Cử nhân thất nghiệp do chất lượng đào tạo

ANTĐ - 50% sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp bởi yếu về trình độ chuyên môn, thiếu thông tin, kiến thức thực tế, chưa nhuần nhuyễn kỹ năng thực hành xã hội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thực trạng này  có một phần trách nhiệm của ngành giáo dục. 

Cử nhân thất nghiệp do chất lượng đào tạo ảnh 1Cử nhân ra trường đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao
Ảnh minh họa

Cử nhân, kỹ sư yếu nhiều mặt

Với kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp đang rất vất vả tìm nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này lại trái ngược với thực tế khi có tới 50% sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH, CĐ trong nước rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc không kiếm được việc làm phù hợp. “Tỷ lệ rất lớn cử nhân ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu chuyên môn thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là sinh viên khối công nghệ, kỹ thuật. Bên cạnh kiến thức, trình độ chuyên môn thì kỹ năng thực hành xã hội chưa am hiểu nên các em thiếu tự tin, làm việc không chuyên nghiệp…” - ông Đàm Quang Thắc nhấn mạnh.

Vấn đề nguồn nhân lực cũng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích khá chi tiết với các trường ĐH, CĐ và đặc biệt lưu ý về báo cáo lý giải tại sao năng suất lao động Việt Nam thấp. Khi phân nhân lực thành hai nhóm là quản lý gián tiếp và chuyên môn trực tiếp, báo cáo này cho biết 80% nhân lực làm quản lý gián tiếp chưa đủ kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. Con số này ở kỹ sư chuyên môn trực tiếp là 60% và ở lao động giản đơn là hơn 20%. Như vậy, càng ở trình độ cao, lao động Việt Nam càng không đủ kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế.

“Tất cả trách nhiệm không phải của riêng ngành giáo dục, nhưng trước hết chúng ta phải nhìn nhận trong đó có một phần trách nhiệm của mình và trên nguyên tắc chúng ta cứ làm thật tốt công việc của mình”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh với các đại diện các trường trong ngày thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam 20-12.

Đào tạo phải theo chuẩn thế giới

Các doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng nhân lực đề xuất với các trường ĐH, CĐ triển khai mô hình đào tạo theo hướng nghề nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ bắt tay với nhà trường tạo cơ hội sinh viên cọ sát với hoạt động kinh doanh nhằm chuyển tải những kiến thức thực tế, thiết thực nhất cho sinh viên. “Sinh viên cần được tiếp xúc với sản phẩm, công nghệ thực tế, có được cái nhìn tổng thể về ngành nghề mình đang học như thông tin thị trường, sản phẩm, cạnh tranh, quản lý…” - ông Đàm Quang Thắng chia sẻ. Về vấn đề đào tạo định hướng nghề nghiệp, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, mô hình này đang được tiến hành tại 8 trường ĐH với 2.200 sinh viên đã tốt nghiệp và 6.000 sinh viên đang theo học. “Đáng chú ý là 8 trường này đã lôi kéo được hơn 500 doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo” - ông Bùi Anh Tuấn cho biết.

Định hướng lâu dài về đầu ra cho đào tạo đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần suy tính kỹ trước vấn đề xã hội đang đặt ra là phải chăng có quá nhiều trường khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, nhưng quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc tế.  Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nước ta đã hội nhập thế giới nên sự phân công lao động cũng phải theo xu hướng thế giới. Vì vậy quan trọng là đào tạo phải theo chuẩn đầu ra của thế giới. “Muốn gì thì gì chúng ta phải chủ động khuyến khích các trường tham gia vào việc xếp hạng khu vực và thế giới. Chúng ta không tuyệt đối hóa điều này, nhưng chúng ta phải khuyến khích tham gia để biết mình ở đâu và như thế nào. Những tiêu chí phân tầng, xếp hạng của các trường trong nước cũng phải căn bản theo thế giới” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích.