Không để học sinh vất vả, xã hội tốn kém

ANTĐ - PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết, hiện thầy và trò nhà trường đang chờ quy định cụ thể từ Bộ GD-ĐT về kỳ thi quốc gia 2015. Tuy nhiên, băn khoăn mà PGS Văn Như Cương chia sẻ là khả năng thí sinh phải bươn chải cả chục lượt thi với nhiều phương án tuyển sinh ĐH riêng.
Không để học sinh vất vả, xã hội tốn kém  ảnh 1
Nhiều khả năng thí sinh phải chạy đua nhiều cuộc thi tuyển sinh ĐH riêng


- Hiện nhà trường đã có kế hoạch gì để triển khai đến giáo viên, học sinh về kỳ thi THPT quốc gia, thưa PGS?

-  PGS Văn Như Cương:  Thầy trò chúng tôi đang rất mong chờ những quy định cụ thể trong quy chế thi này. Trong đó, thí sinh khối A  rất băn khoăn về việc có xét tổng điểm cả 4 môn tối thiểu kỳ thi quốc gia hay không khi tuyển sinh ĐH. Vì nếu xét tổng điểm thì thí sinh khối A sẽ thiệt ở môn Ngữ văn và Ngoại ngữ.

- Vậy theo PGS việc xét tuyển sinh ĐH sử dụng kết quả thi quốc gia như thế nào thì hợp lý?

- Bộ nên yêu cầu những trường đã đăng ký lấy kết quả của kỳ thi quốc gia phải lấy điểm của những môn mà trường có yêu cầu tuyển sinh nhưng có quyền tính hệ số 3 môn theo khối thi như hiện nay hoặc một vài môn nhất định. Bộ phải nghiêm cấm các trường này tổ chức riêng một môn thi nào đó trong số các môn đã có trong kỳ thi quốc gia. Vì như vậy là gây phiền hà, vất vả cho học sinh, tốn kém cho xã hội.

- Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ không có xáo trộn lớn trong kỳ thi quốc gia 2015, vậy học sinh còn băn khoăn gì?

- Cấu trúc đề thi là điều cả thầy và trò đều rất lo lắng. Bộ chỉ cho biết chung chung rằng đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, tính riêng môn Văn, nếu thi tốt nghiệp THPT chỉ có 120 phút và chỉ ra theo chương trình lớp 12, còn đề thi quốc gia, Bộ công bố bài thi làm trong 180 phút và nếu để xét tuyển sinh ĐH thì còn hỏi cả những kiến thức của lớp 11. Điều này sẽ ảnh hưởng không ít đến kết quả làm bài của thí sinh. Thí sinh thi khối A mà phải làm bài Văn trong 180 phút với yêu cầu đánh giá xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH là điều rất khó khăn. Tương tự với thí sinh thi khối C nhưng phải làm đề Toán 180 phút.  

- PGS có cho rằng việc miễn thi Ngoại ngữ với học sinh có chứng chỉ tương đương hoặc không đủ điều kiện học ngoại ngữ là phù hợp?

- Rất dễ dẫn đến tiêu cực bởi khó kiểm soát chứng chỉ nào đảm bảo chất lượng. Ngoài một số chứng chỉ của nước ngoài được cả thế giới công nhận thì việc cấp chứng chỉ Ngoại ngữ trong nước ai cũng biết “bát nháo” thế nào. Bên cạnh đó, Bộ cho phép những thí sinh học Ngoại ngữ trong điều kiện không đảm bảo có thể thi môn thay thế thì phải quy định rõ thế nào là “không đủ điều kiện”. Ai có quyền quyết định việc đó, trường hay cấp sở?

- Đến 1-1-2015 mới hết thời hạn để các trường ĐH, CĐ công bố phương án tuyển sinh riêng. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc học tập, ôn tập của học sinh?

- Chúng tôi đang chờ các phương án này trong tâm trạng lo lắng. Các trường ĐH hàng đầu đều có xu hướng tổ chức kỳ tuyển sinh riêng, như vậy liệu có xảy ra tình trạng 10 trường thì sẽ có 10 cuộc thi như thế? Bộ lại không khống chế số lượng thí sinh đăng ký dự thi trên toàn quốc thì học sinh lại lũ lượt thi hết trường nọ đến trường kia. Bộ cần tính toán kỹ để định hướng cho các trường ĐH, hạn chế tốn kém, vất vả cho thí sinh.