GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: “Bức thư của cô gái Việt gửi từ Nepal rất đáng gửi đến Bộ trưởng!”

ANTĐ - Bức thư gửi Bộ trưởng GD-ĐT của cô gái Võ Thị Mỹ Linh (SN 1989) bày tỏ quan điểm khi so sánh chương trình sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh của Việt Nam với Nepal đã nhận được sự quan tâm của dư luận. GS.NGND Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, bức thư này rất đáng chuyển tới Bộ trưởng và những người đang giữ trọng trách quản lý nền giáo dục nước nhà.

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: “Bức thư của cô gái Việt  gửi từ Nepal rất đáng gửi đến Bộ trưởng!” ảnh 1SGK môn Sinh học bằng tiếng Anh của học sinh Nepal dày dặn hơn SGK Sinh học
của Việt Nam

So sánh hoàn toàn chính xác

- PV: Ông đánh giá như thế nào về cách nhìn nhận vấn đề dạy tiếng Anh ở Nepal và Việt Nam của một cô gái trẻ sinh năm 1989? Có người cho rằng đó là sự so sánh khập khiễng vì điều kiện hai đất nước khác nhau? 

- GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi đã từng khảo sát vấn đề này ở Nepal và tôi thấy bức thư này thật hay. Hai đất nước khác nhau, thậm chí GDP/PPP của Việt Nam còn cao hơn nhiều so với Nepal (2013: Việt Nam - 358,90 tỷ USD; Nepal - 42,06 tỷ USD). Nhưng tuổi học và số năm học của học sinh hai nước là giống nhau. Sự so sánh của cháu là hoàn toàn chính xác và không hề khập khiễng. Đó là sự suy nghĩ chín chắn và có trách nhiệm của một nữ thanh niên có tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục của đất nước. Cháu nói: “Cháu thì ở xa, bác lại bận trăm công nghìn việc chắc khó nghe thấy những lời cháu nói. Nhưng cháu tin thông điệp cháu gửi rồi cũng tới bác”. Tôi nghĩ Bộ trưởng có bận thật nhưng thời điểm này chắc chắn Bộ trưởng đang đau đáu làm sao có một chương trình và bộ SGK nhận được sự đồng tình của nhân dân. Vì vậy bức thư có giá trị này rất đáng chuyển tới Bộ trưởng và tất cả những ai đang giữ trọng trách quản lý nền giáo dục nước nhà.

- Là người hiểu nền giáo dục của nhiều quốc gia, ông thấy việc dạy tiếng Anh ở Việt Nam như thế nào so với các nước? Nhiều phụ huynh than rằng con họ học tiếng Anh 7 năm ở trường nhưng khi gặp người nước ngoài chỉ nói được tên, tuổi? Có phải chúng ta đang coi nhẹ việc dạy tiếng Anh? 

- Tôi mua trong hiệu sách của Nepal 2 cuốn Sinh học (Biology) dành cho học sinh lớp 11 và lớp 12. Tôi bị choáng vì sách viết bằng tiếng Anh và dày hơn 700 trang. SGK Sinh học lớp 11 và 12 ở nước ta chỉ trên 200 trang thôi. Nội dung sách của họ sâu sắc hơn nhiều, kể từ khâu trình bày tới dẫn chứng, dẫn liệu... Tại Nepal, có một hệ thống học toàn bằng tiếng Anh (số này đào tạo ra không ít Tiến sĩ đang làm chuyên gia cho Liên hợp quốc) và một hệ thống học bằng tiếng Nepal nhưng học sinh được học tiếng Anh ngay từ tiểu học. 

Tôi đã hỏi làm sao có thể “tiêu hóa” được cuốn SGK trên 700 trang ở lứa tuổi học sinh THPT. Câu trả lời đáng để chúng ta suy nghĩ: Họ coi học hết lớp 10 là hoàn thành kiến thức cơ sở. Đến lớp 11 và 12 họ phân ban sâu, chia thành 4 phân ban (Quản trị kinh doanh, Xã hội nhân văn, Toán-Lý và Hóa- Sinh). Mỗi phân ban chỉ học có 4 môn học. Vì vậy, SGK môn Sinh học ở ban Hóa- Sinh mới dày trên 700 trang.  

Từ thực tế này, tôi kiên quyết đề nghị thảo luận thật kỹ vấn đề phân ban trước khi soạn thảo chương trình. Tôi rất muốn chúng ta học Nepal. Chúng ta coi trọng môn tiếng Anh nhưng đâu có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học sử dụng được tốt ngoại ngữ này. Tôi nghĩ đến quyết định của ông Lý Quang Diệu khi lấy Anh ngữ là ngôn ngữ chính của Singapore trước sự phản đối gay gắt của số đông người Hoa, cộng đồng dân cư chiếm đa số ở Singapore. Bây giờ thế giới nể trọng Singapore về nhiều mặt có phần xuất phát từ quyết định sáng suốt ấy của ông Lý Quang Diệu. Chúng ta đủ sức dạy bằng tiếng Việt cho mọi môn học ở bậc đại học và sau đại học (chuyện không phải nước nào cũng làm được) nhưng ngoại ngữ quan trọng đến mức nào trong thời đại "Thế giới phẳng" thì chắc ai cũng thấy rõ.

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: “Bức thư của cô gái Việt  gửi từ Nepal rất đáng gửi đến Bộ trưởng!” ảnh 2

Nên có bộ sách tiếng Anh “made in Việt Nam”

- Tác giả của bức thư viết: “Là người Việt, chúng ta cần tự hào về văn hoá Việt, nên chúng ta cần học tiếng Anh để nói cho thế giới biết về văn hoá của chúng ta đẹp như thế nào". Theo Giáo sư có đúng như vậy không? Việc dạy tiếng Anh của chúng ta nên gắn với văn hóa, phong tục, địa danh của người Việt?

- Thế hệ bố mẹ tôi học tiếng Pháp, thế hệ tôi là tiếng Nga. Tôi đã học hai ngoại ngữ này nhưng khi ra trường đã quyết tâm học thêm tiếng Anh và tiếng Trung. Tiếng Anh thì rõ rồi nhưng tiếng Trung rất hay không chỉ vì thế giới sinh vật của họ gần giống với nước ta mà còn vì sách chuyên môn hay của Mỹ, Anh, Úc họ đều dịch rất nhanh và giá chỉ bằng 1/10 so với nguyên tác.

Tất nhiên tôi không có may mắn được học chu đáo như nhiều bạn trẻ hiện nay mà hoàn toàn phải tự học.Tôi đồng ý với cô gái này không chỉ vì muốn kể câu chuyện văn hoá của đất nước cho thế giới biết... Nếu anh tự hào về ngôi nhà anh đẹp, thì anh phải tìm cách đi qua làng bên, nói cho người làng bên biết cái nhà anh đẹp thế nào để họ còn biết mà đến thăm, không thể chỉ nằm ở nhà, ngửa mặt lên ngắm trần nhà và tự khen nhà tôi đẹp. Trong khi thế giới ngoài kia có biết bao ngôi nhà đẹp hơn đang được xây nên mỗi ngày. 

- Đứng dưới góc độ người đã từng trăn trở và đưa ra nhiều ý kiến về xây dựng SGK Sinh học, ông có nghĩ rằng chúng ta nên có bộ sách tiếng Anh “made in Việt Nam” hay không? 

- Đương nhiên là muốn và tôi tin rằng không khó khăn gì trong chuyện này nếu Bộ GD-ĐT không giữ độc quyền việc biên soạn chương trình và SGK. Tôi đã nhiều lần kiến nghị Bộ cho phép các Hội khoa học chuyên ngành được chủ động cử người biên soạn SGK dưới sự chỉ đạo của Bộ và xã hội hóa hoàn toàn việc soạn SGK khi đã có một chương trình hoàn hảo được cấp có thẩm quyền thông qua một cách có trách nhiệm. 

- Tác giả bức thư nói sẽ vận động bạn bè làm một bộ SGK tiếng Anh, Giáo sư nghĩ sao về điều này? 

- Nếu có một chương trình Anh ngữ đã được thông qua ở cấp Nhà nước thì theo quy định mới, ai muốn viết SGK cũng được. Nếu cô gái này học về Sinh học thì tôi sẵn sàng mời cộng tác viết SGK Sinh học. Hiện nay, tôi đã sẵn sàng viết nếu như chấp nhận được sự hợp lý trong phân ban và sự chính xác của một chương trình sẽ được thông qua.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư!