Cân bằng giữa lối sống thực dụng và văn hóa học đường

ANTĐ -  “Bộ GD-ĐT đã bao giờ thử khảo sát xem các trường hiện nay đầu tư cho giáo dục lối sống là bao nhiêu hay chỉ tập trung vào dạy kiến thức? Tỷ lệ này theo tôi chỉ là 30-70 thậm chí còn không được” – ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng bức xúc. Vấn đề văn hóa học đường một lần nữa được đặt ra bởi nhà trường chính là môi trường văn hóa tốt nhất để cân bằng lối sống cho 22 triệu học sinh, sinh viên hiện nay.

Cân bằng giữa lối sống thực dụng và văn hóa học đường ảnh 1Các trường học cần đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động định hướng văn hóa học đường

Lo ngại lối sống tiêu cực

“Thái độ thờ ơ, ích kỷ không còn là điều lo ngại đâu xa mà ở ngay trước mắt bởi khi chúng tôi dựng cảnh một nữ sinh bị ngã xe chảy máu đầy người ngay tại cổng trường, kết quả là chỉ nhận được những cái nhìn tò mò, thậm chí thờ ơ từ các bạn học sinh đi ngang qua thay vì những bàn tay giúp đỡ” – ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng chia sẻ.

Chung nhận định rằng không ít hiện tượng tiêu cực đang xâm nhập vào một bộ phận học sinh – sinh viên hiện nay, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT liệt kê cả ở phổ thông và trường đại học, tình trạng nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô giáo, người lớn tuổi không phải là cá biệt. Cùng với đó, những hiện tượng không phù hợp với chuẩn mực đạo đức truyền thống ngày càng nhiều như quan hệ tình dục sớm, chụp ảnh khỏa thân rồi tung lên mạng xã hội vì mục đích cá nhân. "Hiện tượng kết bạn trên mạng rồi hình thành các băng nhóm ở tuổi vị thành niên và có những hành vi lệch chuẩn như: bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, uống rượu bia say xỉn, đua xe, cá biệt có khi sống quần hôn… là những biểu hiện đáng lo ngại ở một bộ phận giới trẻ hiện nay", ông Linh nói.

Bổ sung những “thói hư tật xấu” của giới trẻ, TS Trần Thị Tuyết Mai, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL cảnh báo, tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai trong giới trẻ có xu hướng ngày càng tăng, cơ cấu và tỷ lệ tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm tới 70% và mức độ phạm tội ngày càng đa dạng, tinh vi hơn. Bên cạnh đó, không ít học sinh, sinh viên đang chịu tác động tiêu cực của Internet như chơi game online bạo lực, xem phim sex, hiện tượng “cứu nét”, mại dâm qua “chat”, phô diễn hình ảnh nhạy cảm trên mạng v.v...

Đầu tư cho văn hóa học đường 

Nguyên nhân của thực trạng nói trên một phần là do đa số các trường học từ phổ thông tới đại học hiện nay đều không đầu tư thỏa đáng cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, công tác này đang có nhiều hướng đi mới. Là một trong những trường mạnh về các hoạt động văn thể mỹ, bà Nguyễn Phương Anh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội cho biết, nhà trường đầu tư theo hướng thực tế, phù hợp tâm lý học sinh, tránh theo hướng phong trào, giáo huấn.

“Giờ vàng của học sinh đều diễn ra ở trường. Nếu chỉ bắt các em học thì các hoạt động khác sẽ rơi vào buổi tối. Như vậy giáo viên, phụ huynh sẽ khó nắm bắt, định hướng và không hiệu quả” – bà Phương Anh phân tích. Chính vì vậy, trường Nguyễn Thị Minh Khai mạnh dạn đầu tư các hoạt động ngoại khóa rất bài bản với mức kinh phí mà không phải trường nào cũng dám bỏ ra nhằm định hướng để học sinh phát huy sở trường, năng lực ngoài học kiến thức văn hóa. “Trường đầu tư 50-100 triệu đồng mỗi năm học cho các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa đầu tuần. Đây là kinh phí không nhỏ nhưng vẫn có thể thực hiện được với mức chi ngân sách hiện nay khi giúp cho học sinh thể hiện tư duy, suy nghĩ của mình với sự hỗ trợ của giáo viên” – bà Nguyễn Phương Anh chia sẻ.

Cũng trong tình trạng kinh phí eo hẹp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên, ĐH Thái Nguyên cho biết, trung tâm thường xuyên vận động tài trợ để tổ chức nhiều hoạt động phong phú sẽ giảm gánh nặng kinh phí của trung tâm. Từ mạng lưới doanh nghiệp gắn bó với hoạt động của đơn vị, riêng năm 2014, ĐH Thái Nguyên thu được hơn 200 triệu đồng cho hoạt động văn hoá, thể thao. 

Bên cạnh các hoạt động này, ông Phùng Khắc Bình, chuyên gia cao cấp Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, việc cần xây dựng quy định khung về Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học và các nhà trường cần cụ thể hóa trong điều kiện của mình. Cũng theo ông Phùng Khắc Bình, việc xây dựng và hoàn thiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học cần xác định tiêu chí cụ thể về ứng xử văn hóa của các thành viên trong nhà trường và tạo môi trường, điều kiện xây dựng, phát triển về nhân cách, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo của người học và người dạy.