Đổi mới chương trình, SGK: Đáng lo nhất vẫn là đội ngũ thực hiện

ANTĐ -Theo thông tin ban đầu từ Bộ GD-ĐT, chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) đã được xác định theo hướng giảm nhẹ chương trình môn học nhưng lại yêu cầu phức tạp hơn trong giảng dạy. Với định hướng này, điều mà các chuyên gia lo lắng nhất chính là khả năng thực hiện của đội ngũ giáo viên cả nước.

Học sinh nhẹ nhàng, giáo viên phức tạp

Trao đổi với phóng viên ANTĐ sáng 23-4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải thích rõ hơn về định hướng hình thành năng lực, kỹ năng cơ bản cho học sinh trong giai đoạn 1. Giai đoạn này sẽ bao gồm 9 năm với 2 cấp giáo dục tiểu học và THCS. Để rút ngắn việc hoàn thành kiến thức phổ thông từ 12 năm xuống còn 9 năm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đầu môn học sẽ được rút ngắn lại theo hướng tích hợp, ví dụ như các môn Sử, Địa sẽ tích hợp vào môn Khoa học xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Nội dung CT, SGK với những kiến thức quá khó, chưa thực sự cần thiết ở giáo dục phổ thông sẽ được lược bỏ. Học sinh có cơ hội được học nhiều hơn những kiến thức cần thiết cho cuộc sống. Giai đoạn 2 - giáo dục định hướng nghề nghiệp - gồm 3 năm cuối cấp phổ thông. Thứ trưởng cho biết, đầu môn học cũng sẽ giảm xuống và tăng cường dạy học theo chuyên đề tự chọn để định hướng nghề nghiệp, tiếp cận với yêu cầu đào tạo nghề nghiệp sau này.

Đổi mới chương trình, SGK: Đáng lo nhất vẫn là đội ngũ thực hiện ảnh 1

Chương trình, sách giáo khoa mới giảm tải cho học sinh nhưng tăng độ phức tạp với giáo viên

Có thể thấy cùng với việc giảm nhẹ kiến thức cho học sinh thì yêu cầu dạy học đối với giáo viên lại phức tạp hơn. Đi kèm với chương trình theo định hướng mới, việc tổ chức dạy học, đánh giá học sinh sẽ đa dạng hơn, không chỉ dạy học trên lớp mà dạy học theo dự án, hoạt động trải nghiệm, việc đánh giá cũng không căn cứ vào bài kiểm tra, bài thi mà có thể đánh giá qua chất lượng các dự án, sản phẩm nghiên cứu, vận dụng kiến thức vào thực tế, qua hoạt động trải nghiệm... Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, 80% giáo viên phổ thông hiện nay có thể đáp ứng được chương trình mới, chỉ cần được tập huấn kỹ. 

Động lực cho đổi mới ở giáo viên

Trái ngược với sự tự tin của lãnh đạo Bộ GD-ĐT về khả năng đáp ứng yêu cầu CT, SGK mới ở đội ngũ giáo viên cả nước thì TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, hiện nay tỷ lệ giáo viên năng lực dưới mức yêu cầu không ít. “Gốc rễ của đổi mới là đội ngũ người thực hiện, chúng ta không có đội ngũ này thì không làm gì được. Tôi thấy tốc độ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho CT, SGK mới vẫn còn chậm. Bộ dự định bồi dưỡng giáo viên qua Internet hay qua truyền hình nhưng cũng chưa làm được” – TS Nguyễn Tùng Lâm băn khoăn. 

Phân tích ở góc độ nhà quản lý, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ngoài đòi hỏi thay đổi nhận thức của giáo viên để triển khai CT, SGK mới thì ngành giáo dục cần phải tạo động lực cho họ. “Bộ cần đặt vấn đề sớm với Nhà nước có mức lương tốt hơn cho giáo viên. Với mức lương hiện nay, họ khó có thể tập trung đầu tư giờ học tốt hơn. Mức lương mới không phải ai cũng được hưởng mà chỉ những giáo viên đạt yêu cầu đổi mới thì mới được hưởng mức lương này” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhận xét.

“Muốn bồi dưỡng phải có đội ngũ giáo viên giỏi truyền tay nghề chứ không phải mời cán bộ về nói tràn lan. Bồi dưỡng cách đó mới thiết thực và cuối cùng là khâu kiểm tra đánh giá” – TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích. Tuy nhiên, khó khăn ở đây là với cả triệu giáo viên, Bộ GD-ĐT không thể ôm tất mà phải giao quyền chủ động cho hiệu trưởng.

Trước thắc mắc về việc vừa làm vừa điều chỉnh sẽ phạm vào nguyên tắc không thể để có sai sót trong giáo dục vì là lĩnh vực liên quan đến con người, TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục cho rằng một mũi tên bắn ra chưa chắc đã trúng đích nên chúng ta phải luôn luôn điều chỉnh tư duy: “Nguyên lý thì không được phép sai lầm nhưng tôi cho rằng vừa làm vừa chấp nhận có thể có sai sót nhưng phải kịp thời điều chỉnh”. Tuy nhiên, khi nói về tình trạng thiếu một Tổng chủ biên cho việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa mới, TS Đặng Quốc Bảo cũng thừa nhận: “Bộ GD-ĐT đang thiếu Tổng chủ biên và tôi cho rằng còn thiếu nhiều người nữa để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới”.