Rà soát toàn bộ truyện ngôn tình, đam mỹ:

Cấm, nhưng chưa thể “đóng cửa” với truyện ngôn tình

ANTĐ - Bị “báo động” từ lâu bởi những nội dung bị coi là dễ dãi, thô tục, đi ngược lại với định hướng giáo dục cho giới trẻ, nhưng phải đến thời điểm này, khi Cục Xuất bản ra Văn bản 2116/CXBIPH-QLXP yêu cầu các nhà xuất bản rà soát và kiểm tra những ấn phẩm truyện ngôn tình, đam mỹ có nội dung phản cảm thì vấn đề này mới “nóng” trở lại. Trước đó, nhiều nhà văn cũng đã nhiều lần lên tiếng về hiện tượng này.  

Cảnh báo không thừa

Không phải lần đầu tiên, truyện ngôn tình hay những thể loại văn học như đam mỹ - đề cập tới những mối quan hệ đồng giới bị báo động. Một số đầu sách của các tác giả Trung Quốc như “Đồng lang cộng hôn” (Diệp Lạc Vô Tâm), “Nở rộ” (Sói Xám Mọc Cánh”… đã từng bị nhắc nhở, xử phạt, thậm chí thu hồi vì nội dung thô tục, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Cấm, nhưng chưa thể “đóng cửa” với truyện ngôn tình  ảnh 1

Các tác phẩm này từng bị “tuýt còi” vì nội dung phản cảm, thô tục

Nhưng trước thực tế, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều những cuốn sách ngôn tình, đam mỹ có nội dung sáo mòn, vô bổ, phản cảm, mới đây, Cục Xuất bản đã phải ra Văn bản số 2116/CXBIPH-QLXBH yêu cầu rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các xuất bản phẩm này. Tuy nhiên, động thái trên bị coi là tương đối… muộn vì dòng sách trên đã du nhập vào thị trường Việt Nam gần chục năm trước, thậm chí đã có một thời kỳ được các độc giả trẻ ngày đêm săn lùng. Nhà văn Hoàng Anh Tú là người đã phản đối quyết liệt truyện ngôn tình cho biết: “Cũng giống như tôi, nhiều nhà văn đã lên tiếng trước tác động tiêu cực của những truyện ngôn tình, không phải vì “văn mình vợ người” mà vì chúng tôi thấy rằng thực sự không ổn”.

Cục Xuất bản yêu cầu các nhà xuất bản “không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ”, có thể coi là động thái “nói không” đối với dòng sách này tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, do không có qui định thế nào là sách ngôn tình cũng như chỉ dẫn, hay dấu hiệu nhận biết thể loại này nên việc áp đặt lệnh cấm có thể xem là khá khó khăn.

Nhà văn Hòa Bình cho biết: “Thật ra ở các nước sách dành cho lứa tuổi nào họ đều đề rõ, chẳng hạn như “18+” và đây là khuyến cáo đầu tiên nhà sản xuất đưa ra đối với các đầu sách, chứ không cứ gì sách ngôn tình. Thứ hai, trên những cuốn sách đó phải có những tóm tắt ngay ở trên bìa để độc giả biết là sách thuộc thể loại gì, nội dung chính như thế nào... Ngược lại, chúng ta chưa có những chỉ dẫn cần thiết như vậy”. 

Vẫn là “nội tình” của ngành xuất bản

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: “Tôi có đọc một bài báo, trong đó nhà văn Trang Hạ từng nói rằng: Sách ngôn tình đang mang lại “công ăn việc làm” cho ngành xuất bản, cho dịch giả, cho bên phát hành sách… Tôi thấy cái “lợi” đó là cái lợi cục bộ, nhưng thiệt hại với xã hội vô cùng lớn bởi nó làm lệch lạc quan niệm của giới trẻ, vốn đang bị coi là “lệch chuẩn”.  

Cấm, nhưng chưa thể “đóng cửa” với truyện ngôn tình  ảnh 2

Độc giả trẻ nô nức kéo nhau đi xin chữ ký tác giả Diệp Lạc Vô Tâm - người được coi là” tứ đại tác giả” ngôn tình Trung Quốc khi tác giả này đến Hà Nội vào tháng 4-2015

Có cầu thì mới có cung, khó có chuyện một đơn vị xuất bản nào từ chối trước những “món lợi” từ việc in sách khi độc giả trẻ ngày càng say sưa chìm đắm trong thế giới ngôn tình. Nhất là khi nhiều nhà xuất bản đã “trao toàn quyền” cho các đối tác liên kết để đưa những ấn phẩm này vào thị trường trong nước. Việc thiếu hệ thống phân loại, cũng như sát sao trong khâu kiểm duyệt vẫn là nguyên nhân dẫn đến những tác phẩm ngôn tình tràn ngập, thậm chí là chiếm lĩnh các hiệu sách. “Thực tế, nhiều nhà xuất bản không đủ năng lực để làm sách, trong khi việc thẩm định nội dung lại thuộc đối tác liên kết.

 Vì thế, nhiều khi nhà xuất bản ngồi đó để “ban” giấy phép và bản thân họ không biết ấn phẩm nói cái gì. Việc cấm là cần thiết, tuy nhiên nó cũng mới chỉ là tạm thời, còn tôi cho rằng chưa thể “đóng cửa” với dòng sách đó” - nhà văn Hòa Bình thắng thắn.

Nhà văn Hòa Bình đưa ra phương án: “Tôi nghĩ rằng Cục Xuất bản phải có hình thức xử phạt hành chính nặng đối với vi phạm, đồng thời ban hành quy định cấm đơn vị xuất bản đó không được phép xuất bản dòng sách trên trong một thời gian nhất định. Còn trong tương lai, nếu như các đơn vị xuất bản có được “bộ lọc” đủ mạnh, thì mới có thể xem xét  cho hoạt động trở lại”.