Có thể kiếm ngoại tệ từ giáo dục

ANTĐ - “Thay vì quanh quẩn với giáo dục Việt Nam, hãy tuân theo các tiêu chuẩn và thị trường quốc tế” là hướng đi mà TS. Đàm Quang Minh, tân Hiệu trưởng trường ĐH FPT theo đuổi trong triết lý mới về giáo dục.
Có thể kiếm ngoại tệ từ giáo dục ảnh 1
 Sinh viên Philippines trong chuyến giao lưu tại Đại học FPT

- PV: Ông nói theo tiêu chuẩn và thị trường quốc tế là như thế nào? 


- TS. Đàm Quang Minh: Từ năm học 2014-2015, Trường ĐH FPT hướng đến định hướng xây dựng một đại học toàn cầu, thông minh, đại chúng với các chương trình đào tạo mang tính quốc tế, hướng ra thế giới. Không chỉ sách giáo khoa hoàn toàn bằng tiếng Anh mà việc kiểm tra đánh giá, nội dung đào tạo, giảng viên cũng áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả hướng đến mục tiêu nâng tỉ trọng sinh viên quốc tế đến học tại trường ĐH FPT nói riêng và tới Việt Nam nói chung, để biến Việt Nam từ nước “tị nạn giáo dục” thành “xuất khẩu giáo dục”. Mục tiêu của chúng tôi không phải là cạnh tranh ở Việt Nam mà sẵn sàng đưa giáo dục Việt Nam cạnh tranh trên tầm khu vực và thế giới.

- Việt Nam muốn “xuất khẩu giáo dục” sẽ phải cạnh tranh với nhiều quốc gia rất phát triển trong lĩnh vực này. Vậy đâu là cơ hội của chúng ta?

- Hiện nay, mỗi năm Việt Nam mất khoảng 1,7 tỷ USD cho việc du học nước ngoài. Xuất khẩu giáo dục có nghĩa là có thể kiếm được ngoại tệ từ việc đào tạo cho sinh viên nước ngoài để cân bằng lại con số 1,7 tỷ USD đó. Muốn vậy, sản phẩm giáo dục của Việt Nam nói chung và FPT nói riêng phải hấp dẫn và thực sự có giá trị với người học. Việt Nam là quốc gia an toàn, chất lượng sống khá tốt, giá cả thấp và quan trọng là nằm trong khu vực có động lực phát triển mạnh nhất thế giới. Tất cả các quốc gia và khu vực xung quanh như Singapore, Malaysia, Philippines, Trung Quốc đều đã có nhiều sinh viên du học. Tại sao chúng ta lại chịu thua kém họ? Tôi nghĩ, cơ bản là do những người làm giáo dục chưa dám cởi mở như những ngành kinh doanh khác.

- Quốc tế hóa trong giáo dục đại học đòi hỏi đầu tư lớn, không phải trường nào cũng có thể thực hiện được?

- Đã chấp nhận quốc tế hóa là sẽ bị lỗ nhiều, bởi hàng năm trường phải đi ra thế giới để quảng bá. Chưa biết làm được gì hay không nhưng cứ đi châu Âu, châu Phi là mất tối thiểu 100 triệu đồng/chuyến. Mỗi năm vài lần như vậy. Nhưng đó là việc cần phải làm, ĐH FPT sẵn sàng chia sẻ nguồn lực và muốn các trường hợp tác với nhau. Quốc tế hóa mặc dù không rẻ nhưng quyết tâm thì vẫn làm được.

- Các trường đại học Việt Nam có những điểm yếu gì cần khắc phục để tiến tới mục tiêu lớn này?

- Nhìn về các trường đại học ở Việt Nam, có thể thấy chúng ta chưa chú trọng tới chất lượng giáo dục đại học, không xây dựng được thương hiệu, chỉ chú trọng tuyển cho thật nhiều sinh viên, do đó chất lượng đào tạo kém. Điều đó được minh chứng bởi tỷ lệ thất nghiệp phần lớn rơi vào người mới ra trường.

- Quan điểm giáo dục mới là đưa thực học-thực nghiệp vào đào tạo được triển khai như thế nào?

- Chúng tôi cho rằng một năm đi làm bằng bốn năm đi học… Sinh viên phải tiếp cận với yêu cầu thực tế để hiểu được mình phải học gì. Bên cạnh đó, đào tạo phải triển khai được phương pháp mới: đào tạo theo dự án, học thuyết kiến tạo, học tập định hướng đầu ra chứ không quan tâm đầu vào. Chúng tôi cũng đặt câu hỏi “dạy kiến thức hay kỹ năng?”; “kỹ năng thế kỷ 21 này là gì?” khi mà mọi kiến thức, đặc biệt là kiến thức trong lĩnh vực CNTT sẽ sớm lỗi thời và không thể áp dụng được trong tương lai. Kỹ năng thế kỷ 21 được ĐH FPT xác định là kỹ năng tư duy (phản biện, giải quyết vấn đề…); kỹ năng làm việc (giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm…); kỹ năng công cụ (internet,   communication); kỹ năng toàn cầu hóa (ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, đa văn hóa).

- Là hiệu trưởng đại học trẻ nhất, ông xác định ưu thế của mình là gì? 

- Là người trẻ, tôi xác định mình còn nhiều thời gian gắn bó với trường. Từ đó, sẽ tính toán cách làm giáo dục dài hơi hơn, đầu tư lâu bền hơn. Muốn làm giáo dục dài hơi, trước tiên tôi sẽ tuyển dụng những đồng nghiệp trẻ. Cần nhiều người trẻ để làm mới, đưa những giá trị mới vào giáo dục.