Học sinh dã ngoại đầu năm: Cần thiết nhưng phải an toàn

ANTĐ - Vào đầu năm học, nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức thực tế, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức đi tham quan, dã ngoại tại các khu vui chơi, sinh thái, di tích lịch sử văn hóa. Tuy vậy, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nguy cơ xảy ra tai nạn trong những chuyến đi này là khá cao…

Học sinh dã ngoại đầu năm: Cần thiết nhưng phải an toàn ảnh 1Những chuyến đi dã ngoại rất cần thiết và bổ ích đối với học sinh

Những cái chết đau lòng

Dã ngoại là hoạt động rất bổ ích nằm trong chương trình giáo dục của các trường. Đây cũng là dịp để các em giao lưu, chia sẻ tình cảm với bạn bè và thầy cô giáo. Song bên cạnh những chuyến dã ngoại đầy ắp niềm vui còn có chuyến đi để lại hậu quả nặng nề. Cách đây không lâu, trong chuyến tham quan tại khu du lịch sinh thái Tây Thiên (huyện Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Phúc), em N.L.Q, học sinh lớp 9 trường THCS Giáp Bát (quận Hoàng Mai) bị đuối nước. Trước đó, 3 học sinh lớp 6 trường THCS Ðoàn Thị Ðiểm đã thiệt mạng khi tham quan tại khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà (huyện Ba Vì). Gần đây nhất, chuyến dã ngoại vào ngày cuối tuần ở bãi biển Cần Giờ, TP.HCM đã trở thành nỗi ám ảnh đối với thầy và trò trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương khi 7 học sinh chết đuối trước sự bất lực của những người có mặt.

Những vụ việc đau lòng trên đã khiến không ít phụ huynh tỏ ý lo ngại mỗi khi cho con đi tham gia dã ngoại cùng nhà trường. Chị Nguyễn Thùy Linh, ở quận Tây Hồ - có con đang học tiểu học hoàn toàn ủng hộ việc nhà trường tổ chức cho học sinh đi tham quan, dã ngoại bởi sẽ giúp trẻ có điều kiện gần gũi với thiên, được vận động, khám phá những điều mới lạ sau giờ học. Song những chuyến đi này cần phải đảm bảo an toàn cho trẻ. “Tôi đã đi dã ngoại cùng con 2 lần. Điều làm tôi không yên tâm là mặc dù học sinh trong lớp rất đông (hơn 50 cháu) nhưng chỉ có 1 cô, 1 hướng dẫn viên (người của công ty du lịch) và vài ba phụ huynh nên quản lý không xuể. Đó là lý do dẫn đến tình trạng có cháu do mải nghịch, quần áo lấm bẩn, thậm chí… tè dầm không ai biết, có cháu do đồ ăn không hợp, không ăn được gì bụng đói cả ngày, có cháu sau chuyến đi về bị ốm vì không mang theo mũ nón..., chưa nói đến những nguy cơ tiềm ẩn tại những điểm dã ngoại” - chị Linh chia sẻ.

Với tâm trạng tương tự, anh Nguyễn Huy Hoàng - nhân viên ngân hàng ở quận Đống Đa cho biết, có lần anh đã tận mắt chứng kiến 2 cháu nhỏ học mầm non khi đi dã ngoại cùng lớp, lúc sang đường do hiếu động đã tách đoàn nên suýt bị xe taxi cán phải. Kể từ đó, mỗi khi nghe nói trường con mình tổ chức đi tham quan, dã ngoại anh Hoàng rất lo. “Tôi có cảm giác các trường thường ít quan tâm đến sự an toàn và vệ sinh thực phẩm của trẻ mà chỉ thấy thông báo đóng tiền.  Không cho con đi thì con buồn mà cho đi thì tôi không tin tưởng vào sự quản lý của cô giáo vì lớp quá đông. Do vậy, nếu lần nào không bố trí đi cùng con được, tôi đành cho cháu ở nhà” - anh Hoàng cho biết.

An toàn là trên hết

Đối lập với quan điểm trên, nhiều phụ huynh lại cho rằng cần để con tiếp xúc với thế giới bên ngoài một cách độc lập, để chúng biết cách tuân thủ kỷ luật tập thể, học được những kỹ năng cơ bản để tự vệ. Các em đang trong độ tuổi thích khám phá lại thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống nên nguy cơ xảy ra tai nạn là khá cao.

Để hạn chế rủi ro trong các chuyến dã ngoại, theo ông Dương Huy Hoàng - Giám đốc Công ty du lịch S.P, các trường nên lựa chọn các địa điểm tham quan không quá xa, địa hình bằng phẳng, đi lại thuận tiện, không nên đưa học sinh đến các khu vực tiềm ẩn nhiều nguy hiểm (có ao hồ, vực sâu…). Trước khi đưa học sinh đi dã ngoại, các trường phải lên phương án bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức sơ cứu, cấp cứu, mua bảo hiểm đầy đủ cho học sinh. Do hầu hết các em học sinh đều rất hiếu động nên cần có lực lượng giáo viên, phụ huynh tham gia cùng để giám sát, quản lý. Ngoài ra, trong quá trình đưa học sinh đi tham quan,  các thầy cô giáo tuyệt đối không được chủ quan, không được đặt niềm tin quá nhiều vào hướng dẫn viên vì họ chưa quen mặt học sinh và không có nhiều kinh nghiệm quản lý trẻ. Để tránh tình trạng học sinh bị bỏ lại, bị lạc, các thầy cô cần điểm danh thường xuyên…

Tham quan, dã ngoại là những hoạt động không thể thiếu trong chương trình giáo dục. Nếu được tổ chức tốt, những chuyến đi này sẽ tạo cho học sinh sự phấn khởi, tự tin vào bản thân, giúp cho việc học tập được tốt hơn. “Trước mỗi chuyến đi, việc rèn kỹ năng cho học sinh (như tuân thủ quy định tập thể, tự phục vụ…) là điều rất quan trọng. Phụ huynh cần phối hợp với nhà trường trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về  tai nạn thường gặp như tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc thực phẩm... Các trường nên lựa chọn những công ty lữ hành uy tín, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, có hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động tập thể và có kỹ năng cứu hộ, quản lý học sinh” - anh Dương Huy Hoàng khuyên.