“Spartacus” -  Made in Việt Nam

(ANTĐ) - Lần đầu tiên, vở ballet được xếp vào hàng lớn nhất thế giới (TK XX) “Spartacus” sẽ được Nhà hát Vũ kịch Việt Nam cho ra mắt công chúng vào 2 ngày  10 và 11-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là vở ballet dựa trên những chứng cứ lịch sử về người Anh hùng Spartacus, thủ lĩnh phong trào nô lệ chống lại chế độ La Mã qua cuộc chiến tranh nô lệ lần thứ III. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với NSND Kiều Ngân, Phó Giám đốc Nhà hát Vũ kịch Việt Nam.

“Spartacus” -  Made in Việt Nam

(ANTĐ) - Lần đầu tiên, vở ballet được xếp vào hàng lớn nhất thế giới (TK XX) “Spartacus” sẽ được Nhà hát Vũ kịch Việt Nam cho ra mắt công chúng vào 2 ngày  10 và 11-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là vở ballet dựa trên những chứng cứ lịch sử về người Anh hùng Spartacus, thủ lĩnh phong trào nô lệ chống lại chế độ La Mã qua cuộc chiến tranh nô lệ lần thứ III. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với NSND Kiều Ngân, Phó Giám đốc Nhà hát Vũ kịch Việt Nam.

Spartacus đã phổ biến ở nhiều nước
Spartacus đã phổ biến ở nhiều nước

- PV: Lý do nào đã khiến Nhà hát lựa chọn vở ballet có tính cổ điển như Spartacus để biểu diễn mà không phải là một vở ballet hiện đại thiên về tính ngẫu hứng và phá cách?

- NSND Kiều Ngân: Vở diễn này cũng không hẳn là quá cổ điển mà cũng đã mang hơi hướng hiện đại, phóng túng và khoáng đạt trong cách diễn nên tôi tin nó sẽ dễ dàng được công chúng đón nhận. Chúng tôi dàn dựng vở ballet này với mong muốn sẽ tiếp tục được phục dựng lại nhiều vở ballet nổi tiếng trên thế giới, nhằm đem lại cho công chúng những vở diễn có chất lượng. Hơn nữa, năm nay Nhà hát Vũ kịch kỷ niệm 50 ngày thành lập nên chúng tôi muốn dàn dựng một vở ballet có quy mô hoành tráng và tầm cỡ để chào mừng sự kiện này. Cũng đã lâu lắm rồi, chính xác là 27 năm, vở “Spartacus” mới quay trở lại với công chúng Việt Nam. Trước kia là vở diễn có sự giúp đỡ và tài trợ của Liên Xô, còn lần này là hoàn toàn do biên đạo và đội ngũ diễn viên trong đoàn dàn dựng.

- PV: Liệu tính hoành tráng cũng như sự nổi tiếng của vở diễn có tạo nên những áp lực nhất định cho những người thực hiện?

- NSND Kiều Ngân: Đối với một vở diễn hoành tráng cần một lực lượng diễn viên rất đông đảo nên ngoài diễn viên của Nhà hát chúng tôi còn mời thêm diễn viên ở các đoàn khác để mang lại cho khán giả một vở diễn thật sự xứng đáng với một tác phẩm múa lớn của mọi thời đại. Nhưng tôi nghĩ rằng điều khó nhất chính là đội ngũ diễn viên cùng biên kịch và huấn luyện phải thổi được tinh thần thời đại trong vở ballet này. Đó chính là tính anh hùng ca và sử thi bi tráng.

- PV: Spartacus có được “Việt hóa” để phù hợp với tâm lý thưởng thức của khán giả Việt Nam?

- NSND Kiều Ngân: Nếu đúng theo nguyên mẫu, vở diễn được chia thành 3 màn, nhưng một buổi diễn có tới 2 lần nghỉ giải lao thì nhiều quá. Nên chúng tôi quyết định sẽ chuyển buổi diễn thành 2 màn. Hơn nữa, do kinh phí eo hẹp nên chúng tôi phải cắt bớt những phần “râu ria”, tập trung vào những chi tiết đắt giá nhưng không làm mất đi tính anh hùng ca và sử thi bi tráng của vở diễn.

- PV: Spartacus là một nhân vật lịch sử, là hình ảnh chói lọi về chủ nghĩa anh hùng ca. Vai diễn này sẽ do diễn viên nào đảm nhận?

- NSND Kiều Ngân: Vai Spartacus đã được giao cho diễn viên Đàm Hoàng Giang, là diễn viên của Nhà hát Vũ kịch, người đã từng được cử đi học tại Học viện Múa Hồng Kông đảm nhận. Giang có hình thể và khuôn mặt đẹp, rất phù hợp cho vai diễn này. Nhưng do có vẻ đẹp “hoàng tử”,  cao to, trắng trẻo nên trông anh ta có điểm khác với các diễn viên cùng đoàn. Thành ra, khi biểu diễn, Giang phải bôi một loại dầu giống như trong môn thể thao dance sport để da có màu hơi đỏ, không quá nổi trội trong vở diễn.

- PV: Và điều mà Spartacus muốn truyền tải chính là tính anh hùng ca của vở diễn?

- NSND Kiều Ngân: Đúng là như vậy. Mặc dù kết thúc của vở diễn là cái chết của Spartacus, sự thất bại của cuộc nổi dậy nhưng khi dàn dựng chúng tôi đã dùng tới hình ảnh của những đôi bàn tay giơ lên làm nổi bật tính bi hùng của vở diễn. Tinh thần chiến đấu của Spartacus đã được các thế hệ sau này tiếp tục đấu tranh vì tự do, vì sự công bằng và bình đẳng nhằm đem lại cho con người một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Xin cảm ơn bà!

Phạm Thu Hương

(Thực hiện)