Học tiếng Anh: Giỏi giao tiếp với thầy ngoại nhưng lo ngại đọc - viết

ANTĐ - Câu hỏi học tiếng Anh thế nào cho hiệu quả vẫn khiến các phụ huynh đau đầu, khi đi đăng ký học cho con; người thì tư vấn nên cho con học tiếng Anh với người nước ngoài ngay từ đầu, người thì bảo chỉ được cái nói chứ ngữ pháp kém lắm, vẫn phải học thầy cô trong nước để đảm bảo làm được bài thi chuyển cấp. 

Học tiếng Anh: Giỏi giao tiếp với thầy ngoại nhưng lo ngại đọc - viết ảnh 1Học sinh ngày càng được đầu tư tốt hơn cho môn ngoại ngữ

Tiền triệu vẫn không ổn

Với kinh nghiệm từ bản thân, “vật vã” cả chục năm phổ thông với tiếng Anh trong trường học mà không nói được mấy câu giao tiếp hoàn chỉnh khi gặp khách nước ngoài, nhiều bậc phụ huynh hiện nay đều không tiếc tiền đầu tư cho con học thầy ngoại ngay từ đầu để tránh mắc lỗi tương tự. Tuy nhiên, điều khiến phụ huynh lo ngại là nếu chỉ học thầy ngoại thì chỉ mạnh về giao tiếp, còn việc đối phó với các kỳ thi chuyển cấp, vào các trường chất lượng cao, trường chuyên trong nước lại không thực tế.

Chị Trần Nguyệt Minh, có con đang học tại trường Tiểu học Lĩnh Nam cho biết: “Tôi cho con đi học tiếng Anh ở rất nhiều nơi, từ trung tâm lớn Language Link, Apollo đến các trung tâm nhỏ khác. Tính ra cũng tốn vài chục triệu học tiếng Anh rồi, nhưng chưa yên tâm về hiệu quả học tập của con. Bởi các thầy giáo nước ngoài phát âm hay thật nhưng nhược điểm là không dạy con mình tỉ mỉ và cẩn thận để con cũng học được chuẩn như thế”. Chị Minh tâm sự, sau 2 năm “lăn lộn” với các trung tâm, con chị phần nào giao tiếp vui vẻ, tự tin với thầy ngoại nhưng rồi bố mẹ lại “ngã ngửa” vì trình độ đọc hiểu và viết của con dưới tiêu chuẩn chung của trường công lập con đang học. “Cho con quay lại học các thầy cô Việt Nam thì con về phản ánh các cô phát âm khác lắm và nhất định không chịu học thêm” - chị Nguyệt chia sẻ. 

Đây cũng là trường hợp của chị Phạm Mai Hương, có con học ở trường Thực nghiệm. Chị khá tự tin khi cho con học ở một trong những trung tâm học tiếng Anh với người nước ngoài có tiếng là đắt đỏ trong suốt 4 năm tiểu học. Tuy nhiên, khi cho con thi đầu vào tại trường THCS Alpha, con của chị chỉ được xếp trình độ trung bình khá và được “nhắc nhở” rằng con phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho bộ môn này để theo được trình độ chung của trường. Nhiều phụ huynh tâm sự khi con thi vào các lớp chọn, lớp chuyên ngoại ngữ mới bộc lộ rõ hạn chế của việc học không toàn diện đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết…

Cần kết hợp học và đánh giá thường xuyên

Nhận xét về trình độ tiếng Anh của học sinh phổ thông Hà Nội hiện nay, ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch công ty IIG Việt Nam, đơn vị khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục và cung cấp bài thi tiếng Anh cho biết, học sinh học giỏi tiếng Anh ở bậc tiểu học và THCS hiện nhiều hơn so với các bậc học cao hơn. Điều này cho thấy các bậc phụ huynh đang đầu tư tốt hơn cho con trong việc học tiếng Anh. “Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ con tiếp cận sớm thì càng tốt cho việc tiếp nhận ngôn ngữ thứ 2.  Nhưng việc học phải đi kèm kiểm tra, đánh giá. Đây sẽ là cơ sở để các bậc phụ huynh cũng như thầy cô giáo có những điều chỉnh phù hợp với khả năng tiếp thu của từng học sinh” - ông Đoàn Hồng Nam cho biết.

Mặc dù chưa đưa ra số liệu thống kê đầy đủ nhưng qua việc tổ chức cuộc thi tiếng Anh cho học sinh tiểu học và THCS theo chuẩn quốc tế, IIG Việt Nam đưa ra nhận định học sinh giỏi tiếng Anh thường rơi vào các nhóm trường quốc tế hoặc có học tiếng Anh tăng cường bên cạnh tiếng Anh trong trường học. “Đơn giản là các em theo học chương trình tiếng Anh với đủ thời lượng  cần thiết. Tôi cho rằng, tiếng Anh trong trường học cần đầu tư tối thiểu 6-8 tiết/tuần. Bên cạnh đó có thể kết hợp tự học hoặc học thêm” - ông Đoàn Hồng Nam cho biết. 

Nói về việc học ngoại ngữ của học sinh Hà Nội, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho đề án dạy ngoại ngữ trong trường học. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân đa dạng hóa các loại hình học tập, tạo ra các sân chơi chất lượng cho học sinh và xác định năng lực học ngoại ngữ bằng thang đo chuẩn quốc tế”. Cũng theo ông Lê Ngọc Quang, thành phố đang định hướng đồng bộ chương trình ngoại ngữ trong trường với các chứng chỉ quốc tế để khuyến khích phong trào học ngoại ngữ của học sinh và tránh sự lãng phí do trùng lắp kiến thức bộ môn này khi giảng dạy trong nhà trường.