Không còn cuộc đua điểm số ở bậc tiểu học

ANTĐ - Tuần vừa qua, các trường tiểu học ở Hà Nội đã tiến hành sơ kết học kỳ I. Nhiều giáo viên khẳng định, kết quả kiểm tra học kỳ I năm nay phản ánh đúng thực chất khi không còn tình trạng phụ huynh học sinh xin điểm số để con đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Không còn cuộc đua điểm số ở bậc tiểu học ảnh 1Vẫn cần phổ biến rõ hơn về cách đánh giá mới đối với tiểu học

Phụ huynh bỡ ngỡ vì con không đạt học sinh giỏi

Tại buổi họp phụ huynh sơ kết học kỳ I tại trường tiểu học Kim Liên, Hà Nội, nhiều phụ huynh ngỡ ngàng khi suốt mấy năm nay con em mình đều được nhận giấy khen danh  hiệu học sinh giỏi, tiên tiến… như một hình thức khẳng định trình độ học tập thì nay không còn. Tương tự, tại nhiều trường ở quận Đống Đa, mức khen các con chỉ là hoàn thành tốt toàn môn hay từng môn học, khen con tiến bộ trong học tập, tiến bộ trong giao tiếp… Nguyên do là bởi cách khen thưởng này phải dựa vào quá trình học tập, phấn đấu của mỗi học sinh. Với những phụ huynh không theo sát con sẽ khó nhận thấy sự tiến bộ hay thụt lùi về học tập hay tính cách. Điều này cũng đòi hỏi giáo viên phải nắm chắc từng học sinh và giải thích đầy đủ với phụ huynh cách đánh giá mới bằng nhận xét thay vì điểm số theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT. 

Tuy nhiên, việc triển khai cách đánh giá mới không phải đã thông suốt. Bà Nguyễn Thị Minh Xuyến, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết, năm học này quận có 17 trường với 22.100 học sinh tiểu học. “Hàng tháng chúng tôi phải giao ban với Ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn các trường về việc thực hiện Thông tư 30 để tháo gỡ sớm những vướng mắc khi triển khai thực hiện. Các đoàn kiểm tra được tăng cường với việc tập trung kiểm tra nhận xét trong vở học và nhận xét hàng tháng của giáo viên. Thậm chí phải tổ chức hội thảo về phương án nhận xét hiệu quả, chữa bài, sửa lỗi cho học sinh” - bà Xuyến cho biết.  

Băn khoăn bình xét thi đua giáo viên

Trước lo ngại các trường sẽ áp dụng tỷ lệ học sinh “đạt”, “chưa đạt” vào bình xét thi đua, nhiều khả năng quay trở lại bệnh thành tích, ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, không có việc áp đặt, không bắt buộc tỷ lệ này nhưng vẫn phải có hình thức bình xét thi đua để qua đó giáo viên cố gắng, tích cực hơn. Việc này tùy thuộc cách thức quản lý của từng trường, nhưng qua đó để làm sao khuyến khích, động viên được giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. 

Lý giải về phản ánh quá tải đối với giáo viên tiểu học khi yêu cầu phải nhận xét quá trình học tập của học sinh, ông Dũng cho biết, cách làm, nhận xét, sử dụng ngôn từ trong vở, trong sổ nhận xét chất lượng giáo dục của giáo viên,  Sở đã có công văn, văn bản cụ thể. Không bắt buộc mỗi một dòng trong sổ phải ghi đầy đủ, hoặc những học sinh đã đạt chuẩn kỹ năng không cần phải ghi nhận xét, trừ trường hợp có đột biến, vượt trội.

Ngược lại, có học sinh chậm hiểu, chậm thực hành, giáo viên cũng chỉ cần ghi ngắn gọn để nhắc mình có cách giúp đỡ học sinh đó tiến bộ, chứ không yêu cầu phải ghi đại trà tất cả học sinh. Bà Nguyễn Thị Minh Xuyến đề xuất, để giảm tải cho giáo viên bởi sĩ số các lớp tiểu học nội thành đều trên dưới 50 học sinh cần phải có nghiên cứu phần mềm ứng dụng đánh giá nhận xét học sinh và khẳng định, học kỳ II, các cơ quan quản lý vẫn phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, hướng dẫn để quá trình đánh giá năng lực học sinh phát huy hiệu quả hơn.