn tương ứng với khối A thì thí sinh chỉ đăng kí dự thi 3 môn: Toán, Vật lí, Hoá học. Như vậy, thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể về điều kiện tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mà mình có nguyện vọng xét tuyển để đăng kí dự thi các môn phù hợp.

- Khi nào Bộ GDĐT công bố “Quy chế tuyển sinh 2015”?

Quy chế tuyển sinh năm 2015 hiện đang được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chủ trì khẩn trương xây dựng. Tất cả những vấn đề kỹ thuật của việc tuyển sinh sẽ được cụ thể hóa trong quy chế mới. Dự kiến quy chế Kì thi THPT quốc gia sẽ được ban hành vào đầu năm 2015. Thông tin tuyển sinh của từng trường ĐH, CĐ sẽ được các trường ĐH công bố công khai trên trang tin điện tử của trường, đồng thời báo cáo về Bộ. Khi có đầy đủ thông tin, Bộ sẽ công bố công khai trên website của Bộ.