Căng thẳng dạy, học môn không thi

ANTĐ - Ngày 27-3, toàn bộ Hiệu trưởng các trường THPT, Giám đốc Trung tâm GDTX của Hà Nội đã cùng bàn về những khó khăn, vướng mắc trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Nhiều trường băn khoăn giữa việc làm sao để cân đối thời lượng học các môn thí sinh lựa chọn dự thi với các môn còn lại theo chương trình, biên chế năm học.

Căng thẳng dạy, học môn không thi ảnh 1Rất khó để học sinh tập trung vào môn không đăng ký thi ở thời điểm mùa thi đã đến gần

Nên để các trường chủ động

Nêu khó khăn trong công tác quản lý từ nhiều năm nay của các hiệu trưởng vào thời điểm trước các kỳ thi, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức chỉ  rõ: việc quản lý dạy và học các môn không thi vào giai đoạn này rất khó khi tâm lý học sinh chỉ tập trung cho môn học các em đã lựa chọn để đăng ký thi.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường phổ thông Marie Curie chia sẻ, nhiều năm rồi cứ theo cách thức học và thi như hiện nay thì vẫn sẽ khó khăn trong việc cân đối giữa môn thi và môn không thi. Ông Nguyễn Xuân Khang đưa ra ví dụ: “Trong lớp có 40 học sinh, rất ít học sinh chọn môn Địa lý hay Lịch sử, vậy giáo viên phải dạy thế nào đến lúc kết thúc năm học vào ngày 30-5? Thực tế  giáo viên, hiệu trưởng đều căng thẳng, nhiều khi phải liều “đánh du kích”.  Đến 30-5 mà vẫn phải dạy Giáo dục công dân, dạy Thể dục thì ai học, giáo viên dạy thế nào. Mâu thuẫn thực tế nhiều năm nay diễn ra như vậy, Bộ và Sở có chia sẻ với nhà quản lý cơ sở giáo dục hay không?” - ông Nguyễn Xuân Khang bày tỏ.

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở với Bộ vẫn trăn trở : “Là nhà quản lý, thầy Khang có biện pháp nào có thể đề xuất với ngành?”. Mạnh dạn góp ý, ông Nguyễn Xuân Khang cho rằng nên tôn trọng thực tế, nên kết thúc sớm các môn không thi, chia nhóm học sinh học theo các môn các em đăng ký thi. Ông Nguyễn Văn Thọ, Hiệu trưởng trường THPT Tạ Quang Bửu cũng cho rằng ngành giáo dục nên quan tâm phát triển năng lực cá nhân. Việc tổ chức thi hiện nay cũng thể hiện rất rõ việc cho học sinh lựa chọn bộ môn phù hợp năng lực của mình. Điều này cũng nên để các trường chủ động.

Giải thích về mâu thuẫn thực tế này, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu thực hiện nghiêm túc chương trình và biên chế năm học nhưng cũng giao cho các trường chủ động xây dựng chương trình. Điều này có thể hiểu là các trường có thể chủ động việc dạy và học các môn thi và không thi miễn là không cắt xén nội dung chương trình.

Tuyệt đối không thu tiền thi thử 

Về nội dung, cách thức ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, việc dạy thêm, học thêm là nhằm đáp ứng nhu cầu tự nguyện của học sinh. Tuy nhiên, các trường phải nắm rõ, việc phụ đạo học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm của nhà trường, không được thu tiền. Những em có nguyện vọng tự nguyện tham gia học thêm, nhà trường đáp ứng nhưng phải thực hiện đúng quy định.

Nói rõ về kế hoạch ôn tập, ông Trần Đăng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, khung kế hoạch năm học là 37 tuần, nhưng năm nay là năm đầu tiên Hà Nội giao kế hoạch tự chủ cho các trường. Các trường tự chủ kế hoạch năm học cao hơn bằng cách vừa dạy vừa tổ chức cho học sinh ôn và luyện. Tổ giáo viên xây dựng kế hoạch ôn tập với sự phê duyệt của hiệu trưởng. Kế hoạch này cũng cần chú ý tới nội dung giảm tải chương trình. Thời gian ôn không nhất thiết phải từ ngày 31-5 đến 30-6. "Về chủ trương, Sở không cấm các trường tổ chức thi, kiểm tra thử nhưng cấm các trường thu tiền dưới mọi hình thức, kể cả núp bóng Ban đại diện cha mẹ học sinh" - ông Trần Đăng Nghĩa nhấn mạnh.

Có trường 100% học sinh không đăng ký dự thi ĐH

Ngày 27-3, ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, phản ánh từ một số trường cho thấy 100% học sinh của trường chỉ tham gia kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp chứ không nhằm xét tuyển ĐH, CĐ. Ông Ngô Văn Chất cho rằng có thể có tâm lý thi ở cụm thi địa phương sẽ dễ hơn thi ở cụm thi liên tỉnh. Tuy nhiên, dù thí sinh  chỉ thi để được công nhận tốt nghiệp THPT nhưng nếu gần điểm thi do trường đại học tổ chức thì cũng sẽ được gửi vào đó để dự thi, tránh để thí sinh đi lại vất vả. Ngoài ra, ở cụm thi địa phương, khâu tổ chức coi thi cũng giống với cụm thi do trường ĐH chủ trì, đều có sự phối hợp coi thi của giảng viên ĐH nên sẽ không có chyện dễ dãi ở cụm thi địa phương.