Kỳ thi không tạo áp lực

ANTĐ - Ngày mai 1-7, hơn 1 triệu học sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên với rất nhiều đổi mới. Hiệu quả thì chưa thể khẳng định được, song nhìn một số quy định thì đã thấy thí sinh được lợi.

Để đạt được hai mục đích tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Kết quả 4 môn này được sử dụng kết hợp với điểm trung bình cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT; đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định những đổi mới này hướng tới giảm áp lực cho thí sinh, tạo cơ hội để học sinh trúng tuyển vào các ngành của đại học, cao đẳng phù hợp với nguyện vọng, khắc phục tình trạng thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học như những năm trước. 

Việc chia cụm thi như năm nay cũng đã đem lại thuận lợi cho cả thí sinh lẫn người nhà. Năm nay, số lượng thí sinh dồn về Hà Nội thấp hơn hẳn so với các năm, nên trước hết việc đi lại cũng bớt khó khăn hơn. Kéo theo đó là cơ sở vật chất phục vụ thí sinh trong cả đợt thi cũng “dễ thở” hơn, thí sinh và người nhà có thể được hưởng các ưu đãi tốt nhất, đỡ được một mối lo và tập trung hơn cho mục tiêu chính.

Điều lo lắng, quan tâm nhất của thí sinh cũng như phụ huynh là làm bài thi đạt kết quả cao nhất. Lời khuyên của các thầy, cô giáo là, học sinh hãy tự tin bước vào kỳ thi. Các em sẽ không quá căng thẳng, bởi đề thi sẽ không gây “sốc”, không tạo áp lực. Kết quả kỳ thi chỉ là một phần, bởi còn phụ thuộc vào nỗ lực học tập trong 12 năm qua, nhất là 3 năm THPT.