Cần nhiều người lên tiếng, cũng cần cả những người chịu lắng nghe

ANTĐ - Đó là suy nghĩ của Võ Thị Mỹ Linh, cô gái người Việt hiện ở Nepal, người  đã gửi thư ngỏ đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, về vấn đề cải cách giáo dục ở Việt Nam, PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Mỹ Linh về vấn đề này.

Cần nhiều người lên tiếng, cũng cần cả những người chịu lắng nghe ảnh 1Võ Thị Mỹ Linh: “Tôi bỏ việc để đi mà học hỏi”

Tôi muốn mọi người đọc, hiểu và cảm nhận

- PV: Lý do mà Linh quyết định đến Nepal là gì? Tại sao không phải là một nước khác mà lại là Nepal?

- Võ Thị Mỹ Linh: Trước khi đến Nepal tôi ở Ấn Độ. Hết visa 3 tháng ở Ấn Độ thì tôi nghĩ cần đi một nước khác. Tôi chọn Nepal vì Nepal gần, từ Ấn Độ tôi có thể qua Nepal bằng tàu với giá rất rẻ. Hai là, giá cả sinh hoạt ở Nepal tương đối thấp nên tôi có thể ở đây lâu. Ba là, tôi muốn sang Nepal làm tình nguyện viên. Ngoài ra, tôi cũng có ý định mở tour trekking (tạm gọi là đi bộ khám phá-PV) giá rẻ cho người Việt trẻ nên tôi đi leo núi để tìm hiểu về bộ môn trekking này.

- Khi nào Linh định về Việt Nam? Dự định sau khi về nước của Linh là gì? Có tiếp tục “xách va li và đi”?

- Ngày 2-12 tôi về Việt Nam. Tôi cũng xin việc đi làm trở lại như bình thường thôi vì 6 tháng nghỉ việc đi du lịch tôi đã tiêu hết sạch tiền rồi. Bên cạnh đó, tôi làm việc với nhà xuất bản ra mắt cuốn tiểu thuyết mà tôi hoàn thành lúc ở Ấn Độ. Tôi cũng triển khai dự án xây dựng những căn nhà Volunteer’s House để giúp phổ cập tiếng Anh cho trẻ em. Dự án đang được nhiều bạn trẻ ủng hộ và đăng ký tham gia.

- Nếu như không trở nên nổi tiếng sau vụ lở tuyết, Linh có viết bức thư gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không? Nói cách khác là nếu như rất ít người biết đến Linh, và bức thư đó sẽ chỉ có một nhóm nhỏ đọc được. 

- Với tôi, chuyện nổi tiếng hay không không quan trọng. Tôi cũng không nghĩ mình là người nổi tiếng hay mình tài cán gì. Tôi thấy mình dốt, dốt nên để cải thiện cái dốt tôi mới bỏ việc để đi mà học hỏi. Trước khi chưa nổi tiếng, tôi vẫn viết những gì tôi nghĩ và viết rất dài đấy thôi. Nhưng lúc đó, những bài viết dài của tôi thường không được chú ý cho lắm. Người Việt vốn không thích những cái gì dài loằng ngoằng, thậm chí, một số bạn bè của tôi còn vào comment bảo “Lần sau viết ít thôi, viết nhiều đọc mệt!”. 

Tôi không quan tâm những gì họ nói cho lắm, cũng không chú trọng đến việc có bao nhiêu người đọc, bao nhiêu người chê. Tôi viết vì đó là chính kiến của tôi và tôi bày tỏ nó trên trang cá nhân. Thậm chí trước kia, tôi có cô bạn, tôi viết cái gì cũng vào bấm nút like, dù cô ấy không đọc. Tôi thấy vậy thì bảo, tôi không thích những người “like dạo”, vì một cái like không giúp tôi vui hơn cũng chẳng làm tôi buồn đi. Tôi cần mọi người đọc nó, hiểu nó, cảm nhận nó chứ không cần mọi người tặng tôi một cái like.

Không bao giờ mất niềm tin

- Sau khi bức thư được đăng lên facebook, Linh có hy vọng sẽ nhận được hồi âm từ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không? 

- Vì tôi viết chỉ để nói ra những gì tôi thấy, những thứ tôi nghĩ nên tôi không đặt nặng vấn đề bác ấy trả lời hay không trả lời cho lắm. Miễn là bác ấy chịu đọc và suy ngẫm những gì tôi nói. 

Hồi học phổ thông, tôi có khả năng nhớ rất tốt. Tôi học chuyên văn, tôi nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Sử và tôi làm thầy giáo dạy Sử bất ngờ khi tôi có thể đọc làu làu cả cuốn sách Lịch Sử lớp 11 mà không sai một dấu chấm dấu phẩy. Khả năng học Toán, Lý, Hóa của tôi cũng khá. Nên suốt ba năm học phổ thông, tôi là cán bộ kèm Toán, Lý, Hóa cho cả lớp đồng thời tôi còn kèm Toán cho một bạn học sinh chuyên Hóa. Tôi có niềm đam mê với tất cả các môn nhưng với tiếng Anh thì tôi chịu. Tôi ao ước một ngày có thể nói tiếng Anh làu làu nhưng tôi không có hứng học và có tập trung vào học tôi cũng thấy nó mơ hồ, mông lung, khó hiểu. 

Nên khi tôi viết bức thư cho bác Bộ trưởng, phải hiểu rằng, tôi viết từ tấm lòng, tôi góp ý vì tôi từng là nạn nhân của giáo dục và tôi phải tự loay hoay tìm cách cải thiện nó, thậm chí đánh đổi cả công việc ổn định để đi mà không phải ai cũng dám đánh đổi. Nên mong bác ấy nhận ra, đó là bức thư từ một cô bé sau khi tự chữa lành vết thương thì quay lại chia sẻ cho bác ấy biết là cái lúc đang mắc nạn ấy, cô bé cần gì.

- Hiện nay diễn đàn đổi mới giáo dục đang được bàn đến khá nhiều, Linh hy vọng về hiệu quả của nó với tương lai đất nước chứ?

- Tôi không bao giờ mất niềm tin trong điều gì. Vì nếu mất niềm tin, tôi đã không viết bức thư đó. Tôi cũng bảo, vì có nhiều người mất niềm tin, vì có nhiều người nghĩ chắc là không thay đổi được gì nên đúng là không thay đổi được gì. Thế nên chuyện giáo dục, tôi tin một ngày sẽ cải cách được thôi. Nhưng để làm được điều đó, cần nhiều người dám lên tiếng, cần nhiều người góp ý và cũng cần cả những người chịu lắng nghe, chịu sửa sai.

- Giả sử như có thể gặp và nói chuyện với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Linh sẽ nói đến những vấn đề gì?

Tôi chỉ nói với bác một vấn đề thôi: Tuổi trẻ bọn cháu có nhiều kẻ ù lì. Vì ù lì nên họ chỉ biết mang bản thân ra đánh đổi “nếu mẹ không cho con tiền mua cái vé đi xem K-pop thì con sẽ tự tử”. Nhưng tuổi trẻ của bọn cháu cũng có nhiều đứa mê học. Song vì không thể tìm thấy kiến thức ở trong nước, nên họ phải ra nước ngoài. Bác nghĩ thế nào?

Cần nhiều người lên tiếng, cũng cần cả những người chịu lắng nghe ảnh 2Cần có nhiều phương pháp sáng tạo để học sinh tích cực nói trong các giờ học tiếng Anh

Cốt lõi là đừng dạy học sinh “học vẹt”

- Ngoài môn tiếng Anh, Linh thấy sách giáo khoa của Việt Nam nói riêng, giáo dục Việt Nam nói chung còn cần thay đổi như thế nào nữa?

- Cần thay đổi nhiều. Nhưng cái cốt lõi nhất là cần thay đổi thói “dạy vẹt”, “học vẹt” và cần tập trung truyền tải những kiến thức thực tế.

Tôi lấy một thí dụ đơn giản thôi. Môn Văn là một môn học nhằm kích thích, phát triển sự sáng tạo và tư duy nhạy bén của các em. Nhưng đa phần các giáo viên dạy Văn chỉ đi theo một lối mòn và bắt các em suy nghĩ theo một lối mòn. Như viết bài văn tả cô giáo thì 10 bài như một đều tả cô có cái miệng trái tim, khuôn mặt hình trái xoan, mũi dọc dừa. Như tả một con cún thì thể nào chú cún cũng có bộ lông mượt như nhung, cặp mắt sáng như ngọc, cái đuôi luôn ngoe nguẩy mỗi khi nhà có khách. 

Những bài văn này không sai, nhưng tôi thấy nó không hay, không sáng tạo và không tả thực. Các thầy cô sẽ bảo, nếu hướng các em đến tả thực lỡ các em tả, “nhà em có nuôi một con chó, con chó có nhiều rận, em không thích chó”, thì cô biết làm thế nào. 

Thì cô phải tiến lại gần em học sinh ấy mà nói với em rằng, em ạ, một bài văn hay là một bài văn gần gũi, thực tế nhưng thấu chạm lòng người. Em tả thực nhưng rất tiếc bài văn của em không chạm đến lòng cô nên nó chưa được điểm cao. Nếu là cô thì cô sẽ tả thế này: “Nhà em có nuôi một con chó. Thật chẳng may, chú chó có rận. Lúc phát hiện ra điều đó, em tự hỏi, chú chó đã khổ sở để chịu đựng lũ rận ấy như thế nào. Và một người chủ để cho chú chó của mình có rận thì có phải người chủ tốt không?”.

- Nếu như có một trường tiểu học ở Việt Nam mời Linh làm giáo viên tiếng Anh, Linh sẽ dạy bọn trẻ thế nào? Có nhất thiết phải mời giáo viên ngoại như khá nhiều trường đang áp dụng hiện giờ? 

- Với học sinh tiểu học, tôi nghĩ học giáo viên Việt thì tốt hơn. Bởi các em đang bắt đầu làm quen với ngoại ngữ, vốn từ chưa nhiều nên khi các em không hiểu, giáo viên Việt có thể dùng tiếng Việt để giải thích cho các em hiểu. Nhưng nếu một giáo viên Việt có phương pháp dạy, họ sẽ nói tiếng Anh trong suốt quá trình giảng dạy và chỉ dùng tiếng Việt để giải thích khi giải thích quá nhiều lần bằng tiếng Anh nhưng các em vẫn chưa hiểu. Tuy nhiên các giáo viên Việt của chúng ta mắc phải tình trạng là ngại nói tiếng Anh hoặc nói một lần thấy các em không hiểu nên chuyển qua nói tiếng Việt luôn cho tiện. Thành ra không hiệu quả.

Tiếng Anh của tôi chẳng giỏi gì để có thể làm giáo viên. Tôi chỉ biết khi tôi đến trường Sarbodaya (Nepal) hỗ trợ các em học, tôi tổ chức các trò chơi vận động để các em khỏi chán, dạy một bài có những từ các em không hiểu, tôi không biết tiếng Nepal để giải thích thì tôi làm nó bằng hành động hoặc vẽ lên bảng để mô tả. Tôi cũng đẩy các em vào tình thế, mỗi em phải lần lượt đứng dậy trả lời câu hỏi của tôi chứ không đợi xung phong phát biểu. Với những môn học khác, ai hiểu có thể giơ tay, nhưng với tiếng Anh, cần đẩy học sinh vào thế “cưỡng chế”, tạo cơ hội cho mỗi học sinh đều phải nói. Và khi các em mở miệng nói, dù đúng hay sai thì ngôn ngữ đã đi vào trong đầu.

- Cảm ơn Linh về cuộc chuyện trò này. Chúc Linh thành công!