Đại học quốc tế và những lầm tưởng: Giải quyết khâu “oai”

ANTĐ - Thấy Hoàng Trung (ở phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dửng dưng với việc học khi đang trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, không ít bạn bè tỏ ra ngạc nhiên, lo lắng. Trước thắc mắc của mọi người, Trung tỉnh queo: “Vào trường đại học (ĐH) quốc tế chỉ cần có tiền, không phải học”.

Cơ sở vật chất hiện đại là ưu điểm của các trường quốc tế (Ảnh minh họa)

Không thi cũng đỗ 

Thời gian qua, hệ thống trường quốc tế Raffles đã bị các cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu ngừng hoạt động do tuyển sinh và đào tạo không phép kéo theo hàng trăm sinh viên đã được cấp bằng tốt nghiệp nhưng không được công nhận đã làm ảnh hưởng đến uy tín chung của hệ thống trường ĐH quốc tế tại Việt Nam. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, những trường mang danh “quốc tế” vẫn được một số bạn trẻ lựa chọn, trong đó, một bộ phận có suy nghĩ giống như Trung, coi việc xét tuyển vào trường ĐH quốc tế chỉ là vấn đề thủ tục, không thi cũng đỗ, chương trình học đơn giản, dễ hơn nhiều so chương trình học của Việt Nam nên việc học các môn cơ bản là không cần thiết. Đối với họ, đi học chỉ để làm “vui lòng bố mẹ” và… giải quyết khâu oai.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa đang vùi đầu vào sách vở để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH sắp tới thì Vân Giang ở phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa lại “bình chân như vại”. Hết du lịch lại mua sắm, lịch trình hàng ngày của Giang không có chỗ cho việc học. Mối quan tâm duy nhất của cô nàng là “ngày mai mặc gì, đi chơi ở đâu, ăn món gì”. Giang cho biết: “Em muốn vào học trường quốc tế, vì ở đó chỉ phải học ít, đỡ mệt đầu, mỗi tội hơi tốn tiền. Nhưng tiền đã có “ông bà già” lo, không phải nghĩ. Sau khi tốt nghiệp lại thông thạo ngoại ngữ, em muốn xin vào đâu chẳng được. Bên cạnh đó, việc thi đầu vào các trường này cũng đơn giản, không khó khăn căng thẳng như các trường ĐH trong nước”. Tương tự, Lê Dũng 18 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội thật thà: “Em biết sức mình có cố thi cũng chẳng đỗ được ĐH, nên khi bố mẹ đề nghị em đi học ở trường RMIT, em đồng ý ngay. Em nghĩ trường chỉ xét tuyển nên chắc không phải học nhiều, vừa được cái tiếng học trường quốc tế, vừa được chơi, còn gì bằng”.

Những quan điểm trên chỉ phản ánh được một khía cạnh nhỏ về chất lượng đào tạo của các trường ĐH quốc tế hiện nay. Nguyễn Hoàng Hải, cựu sinh viên trường RMIT chia sẻ: “Ban đầu, tôi không định vào RMIT vì nghe đồn học sinh của trường chủ yếu là thi đại học trượt, con nhà giàu. Nhưng khi vào trường tôi mới thấy, thực tế không hoàn toàn như vậy. Trường quốc tế tuy không xét tuyển điểm thi ĐH nhưng vẫn có những yêu cầu khá khắt khe. Như điều kiện để tuyển vào trường là học viên phải tốt nghiệp lớp 12, trình độ Anh Văn IELTS 6.5, TOEFL IBT 92 hoặc hoàn thành khóa học Anh văn cao cấp của đại học RMIT. Nếu muốn đăng ký vào các ngành khoa học ứng dụng, học sinh  phải có điểm trung bình môn Toán lớp 12 tối thiểu là 7,0. Do vậy để vào trường ĐH quốc tế, chỉ tiền thôi chưa đủ.

Thực tế đã có không ít bạn ôm mộng trở thành sinh viên của trường quốc tế nhưng học mãi không thể đáp ứng tiêu chuẩn tiếng Anh của trường nên không được cấp bằng. Thậm chí có bạn sau khi vất vả kết thúc khóa tiếng Anh đã phải vội vã rút lui vì thấy không theo nổi. Bên cạnh đó học viên phải có khả năng tự học cao, có kỹ năng làm việc nhóm và học 100% bằng tiếng Anh… Do đó, khi quyết định vào học tại trường, các bạn nên loại bỏ ngay trong đầu suy nghĩ trường quốc tế… là không cần học”.

Quảng cáo hấp dẫn

Đại học quốc tế và những lầm tưởng: Giải quyết khâu “oai”  ảnh 2
Trường Raffles - một trong những trường quốc tế đã bị chấm dứt đào tạo tại Việt Nam

Để thu hút học sinh, hầu hết các trường ĐH quốc tế đều đưa ra những thông tin quảng cáo khá hấp dẫn: “Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh vừa có chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt theo tiêu chuẩn chương trình đại học nước ngoài, bằng cấp có giá trị quốc gia và quốc tế, cung cấp cho sinh viên nền giáo dục đại học hàng đầu của các nước tiên tiến, môi trường học tập quốc tế. Các giảng viên vững kiến thức, giàu kinh nghiệm, đến từ nhiều nước trên thế giới. Các bạn cũng sẽ được sử dụng hệ thống giáo trình tiếng Anh, và học tập cùng các bạn sinh viên quốc tế đến từ nhiều nền văn hóa trên thế giới. Kết thúc khóa học, các bạn được trang bị vốn tiếng Anh khá tốt”… Vì vậy, dù mức học phí của các trường này rất cao (dao động từ 4-15 triệu đồng/tháng) nhưng vẫn có rất nhiều phụ huynh chấp nhận đầu tư cho con mình theo học.

Bà Nguyễn Hải Thanh - người có con đang theo học tại một trường ĐH quốc tế tại Hà Nội cho biết: “Tôi không biết chương trình đào tạo của trường thế nào, chỉ nghe giới thiệu trường có giáo viên nước ngoài dạy, cơ sở vật chất tốt, điều kiện học tập hơn hẳn các trường ĐH khác, môi trường học tập của sinh viên khá thoải mái, không đặt nặng về điểm số nên tôi cũng quyết tâm lo liệu cho con theo học. Hy vọng sau khi học xong, ít ra con mình có thể thông thạo được một ngoại ngữ, còn kiến thức chuyên môn thì… tính sau vậy”.

Nói về hệ thống trường ĐH quốc tế ở nước ta hiện nay, ông Vũ Thành Thắng - người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực liên kết đào tạo bậc ĐH nhận định: “Có thể nói đến thời điểm hiện tại, việc quản lý các trường ĐH quốc tế và các trường liên kết đào tạo quốc tế của cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ. Nhà trường thì tìm mọi cách để “dụ dỗ” càng nhiều sinh viên càng tốt, để thu tiền giá cao, phụ huynh thì tìm mọi cách chạy vạy nộp tiền học cho con, còn chất lượng ra sao thì sinh viên tự… thẩm định. Đến khi xảy ra “sự cố”, chỉ học viên là người chịu thiệt. Đặc biệt là những vi phạm của một số trường ĐH mang danh quốc tế bị phát hiện trong thời gian qua đã khiến không ít người lo lắng và đặt câu hỏi: Liệu chất lượng đào tạo của những trường quốc tế thu tiền với giá trên trời này có đúng như trong quảng cáo ?”.

(Còn tiếp)