Gần 800 tỷ đồng đổi mới chương trình, SGK: Bộ GD-ĐT triển khai đến đâu?

ANTĐ - Với quyết định phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) của Thủ tướng, kinh phí thực hiện cho công việc này là 800 tỷ đồng có lộ trình triển khai từ 2015-2023. Vậy Bộ GD-ĐT đã triển khai đến đâu?

Chiều 22-4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về đổi mới việc thực hiện và quản lý triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa, làm cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu và áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Trong đó, Bộ đã giao quyền tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông. Triển khai mô hình trường học mới ở tiểu học và THCS. Tổ chức thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn của học sinh trung học. Đổi mới dạy học ngoại ngữ ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Dạy tiếng Việt lớp 1 theo phương pháp công nghệ giáo dục. Áp dụng phương pháp dạy học “bàn tay nặn bột” ở TH và THCS. 

Mới đây nhất là việc áp dụng đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư 30; Đánh giá học sinh phổ thông trên diện rộng theo quốc tế (PISA, PASEC) và một số chương trình đánh giá trong nước ở cả 3 cấp học phổ thông; Khởi động trang mạng “Trường học kết nối” phục vụ rộng rãi các hoạt động dạy, học, thi, bồi dưỡng giáo viên. Đồng thời đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng đánh giá năng lực, bảo đảm khách quan.

Gần 800 tỷ đồng đổi mới chương trình, SGK: Bộ GD-ĐT triển khai đến đâu? ảnh 1

Chưa có mức chi cho việc biên soạn sách giáo khoa mới

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết thêm, Bộ đã huy động đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường đại học, viện nghiên cứu,… tham gia thiết kế, xây dựng chương trình GDPT tổng thể; tổ chức các hội thảo xin ý kiến về chương trình GDPT tổng thể. Cho đến thời điểm này, chương trình GDPT tổng thể về cơ bản đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện, để đưa ra thảo luận, xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội.

Mức kinh phí được phê duyệt cho đề án này là 778,8 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng, thử nghiệm chương trình; Biên soạn, thử nghiệm một bộ sách giáo khoa (do Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện); Thẩm định CT và thẩm định SGK; Tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định CT mới, SGK mới; xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện CT mới, SGK mới. Về mức chi cụ thể, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ cùng Bộ Tài chính sớm ban hành quy định mức chi cho từng hạng mục.