Khó đóng cửa đại học kém chất lượng

ANTĐ - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội vừa công bố kết quả giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến giáo dục đại học (GDĐH). Theo đó, tới nay, Bộ GD-ĐT chưa đưa ra được danh sách các trường kém chất lượng phải giải thể.

Khó đóng cửa đại học kém chất lượng ảnh 1
Không phải cơ sở giáo dục đại học nào cũng đạt chuẩn để đảm bảo
chất lượng giáo dục (Ảnh minh họa)


Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, ông Đào Trọng Thi, sau khi Quốc hội có nghị quyết, việc thành lập trường đã có nhiều “thay đổi theo hướng tích cực”. Tốc độ thành lập trường không còn quá nóng. Giai đoạn 2009 - 2012, tổng số cơ sở GDĐH được thành lập là 33 trường (23 công lập và 10 tư thục), chỉ bằng 10,86% so với tổng số trường được thành lập trong giai đoạn 10 năm trước đó.

Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở GDĐH, khi lập dự án thành lập trường thì các bộ, ngành chủ quản, lãnh đạo các địa phương đưa ra rất nhiều hứa hẹn về đất đai, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị... nhưng sau khi đi vào hoạt động, việc thực hiện các cam kết này rất hạn chế. Tỷ lệ triển khai đầu tư cơ sở vật chất của nhiều trường thường chỉ đạt khoảng 50% so với cam kết, cá biệt có trường chỉ đạt khoảng 10% (Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Thọ).

Đáng chú ý, đến nay, chúng ta vẫn chưa đưa ra được những quy định cụ thể về công tác hậu kiểm đối với các trường sau khi thành lập. Vì vậy, nhiều cơ sở GDĐH sau nhiều năm hoạt động nhưng diện tích đất theo quy định vẫn còn rất thấp. Nhiều trường phải đi thuê cơ sở đào tạo ở nhiều địa điểm khác nhau, gây khó khăn rất lớn cho việc học tập của HSSV. Theo quy định của Nghị quyết 50/2010/QH12, sau 3 năm kể từ năm 2010, các cơ sở GDĐH vẫn chưa có cơ sở riêng của mình thì phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ hoặc giải thể, nhưng sau nhiều đợt thanh tra, Bộ GD-ĐT vẫn chưa đưa ra danh sách các trường dự kiến phải giải thể.

Từ kết quả giám sát, ông Đào Trọng Thi kiến nghị, cần rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH trong cả nước cũng như của từng vùng, từng khu vực. Ủy ban VHGDTNTN&NĐ nêu quan điểm, không thành lập thêm các cơ sở GDĐH công lập ở những vùng đã có nhiều trường và các trường thuộc địa phương nhưng ngân sách địa phương không đủ bảo đảm. Đồng thời, ưu tiên thành lập các cơ sở GDĐH ngoài công lập có vốn đầu tư lớn. Phải tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ mở ngành và đình chỉ hoạt động, sáp nhập, hạ cấp hoặc giải thể những cơ sở GDĐH sau nhiều năm hoạt động nhưng vẫn không thực hiện cam kết thành lập trường, không hội tụ đủ năng lực, điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.