Cần xóa bỏ độc quyền viết sách giáo khoa

ANTĐ - Hôm nay 27-9, Bộ GD-ĐT tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án đổi mới chương trình-sách giáo khoa (CT-SGK), trong đó, có nội dung khuyến khích xã hội tham gia viết SGK. Đồng tình với chủ trương này nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo cần thấy trước những hạn chế.

Đa số các chuyên gia đồng ý với việc nên có nhiều bộ sách giáo khoa phổ thông

Độc quyền sẽ gây lãng phí 

Cho ý kiến về việc nên có một hay nhiều bộ SGK trong Đề án đổi mới CT-SGK của Bộ GD-ĐT, GS Trần Đình Sử cho rằng, rất nhiều người có khả năng viết SGK nhưng vì suy nghĩ chỉ có Bộ GD-ĐT mới được làm SGK nên họ chỉ viết sách tham khảo. “Nếu chỉ có Bộ GD-ĐT viết SGK thì tài năng, tâm huyết của những người muốn viết SGK sẽ bị lãng phí. Vì vậy, nên giữ nguyên tắc một chương trình, nhiều bộ SGK” – GS Trần Đình Sử kiến nghị.

GS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Bộ 

GD-ĐT cần đối xử công bằng. Việc chọn bộ SGK nào để dùng hoàn toàn là quyền của người học.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đồng tình khuyến khích biên soạn nhiều bộ SGK phổ thông. Bởi việc huy động được lực lượng xã hội tham gia biên soạn để có nhiều bộ SGK phổ thông sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng, có lợi cho người học và người dạy. Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc này cũng sẽ có những hạn chế, sai sót, nhất là SGK các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. “Ở Hàn Quốc, tư nhân không được biên soạn SGK tiểu học và SGK các môn học nói trên”- GS Nguyễn Minh Thuyết phân tích.

Về vấn đề này, GS.TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói: “Bộ GD-ĐT chủ động xây dựng một bộ SGK, đồng thời triển khai xã hội hóa SGK. Có nhiều bộ SGK để xã hội, thầy cô giáo lựa chọn là tốt. Đó không chỉ đơn thuần là xã hội hóa nguồn lực mà còn huy động được trí tuệ của nhân dân, các nhà khoa học, trí thức, tạo ra cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong viết SGK, giúp nâng cao chất lượng SGK”.

Viết SGK - bình đẳng có mức độ

Mặc dù đa số chuyên gia đồng ý với việc nên có nhiều bộ SGK nhưng điều gây tranh cãi là làm sao để đảm bảo sự bình đẳng giữa bộ SGK của Bộ GD-ĐT và các bộ SGK khác. Theo các chuyên gia, nếu không có sự cạnh tranh bình đẳng thì không ai dám viết và in SGK, bởi chi phí lớn nhưng lại không chắc chắn được các trường lựa chọn do phải cạnh tranh với bộ SGK của Bộ GD-ĐT chủ trì.

GS.TS Đào Trọng Thi nêu quan điểm: “Tôi nghĩ mục tiêu của chúng ta là vì học sinh, vì chất lượng giáo dục chứ không phải chuyện bình đẳng giữa các nhà sản xuất. Ở đây, việc cạnh tranh bình đẳng phải lùi xuống  hàng thứ yếu, quan trọng nhất là học sinh. Nếu cần sự chủ động của Nhà nước thì Nhà nước làm chứ không phải yêu cầu bình đẳng giữa các nhà sản xuất”.

Theo GS Đào Trọng Thi, phương án viết nhiều bộ SGK phải được cân nhắc để làm sao quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trong việc này có sự hài hòa, đạt hiệu quả cao nhất. “Tôi cho rằng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết SGK nhưng Bộ GD-ĐT vẫn phải chủ động biên soạn một bộ sách đầy đủ để phục vụ cho quá trình đổi mới chương trình, SGK và tạo sự chủ động. Nếu không có người có trách nhiệm, triển khai nghiêm túc mà chỉ dựa vào các lực lượng tự nguyện sẽ không đảm bảo về lộ trình, thời hạn thực hiện, thậm chí không đảm bảo chất lượng”. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đã có chủ trương nhiều lực lượng khác nhau cùng biên soạn SGK vì “đất nước có nhiều vùng miền khác nhau,  cần nhiều bộ SGK khác nhau để phù hợp với đời sống xã hội và nhu cầu học sinh”. Các phương án về một hay nhiều bộ SGK sẽ tiếp tục được bàn thảo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27-9.