Bất ngờ từ “Môi trường tự học”

ANTĐ - Học sinh có thể học và tiếp thu nhanh khi tự học theo nhóm hơn là học trong lớp với giáo viên? Những bài kiểm tra và biện pháp kỷ luật chỉ làm cho học sinh gia tăng sự đối phó? Những câu hỏi này đã được Giáo sư Sugata Mitra (Đại học Newcastle) giải đáp trong dự án về ý tưởng giáo dục mới của ông - dự án đã giành được giải thưởng TED 2013 về ý tưởng công nghệ, trị giá 1 triệu USD.

Trẻ hào hứng hơn khi được tự khám phá

Tất cả trẻ em đều là thiên tài

Ông Sugata Mitra, người gốc Ấn Độ, giáo sư về công nghệ giáo dục tại trường Đại học Newcastle (Mỹ) đã giành giải thưởng cho ý tưởng “môi trường tự học” (self organized learning environments) - một mô hình thay thế cho cách học truyền thống, dựa trên việc cho học sinh tự học cùng nhau trên máy tính có truy cập 

internet để trả lời các câu hỏi, làm bài tập. Người lớn chỉ can thiệp với vai trò khuyến khích, cổ vũ chứ không phải hướng dẫn từ đầu chí cuối. 

Ý tưởng của Mitra bắt nguồn từ lúc ông mua chiếc máy tính cá nhân đầu tiên. Ông rất ngạc nhiên khi thấy cậu con trai 6 tuổi có thể chỉ cho mình cách khắc phục vấn đề khi sử dụng máy. Ông đã nghĩ rằng có thể con trai ông là một thiên tài, nhưng sau đó, ông mới vỡ lẽ khi tất cả bạn bè của ông đều có những đứa con “thiên tài” như vậy. 

Nghĩ tới những trẻ em sống trong các khu ổ chuột ở New Delhi, ông tự nhủ: “Không thể con cái chúng ta là thiên tài còn những đứa trẻ ở đó lại không”. Giáo sư Mitra đã cho lắp đặt một chiếc máy tính nối mạng Internet trong văn phòng của mình ở Delhi và để cho những đứa trẻ ở khu ổ chuột khám phá mà không có người lớn hướng dẫn. Chúng nhanh chóng biết cách sử dụng trình duyệt web bằng tiếng Anh, mặc dù không biết ngôn ngữ này.

Khuyến khích trẻ tự học

Tiếp tục thử nghiệm trong môi trường độc lập, Sugata Mitra đặt một máy tính dành cho trẻ nhỏ ở một ngôi làng cách văn phòng của mình 300 dặm. Rồi ông vui mừng nhận ra rằng những đứa trẻ này có thể tự học, dạy nhau tiếng Anh, toán và các môn khác một cách nhanh chóng. “Rõ ràng là bọn trẻ có thể tự học mà không cần sự giúp đỡ của giáo viên”, Mitra nhận xét. Thêm nữa, những đứa trẻ thực sự muốn học chứ không chỉ chơi trò chơi.

Dự án của Giáo sư Mitra đã được người đứng đầu Ngân hàng Thế giới lúc đó biết đến. Sau khi tận mắt chứng kiến bọn trẻ tự học, ông James Wolfensohn đã quyết định cấp 1,5 triệu USD, cho phép Mitra thực hiện các thí nghiệm tiếp theo ở Ấn Độ, Campuchia, châu Phi. Bằng cách tự học, bọn trẻ đã cải thiện cách phát âm tiếng Anh rất tốt, đọc hiểu và thậm chí hiểu được cả những kiến thức cơ bản về sự sao chép ADN…

Ông Mitra cho rằng, thế giới ngày nay cần có một hệ thống giáo dục mới, trong đó vai trò của máy tính trong việc hỗ trợ học tập là tối quan trọng. Khi các em tự học, làm bài tập theo nhóm, có thể giáo viên cũng có ở đó, nhưng sự có mặt của giáo viên không phải là một giải pháp. Chúng sẽ hứng thú hơn khi tìm ra câu trả lời và thông báo cho người không biết điều đó, như “người bà” chẳng hạn. Ông đã tuyển nhiều “người bà”, những tình nguyện viên đến từ Anh, nhiều người là giáo viên đã nghỉ hưu, những người đóng vai trò là “ông bà” nhiều hơn là giáo viên, khuyến khích học sinh làm hết sức mình và tuyên dương kết quả của chúng. 

Ông Mitra cho biết, ông không nghĩ rằng giáo viên là lỗi thời nhưng vai trò của họ có thể thay đổi khi học sinh ngày càng được tiếp cận với việc tự học qua máy tính. Ông cũng cho rằng, “đội ngũ tự học” của ông có thể thay thế cho các trường học bình thường ở những nơi thiếu giáo viên. Giáo dục truyền thống nhấn mạnh việc kiểm tra và xử phạt, hai điều mà Mitra cho rằng làm hạn chế suy nghĩ của trẻ và tạo sự đối phó. Việc áp dụng những phương pháp gần gũi với ông bà, những người tán dương trẻ đúng lúc sẽ hiệu quả hơn so với việc cha mẹ luôn giám sát con cái khi chúng làm bài tập về nhà. Điều quan trọng nhất là trẻ cần được dạy cách tư duy độc lập và tự học.