Giúp thí sinh vượt qua nắng nóng

ANTĐ - Thời tiết dù đã dịu đi chút ít nhưng vẫn làm khó thí sinh ở 2 môn thi ngày 2-7. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tăng cường tạo điều kiện giúp người nhà và thí sinh dự thi trong nắng nóng gay gắt, nhiều điểm thi đã mở rộng phòng thi đón thí sinh vào nghỉ ngơi buổi trưa cũng như tăng cường nước uống, quạt mát.

Giúp thí sinh vượt qua nắng nóng  ảnh 1
Không hạn chế mang nước uống vào phòng thi

Sau 2 buổi thi đầu tiên, nhiều thí sinh đến dự thi môn Ngữ Văn trong tình trạng mệt mỏi vì tâm lý làm bài chưa được như mong muốn một phần, thêm phần mất ngủ vì lo môn thi sau cộng với thời tiết quá nắng nóng. Trước tình trạng này, ông Vũ Đức Thuận, Điểm trưởng điểm thi trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân cho biết, từ buổi thi hôm nay, giám thị không hạn chế thí sinh mang nước vào phòng thi. Toàn bộ các phòng thi trên tầng 4 được chuyển hết xuống tầng 2, nơi có vị trí mát nhất. “Cũng từ hôm qua, các phòng thi được mở cửa buổi trưa để thí sinh và người nhà vào nghỉ trưa giữa 2 buổi thi, tránh đi lại nhiều dưới trời nắng gắt” - ông Vũ Đức Thuận cho biết.

Chị Lê Thị Ngoan, ở huyện Thường Tín (Hà Nội) có con thi ở điểm thi này cho biết, buổi trưa 2 mẹ con không phải thuê trọ vì được nghỉ ngơi trong trường khá mát mẻ. Bữa trưa cũng được mua ở ngoài vào ăn trong trường. “Đặc biệt, quận đoàn Thanh Xuân bố trí quầy cung cấp nước uống miễn phí cho phụ huynh, học sinh đi thi, có cả đá làm mát và quạt giấy miễn phí” – chị Ngoan cho biết.

Thí sinh bị đình chỉ tăng vọt 

Trong buổi thi thứ ba, lượng thí sinh bị đình chỉ thi tăng đột ngột. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: “Do đặc thù của môn Ngữ Văn, có thể sử dụng tài liệu nên nhiều thí sinh vẫn cố tình mang theo tài liệu để quay cóp. Kết quả là gần 300 trường hợp bị đình chỉ thi. Tuy nhiên, ở buổi thi môn Vật lý chiều 2-7, lượng thí sinh bị đình chỉ đã giảm hẳn chỉ còn 14 trường hợp”.

Đề thi Văn sáng 2-7 đã làm hài lòng đa số thí sinh. Đề thi được đánh giá không khó, chủ đề gần gũi, thậm chí “trúng tủ” với không ít thí sinh khi ôn kỹ về chủ đề biển đảo. Tại điểm thi trường THPT Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân - Hà Nội, thí sinh Nguyễn Thị Phương cho biết: “Em dự kiến mình được 6-7 điểm”. Đây là kết quả đáng mong đợi đối với thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT, đặc biệt khi đề Toán ngày 1-7 được đánh giá là “khó nhằn”.

 Với trích đoạn tác phẩm Hát về một hòn đảo, thí sinh sẽ hiểu được những vất vả, gian khổ của người lính đảo nhưng vượt lên trên tất cả là niềm tự hào về vẻ đẹp biển đảo quê hương và những tấm gương sẵn sàng hy sinh thân mình vì chủ quyền Tổ quốc. Trong văn bản Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa, thí sinh lại được yêu cầu phân tích, hiểu rõ về căn bệnh vô cảm dẫn đến suy giảm tính nhân văn trong xã hội hiện nay.

Phần làm văn, thí sinh cũng không quá khó khăn khi hiểu rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng sống đồng thời với tích lũy kiến thức. Hai lĩnh vực đều không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay giúp con người thích ứng, ứng xử linh hoạt, hiệu quả với các tình huống trong cuộc sống. 

Hiếm điểm 10 Vật lý
Nhận định đề thi môn Vật lý, thầy Phạm Văn Tùng, giáo viên Trung tâm luyện thi Học mãi của Hà Nội cho biết, đề năm nay hay, phân loại tốt học sinh, đáp ứng mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. Đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó, trong đó có 60% kiến thức cơ bản, phổ điểm chính rơi vào khoảng 5 - 6 điểm. Đối với học sinh trung bình có thể đạt điểm 6, trung bình khá có thể đạt đến 7,5 điểm. Đối với học sinh khá, giỏi có thể đạt từ 8 – 9,5 điểm. Tuy nhiên, năm nay sẽ rất hiếm điểm 10 vì có khoảng 10 câu rất khó, trong đó có 5 câu  liên quan đến hình vẽ, đồ thị. 

Đậm chất thời sự, nhân văn

Theo nhận định của TS Văn học Phạm Hữu Cường, đề thi Ngữ văn năm nay phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, kiến thức và kỹ năng chủ yếu trong chương trình Ngữ văn 12. Đề thi hay và có tính sáng tạo, thiết thực, kết hợp được giữa yêu cầu cảm thụ văn học, yêu cầu bàn luận một vấn đề xã hội và những vấn đề có tính chất thời sự của đất nước cũng như lẽ sống nhân văn của con người.

Các ý hỏi trong phần đọc hiểu vừa kiểm tra được kiến thức tiếng Việt, năng lực đọc hiểu của học sinh, vừa lay động được tình cảm với những người đang bảo vệ biển đảo của đất nước, đồng thời giúp học sinh có ý thức về sự nguy hiểm của bệnh vô cảm trong xã hội. Câu nghị luận xã hội đã hướng tới những vấn đề thiết thực với tuổi trẻ, đó là mối quan hệ giữa kiến thức và kỹ năng sống, giữa lý thuyết với thực hành.