Bắt tay đào tạo thạc sĩ... chui

ANTĐ - Cơ quan CA đang phối hợp với Sở GD&ĐT hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UBND TP Đà Nẵng xử lý hai đơn vị đã có hành vi qua mặt cơ quan để thực hiện liên kết tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ... chui. Với mức học phí từ 7.000-8.000 USD, hai cơ sở này đã thực hiện chiêu sinh tới hơn 30 học viên để đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh trong khi giấy phép đăng ký kinh doanh của họ là những ngành nghề khác. 

Lòng vòng...

Các đơn vị đã vi phạm gồm: Cty TNHH MTV Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực IMPAC (trụ sở tại tầng 7 tòa nhà 78- Bạch Đằng, Đà Nẵng) và Văn phòng đại diện Viện Quản trị và tài chính TPHCM (IFA) đặt tại địa chỉ 242- Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng. IMPAC (trụ sở chính tại thôn Phú Nam Bắc, xã Tam Xuân 2, H. Núi Thành, Quảng Nam) được Sở Kế hoạch đầu tư TP Đà Nẵng cấp giấy phép đào tạo một số chương trình ngắn hạn nhưng ngày 4-1-2011 đã vượt rào bắt tay với Cty CP đào tạo và thương mại Sao Việt tại Hà Nội ký Hợp đồng số 01/2011/HD thực hiện tuyển sinh chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh (QTKD) quốc tế và trực tiếp quản lý lớp học. Để thực hiện hợp đồng với IMPAC, bên phía Sao Việt lại phối hợp với Đại học Thái Nguyên.

Còn để thực hiện hợp đồng với Sao Việt, Đại học Thái Nguyên lại phải đi liên kết với Đại học Quản trị Paris Pháp để triển khai đào tạo. Có thể hiểu nôm na việc bắt tay này tựa như đi vay nóng để trả nợ cho một người... vay nóng khác. Ngày 7-3-2011, Đại học Thái Nguyên có Quyết định số 157/ĐHTN-SDH thực hiện tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ QTKD quốc tế Paris Pháp tại 5 tỉnh thành (Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh). Sau đó tiếp tục đặt vấn đề với Trường Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng để phối hợp đào tạo nhưng bị từ chối vì Cao đẳng Bách khoa Đà Nẵng nhận thấy thiếu tính khả thi. Sau khi khai giảng khóa 1 với gần 30 học viên tham gia, đơn vị này tiếp tục chiêu sinh khóa 2 cũng với mức học phí 7.000 USD/khóa.

Trong khi đó, IFA Đà Nẵng được Sở Khoa học Công nghệ TP Đà Nẵng cho phép hoạt động từ ngày 20-3-2007, có chức năng nghiên cứu, dịch vụ tư vấn, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho doanh nghiệp nhưng ngày 5-9-2011 lại phối hợp với Đại học Ballarat - Úc chiêu sinh đào tạo thạc sĩ QTKD. Theo kế hoạch, chương trình đào tạo sẽ được tiến hành trong 6 tháng với phương pháp tự học và học trực tuyến vào các ngày thứ 7 và chủ nhật với mức học phí 8.500AUD (Đô la ÚC). Sau khi thông báo chiêu sinh, IFA Đà Nẵng chỉ tuyển được 6 người. Do không đủ chỉ tiêu để đào tạo tại Đà Nẵng nên số này được “gửi đi đào tạo” tại TPHCM, khai giảng vào tháng 10-2011 với một lớp học gồm 41 học viên.

Trụ sở IFA Đà Nẵng - đơn vị đã có sai phạm trong việc liên kết chiêu sinh, đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh khi không có thẩm quyền.

 Trụ sở IFA Đà Nẵng - đơn vị đã có sai phạm trong việc liên kết chiêu sinh, đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh khi không có thẩm quyền.

Cố tình... “việt vị”

Theo CATP Đà Nẵng, hoạt động của IMPAC và IFA Đà Nẵng đã vi phạm các quy định quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Quy định tại Nghị định 115/2010/NĐ-CP ngày 24-12-2010 của Chính phủ nêu rõ, mọi hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, thành phố nào thì ngoài việc xin phép Bộ GD&ĐT, phải thuộc quyền quản lý, cho phép của UBND, Sở GD&ĐT của tỉnh thành đó. Tuy vậy, cho đến nay, cả hai cơ sở trên vẫn chưa hoàn tất các thủ tục cần thiết. Ngoài ra, việc triển khai chương trình liên kết tuyển sinh đào tạo thạc sĩ QTKD quốc tế tại Đà Nẵng của 2 đơn vị này là hành vi “vượt tuyến”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Mừng – đại diện IFA Đà Nẵng thừa nhận việc liên kết đào tạo thạc sĩ QTKD của đơn vị không có trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Nhưng ông Mừng cũng chống chế rằng IFA chỉ đảm nhiệm chức năng chiêu sinh, thu học phí chứ không trực tiếp đào tạo. Khi được hỏi các hoạt động này đã báo cáo với chính quyền thành phố hay các cơ quan thẩm quyền chưa thì ông trả lời là chưa vì không rõ các quy định cụ thể trong lĩnh vực này. Trong khi đó, khi liên hệ làm việc với đơn vị sai phạm với quy mô lớn hơn, nghiêm trọng hơn là IMPAC thì ông Lê Tấn Cần – Giám đốc Cty cho biết đang đi công tác và ủy quyền lại cho ông Nguyễn Hữu Lộc là Phó Giám đốc làm việc. Tuy nhiên khi gặp chúng tôi, ông Lộc lại nói rằng vì sự việc đang được báo cáo, chưa có kết luận cụ thể nên chưa thể cung cấp thông tin. Đến khi UBND TP Đà Nẵng có kết luận thì sẽ trực tiếp liên hệ với nhà báo để trao đổi...

Theo thông tin chúng tôi có được thì Sở GD&ĐT cũng đã chính thức phối hợp với CATP Đà Nẵng hoàn tất hồ sơ gửi UBND TP Đà Nẵng đề xuất hình thức xử lý các sai phạm đối với 2 đơn vị này. Một cán bộ Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, cả IMPAC và IFA Đà Nẵng đều không có thẩm quyền đào tạo thạc sĩ QTKD, đặc biệt là liên kết với các trường đại học nước ngoài cũng như ủy quyền với các đơn vị không có chức năng đào tạo.

Trong thời gian gần đây, trên địa TP Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh thành lớn trong cả nước, chương trình đào tạo thạc sĩ đang trở nên “rầm rộ”. Một cán bộ ngành Giáo dục nói đùa: “Học thạc sĩ giờ đây dễ hơn làm hồ sơ vào... lớp 1”. Quả thật đây là một cảnh báo cho hoạt động “liên kết đào tạo” vốn đang xuất hiện những lỗ hổng, thiếu sót. Mong rằng, cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp mạnh tay để đủ sức răn đe các cơ sở đang có hành vi vượt rào.