lựa chọn môn thi THPT quốc gia:

Có trường chỉ một học sinh đăng ký môn Sử

ANTĐ - Thời điểm này, học sinh lớp 12 rất căng thẳng khi bắt đầu chính thức đăng ký môn thi kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều trường đã khảo sát và như thường lệ, số học sinh đăng ký thi môn Sử khá ít. 

Có trường chỉ một học sinh đăng ký môn Sử ảnh 1Hà Nội đã có hội đồng thi tốt nghiệp chỉ có một thí sinh thi Sử

Thực tế buồn

Mặc dù còn 2 ngày nữa mới đến thời hạn đăng ký môn thi kỳ thi THPT quốc gia, tuy nhiên các trường THPT đều đã tiến hành khảo sát sự lựa chọn của học sinh để lên kế hoạch chuẩn bị ôn tập. Ông Tạ Duy Hiển, Phó Hiệu trưởng trường THPT Ứng Hòa B cho biết, đợt khảo sát gần nhất, cả trường chỉ có duy nhất một học sinh đăng ký dự thi môn Sử kỳ thi THPT quốc gia. Điều này là thực tế đáng buồn, nhưng cũng không thể trách các em. Bởi môn thi liên quan đến lựa chọn ngành nghề tương lai, trong khi các khối xã hội bị đánh giá là ít cơ hội việc làm và lương thấp hơn so với khối tự nhiên, đặc biệt là ngành sư phạm đã bão hòa. “Mặc dù vậy, nhà trường vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu của học sinh, sẽ bố trí ôn tập đầy đủ để học sinh có kết quả thi tốt nhất” - ông Tạ Duy Hiển khẳng định. Năm 2014, Hà Nội cũng đã xôn xao với việc cả hội đồng thi môn Sử trường THPT Quang Trung chỉ có duy nhất một thí sinh dự thi.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, cho biết: “Cả hai lần cho học sinh đăng ký môn thi đều cho thấy kết quả đăng ký lệch nhau khá rõ rệt giữa các môn thi. Có những môn thi chỉ có vài học sinh/lớp đăng ký”. Điều này, theo ông Nguyễn Quốc Bình sẽ làm nảy sinh khó khăn khi tổ chức ôn tập. Để ôn tập cho học sinh, nhà trường buộc phải đan xen nội dung ôn tập vào tiết học chính khóa. Nhưng có những môn thi chỉ có 1-2 học sinh/lớp đăng ký thi nên tiết học của môn đó rất khó bố trí để vừa dạy chương trình bình thường, vừa bổ sung nội dung ôn tập. 

Giáo viên không có nghỉ hè 

Trước kỳ thi THPT quốc gia, các thầy cô giáo cũng rất lo lắng. Ông Nguyễn Tôn Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Đống Đa cho biết, trước yêu cầu đổi mới của kỳ thi năm nay, giáo viên bắt buộc phải đáp ứng chuyên môn cao hơn khi vừa phải đảm bảo học sinh đỗ tốt nghiệp, vừa phải đủ điều kiện trúng tuyển đại học. “Mọi năm, giáo viên chỉ cần chăm chút cho học sinh đỗ tốt nghiệp THPT là có thể kê cao gối ngủ kỹ. Năm nay, không thể đẩy các em ra lò luyện thi được nữa mà chính giáo viên lớp 12 phải có trách nhiệm bồi dưỡng cho các em đủ điều kiện dự thi và đạt kết quả cao” - ông Nguyễn Tôn Vinh cho biết, “Đặc biệt, trường chúng tôi đã khảo sát sớm và rất quan tâm tới những học sinh đăng ký thi môn Sử, Địa. Mặc dù có thể rất ít học sinh đăng ký dự thi những môn này nhưng nhà trường vẫn sẽ bố trí giáo viên hướng dẫn đầy đủ cho các em sau khi hoàn thành chương trình chính khóa”.

Khẳng định đây là trách nhiệm của nhà trường, ông Tạ Duy Hiển cho biết, dựa trên kết quả khảo sát đăng ký môn thi và năng lực học tập của các em, giáo viên của trường sẽ tập trung ôn tập cho các em theo nhóm. “Các em được tự lựa chọn phương án tối ưu cho mình, phát huy nội lực, tự chủ động ôn tập và tự nguyện đăng ký các lớp ôn thi khi nhà trường tổ chức” - ông Hiển chia sẻ. Cũng theo ông Nguyễn Tôn Vinh, nhà trường phải chủ động từ sớm, giúp các em định hướng và thu thập kiến thức từ lớp 10 và đặc biệt là năm lớp 12. Điều quan trọng vào thời điểm này, theo ông Nguyễn Tôn Vinh là phải đảm bảo ổn định tâm lý của cả giáo viên và học sinh, duy trì nếp học các môn hiệu quả, bám sát định hướng đổi mới phương pháp kiểm tra để áp dụng ngay vào các bài kiểm tra thường kỳ, cuối kỳ…