Khép lại Diễn đàn “Đổi mới giáo dục-Cùng hiến kế”:

Đưa ý tưởng vào thực tế

ANTĐ - LTS: Trước thềm khai giảng năm học mới 2014-2015, Báo ANTĐ đã mở Diễn đàn “Đổi mới giáo dục-Cùng hiến kế” và chỉ trong vòng hơn một tháng, tòa soạn nhận được hàng trăm ý kiến của các nhà khoa học, lãnh đạo ngành giáo dục cũng như độc giả. Những vấn đề nóng nhất của giáo dục đã được thể hiện trên diễn đàn cho thấy sự quan tâm đặc biệt của người dân tới lĩnh vực này. Chính vì vậy, diễn đàn khép lại cũng là lúc mở ra một vận hội mới cho sự đổi mới của nền giáo dục nước nhà. Tòa soạn chân thành cảm ơn các học giả, các nhân sỹ trí thức, các bậc phụ huynh và các em học sinh đã đóng góp những ý kiến tâm huyết và mang tính xây dựng cao cho diễn đàn.
Đưa ý tưởng vào thực tế ảnh 1
Các ý kiến được đưa ra tại Diễn đàn “Đổi mới giáo dục - Cùng hiến kế”
trên Báo ANTĐ đều hướng tới quyền lợi học sinh


Hướng đến người học

 Ngành Giáo dục sau nhiều lần cải cách nhưng vẫn chưa thực sự làm được cuộc cách mạng trong vấn đề “trồng người”. Báo ANTĐ đã phỏng vấn  GS Hồ Ngọc Đại trên số báo ngày 15-9. “Những lý thuyết trước đây đều đã lạc hậu. Bây giờ phải tư duy khác, tất cả đã thay đổi. Đáng lẽ, chúng ta cần phải viết lại từ lâu rồi, nhưng rất tiếc là chưa làm được” - GS Hồ Ngọc Đại nhận định. “Phải lấy trẻ con làm chuẩn, làm mục đích, làm lẽ sống. Ta là thế hệ lạc hậu, chúng là thế hệ tiên tiến, do đó ta phải từ bỏ chính chúng ta, nền giáo dục cũng như vậy. Phải căn cứ vào trẻ con chứ đừng căn cứ vào người lớn” - GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh. 

GS.VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhiều lần đưa ra những phân tích sắc sảo. Góp ý về Đề án đổi mới CT-SGK của Bộ GD-ĐT, GS Đào Trọng Thi cho rằng nguyên nhân chưa thành công trong việc đổi mới CT-SGK năm 2000 chính là chưa chuẩn bị đồng bộ việc thực hiện. “Điều này chúng ta phải rút kinh nghiệm. Có khả năng đến đâu thực hiện đến đó, đã yêu cầu là phải thực hiện tốt. Yêu cầu cao, thực hiện thấp thì kết quả cuối cùng là thấp”. Đặc biệt, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh đối với phương án viết nhiều bộ SGK, cần cân nhắc để làm sao quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trong việc này có sự hài hòa, đạt hiệu quả cao nhất. “Tôi cho rằng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết SGK nhưng Bộ GD-ĐT vẫn phải chủ động biên soạn một bộ sách đầy đủ để phục vụ cho quá trình đổi mới CT-SGK và tạo sự chủ động”. GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh, mục đích đổi mới SGK quan trọng nhất là dành cho học sinh.

Cả xã hội nóng vấn đề thời sự

Là vấn đề liên quan tới hàng triệu nhà giáo, phụ huynh và học sinh vì vậy thay đổi lớn trong tổ chức một kỳ thi quốc gia vào năm 2015 thu hút mạnh sự chú ý của toàn xã hội. Về phía các trường ĐH, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội tỏ ra  lo lắng vì chất lượng thi chung khi thí sinh vào học trường mình lại do trường khác đảm nhiệm với sự coi thi, chấm thi lỏng chặt khác nhau…

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cảnh báo, việc gộp 2 kỳ thi không giải quyết được tiêu cực. “Tôi đồng tình với chủ trương này nhưng cũng muốn cảnh báo trước không nên nghĩ rằng gộp 2 kỳ thi làm một sẽ giải quyết được 2 vướng mắc lớn hiện nay là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông còn nhiều tiêu cực, không đánh giá được chính xác kết quả học tập của học sinh”. Băn khoăn mà PGS Văn Như Cương chia sẻ là khả năng thí sinh phải trải qua cả chục lượt thi với nhiều phương án tuyển sinh ĐH riêng. Là người trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả học tập của hàng nghìn học sinh trường mình, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng, Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là một bước thay đổi quan trọng, có thể chưa suôn sẻ ngay và cần điều chỉnh dần nên không nên hoang mang. 

Những ý kiến mà Diễn đàn “Đổi mới giáo dục-Cùng hiến kế” nhận được còn phản ánh rất nhiều tâm tư của phụ huynh, học sinh trước những bước thay đổi lớn ngay trong năm 2015. 

Phản hồi từ lãnh đạo ngành 

Trước tâm tư nguyện vọng, những phản biện của xã hội về đổi mới giáo dục, Diễn đàn “Đổi mới giáo dục-Cùng hiến kế” cũng thường xuyên nhận được sự trao đổi của lãnh đạo ngành giáo dục. Kịp thời có những giải đáp tới người dân, Báo ANTĐ số ra ngày 23-9 đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh trước buổi họp chính thức với giám đốc các Sở GD-ĐT và hiệu trưởng ĐH, CĐ cả nước. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Mai Văn Trinh cho thấy sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng của Bộ GD-ĐT nhưng đồng thời cũng thừa nhận còn nhiều khó khăn trong lần đầu tiên ráp nối thi tốt nghiệp với tuyển sinh ĐH. “Nhưng tất cả đều sẽ cố gắng khắc phục để dành phần thuận lợi nhất cho thí sinh và gia đình các em” -  ông Mai Văn Trinh khẳng định.

Tiếp tục giải đáp những băn khoăn của hơn 1 triệu thí sinh chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng nhất là kỳ tuyển sinh ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh, việc xác định môn thi dùng để xét tuyển ĐH của các trường bắt buộc phải bảo đảm không gây khó khăn cho thí sinh đã ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Theo đó, Bộ quyết định các trường vẫn phải duy trì các tổ hợp môn theo khối thi truyền thống để xét tuyển. Để gánh đỡ những khó khăn của các trường ĐH khi tạo điều kiện mở rộng hết cỡ các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý dữ liệu chung toàn quốc và các trường sẽ giải quyết được tình trạng nguyện vọng “ảo”…

Nhận định từ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận về thay đổi trong thi cử phần nào khiến phụ huynh, giáo viên, học sinh tạm bớt băn khoăn để tập trung cho việc dạy và học. Trên Báo ANTĐ ra ngày 24-9, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, cách ra đề kỳ thi quốc gia không làm thí sinh “sốc” mà chỉ có tác động tích cực như năm 2014. Học sinh không phải học thuộc lòng, có mang tài liệu vào phòng thi cũng không có tác dụng. Phương án thi đổi mới đang được xây dựng, sau năm 2015 sẽ rõ hơn nữa. “Những thay đổi này sẽ đồng hướng, không phải nay rẽ phải, mai rẽ trái rồi quay về chỗ cũ”, Bộ trưởng khẳng định.

Có thể thấy với rất nhiều ý kiến phản biện từ xã hội cùng những nỗ lực giải đáp của ngành giáo dục, Diễn đàn “Đổi mới giáo dục-Cùng hiến kế” đã góp phần định hướng cho thế hệ tương lai trưởng thành toàn diện từ những gì tốt đẹp nhất của nền giáo dục nước nhà.

- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: “Thói quen của chúng ta là dạy và học theo cách truyền thụ kiến thức một chiều. Đã đến lúc phải thay đổi. Vấn đề hiện nay là làm sao để 2 triệu thầy cô giáo hiểu và thống nhất để 20 triệu học sinh và gia đình hiểu…”.

- GS Hồ Ngọc Đại: “Nếu trò cứ học như vẹt những lời thầy nói một cách vô nghĩa thì chỉ khiến trò giậm chân tại chỗ”. 

- Ngô Phương Vy - học sinh lớp 12D2, trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm: “Việc không phải thi liền 2 kỳ thi với các môn thi trùng nhau trong vòng hơn 1 tháng cũng là thuận lợi cho học sinh chúng em”.