Sách hay “Quân khu Nam Đồng”:

Phía sau một cuộc chiến dài...

ANTĐ - Bình Ca là ai? Ngay cả các biên tập viên kỳ cựu của NXB Trẻ - những người trực tiếp biên tập cho cuốn truyện “Quân khu Nam Đồng” cũng đều lắc đầu: Không biết! (thực ra là nhất quyết không tiết lộ). Mà thôi, cũng chẳng cần tìm hiểu về tác giả vì tác phẩm chính là hiện thân của tác giả. Và nếu trên tay có một cuốn sách hay rồi, thì cần gì phải biết đến tác giả, ngộ nhỡ cái con người cực kỳ cụ thể ấy biết đâu lại làm bạn đọc thất vọng thì sao?

Tuổi thơ ở khu gia binh

“Quân khu Nam Đồng” dày dặn, hơn 400 trang, chẳng có thể loại chỉ đề độc một chữ “truyện”, vì nó chẳng phải tiểu thuyết cũng không hẳn tự truyện. Giọng kể đều đều, không ngôi thứ, văn phong hài hước, thông minh và dí dỏm, chính cách kể chuyện này đã dẫn dắt bạn đọc đi từ dòng đầu tiên cho đến dòng cuối cùng, gấp sách lại mà vẫn cười như nắc nẻ, dù vô vàn những chi tiết trong đó buồn buồn và tiếc nuối. Cũng chẳng hề quá khi trong lời “dẫn dụ” trang bìa, người làm sách đã cảnh báo: “Một cuốn sách khiến ta khó rời mắt trước khi lật đến trang cuối cùng”.

Phía sau một cuộc chiến dài... ảnh 1

 “Quân khu Nam Đồng” được in rồi xuất bản rộng rãi phần nhiều do tình cờ. 40 năm sau, đám trẻ xưa, nay đã thành ông, bà, thành cha mẹ, tóc đã ngả màu thời gian có dịp hội ngộ, hàn huyên chuyện cũ, rồi nảy ra ý tưởng viết lại như là hồi ký để “con cháu chúng ta xem”. Có người ngại ngần vì quá khứ học dốt, suốt ngày đánh nhau, liên tục vào đồn công an ngồi… Rồi thì cân nhắc quá khứ được mất, sau đó thống nhất cùng viết ra, nhớ được chuyện gì thì viết - nhân vật Hòa, người vẫn viết thư tỏ tình hộ cho đám thanh niên trong khu gia binh vốn dốt đặc văn chương thuở trước tiếp tục được tín nhiệm chấp bút. Tất nhiên, để tránh những “rắc rối không đáng có” tác giả đã đổi tên cho các nhân vật, cho cả bản thân mình. Và thế là, những trò tinh nghịch thời trai trẻ được kể lại. Lung linh, mờ ảo, hệt như buổi sáng mùa đông, ngắm nhìn cảnh vật qua lớp sương mù. 

Nhân vật chính là đám trẻ của khu gia binh Nam Đồng - một khu tập thể quân đội được xây dựng năm 1964 với khoảng 500 gia đình sỹ quan sống ở đây. Khi đến đây những năm 1964-1965, đám trẻ đó đa phần từ 5 đến 7 tuổi, cha mẹ chúng hầu hết chiến đấu ngoài chiến trường lửa đạn. Vì thế, chúng yêu thương gắn bó, đoàn kết, chở che cho nhau như ruột thịt. Song, do thiếu vắng sự uốn nắn của cha mẹ, nhiều đứa như cỏ dại, “nhiều năm không bị cha mắng”. Vậy là, có bao điều hay ho, nghĩa hiệp thì cũng có bấy nhiêu những trò nghịch dại, thậm chí là phải trả cái giá rất đắt. Cuốn sách chủ yếu viết về giai đoạn từ năm 1972 đến 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang đi vào thời kỳ quyết liệt nhất.

Cuộc sống thiếu thốn, nhưng có hề gì với đám trẻ kia. Biết bao trò “nhất quỷ nhì ma” vẫn được bày ra hàng ngày. Sự thông minh, kèm thêm bướng bỉnh, pha chút ngang tàng nghĩa hiệp luôn khiến cho các thầy cô giáo không kịp trở tay. Lớp 8D với thành phần con em tập thể Nam Đồng nổi lên như một biểu hiện “bất trị” của trường Đống Đa thuở ấy. Những trò nghịch thì vô vàn, đó là khi Khanh, không thuộc bài nhưng dõng dạc hùng biện (chính xác là bịa), “đi xa” đề bài đến cả trăm cây số đến nỗi không thể vòng về được nữa, nhưng vẫn cãi lại: “Em đọc bản tin TTX, Mật, không  phổ biến!”.

 Bị thầy hỏi tội “lộ bí mật quốc gia” thì đã có Hòa xung phong lên ứng cứu. Hòa bước lên bảng “cứu bạn” thì tụt dép vì trước đó Việt đã bí mật nhặt hết dép cao su lại và rút quai dép ra. Rồi ác hơn, đóng đinh ngược lên ghế chỗ cô Minh dạy toán hay ngồi. “Tội tày trời” này cũng chưa thấm vào đâu khi lũ trẻ nghịch ngợm bàn nhau cùng hát Quốc ca trong giờ chào cờ sáng thứ hai, ban đầu chỉ định hát để cả trường hát theo cho không khí nghiêm trang. Nhạc nổi lên trầm hùng, chỉ có mình Việt hát, to dõng dạc, cả trường hơn 1.000 người (vốn chỉ toàn người hát lí nhí hoặc không hát) bỗng đổ dồn về phía người duy nhất đang hát rất to. Vấn đề nghiêm trọng khi chuyển sang bài Trường ca, đoạn nào không thuộc thì phải “èn en”, ở vào thế khó, im lặng thì còn chết hơn. Nhạc dừng, thầy hiệu trưởng lao thẳng xuống túm ngực áo Việt, lôi lên, quy tội “cố ý phá hoại giờ chào cờ…”.

Đương nhiên, trước những trò đùa như vậy thì cả lớp bò ra cười, khổ chủ nhăn nhó và thầy cô giáo thường buông tay bất lực hoặc nhanh chóng nhận diện “thủ phạm” và phệt cho cả loạt điểm 0 cùng hạnh kiểm yếu. 

Mỗi câu chuyện là một sự trải nghiệm

Cái danh “Quân khu Nam Đồng” được hình thành rất tình cờ, bắt đầu từ chính sự bị o ép cùng mong muốn đoàn kết, tự khẳng định mình. Đó là lần Hòa bị trấn lột mất bút, Việt bị trấn mất mũ cối… Ức mà không làm gì được, thế rồi đoàn kết lại và cùng… đánh nhau. Mỗi trận đánh thắng như một dấu mốc khẳng định vị thế của “Quân khu Nam Đồng”. Nhà trường quy lớp 8D thành lớp cá biệt, cần giáo dục dạy dỗ. Cô giáo đến từng nhà vận động cha mẹ, người thân, không cho con em mình mặc quần áo bộ đội đi học. Thế là đám thanh niên vốn đoàn kết đồng loạt bảo nhau cố tình ăn mặc rách rưới, nhìn lại càng lộn ruột, thầy giáo lôi lên văn phòng nhà trường tra hỏi, nhưng chẳng có lý do gì để cấm chúng mặc vì cả nước khó khăn, con nhà bộ đội không mặc quần áo thừa của bố thì mặc gì?

Bên cạnh những trò tếu táo, quậy phá kiểu lật đổ chuồng gà, bẻ chân gà nhà cô giáo, treo xe đạp của bạn gái lên cây, viết thư tỏ tình hộ, thậm chí dạy nhau tán bạn gái… thì Quân khu Nam Đồng cũng khiến người đọc lắng lại và khẽ thở dài. Đôi khi là câu chuyện về sự chân thành của đám học trò đối với thầy, cô giáo. Dù có ngỗ ngược có ngang tàng, có quậy phá nhưng họ sống tình cảm, nhận ra những lẽ đời sai - đúng. Nhận ra sự yêu thương, nhân hậu và cả những ấm áp mà thầy cô giáo cùng những hoàn cảnh riêng của mỗi thầy, mỗi cô. Đôi khi sự quậy phá, kéo bè kết đảng đánh nhau ầm ĩ cũng là để bảo vệ nhau…Và đôi khi, sự bồng bột con trẻ ấy đã khiến vài người bọn họ phải trả giá, thậm chí là giá đắt với những tháng ngày dằng dặc tù tội. 

Chắc hẳn, hơn 40 năm sau kể từ năm 1972, khi câu chuyện về Quân khu Nam Đồng được hình thành, đám trẻ xưa giờ đã là cha, là ông, tóc đã điểm bạc, đã bước sang bên kia con dốc cuộc đời, mỗi khi nghĩ về từng “trận đánh lớn”, hẳn là họ sẽ rùng mình, thậm chí ngại ngần kể lại bởi: “Kể lại chuyện đánh đấm khi xưa, chỉ nêu gương xấu cho lũ trẻ”. Đúng như lời nhân vật Việt nói: “Oai gì cái chuyện có lớn mà chẳng có khôn, khi máu dồn lên mặt là vung dao vung gậy rồi bị công an bắt nhốt”. Chỉ tội cho các ông bố cứ phải liên tục lên đồn xin bảo lãnh cho con.

Nhưng “Quân khu Nam Đồng” đâu có phải là chuyện riêng của Nam Đồng, nó còn là gương mặt của hậu phương, khi cả miền Bắc gồng mình tái thiết sau “Điện Biên phủ trên không” đồng thời chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Đó còn là câu chuyện của những đứa trẻ lớn lên thiếu sự uốn nắn chỉ bảo của mẹ, của cha, bởi cha mẹ biền biệt ngoài chiến trường, có người đã nằm lại chiến trường mãi mãi không trở về. Đó cũng còn là những tiếc nuối của mối tình đầu, những hờn giận trẻ con đã đẩy nhau xa mãi. Có lẽ, điều thành công nhất của tác giả, ngoài giọng văn vô tư, không mài giũa đánh bóng chuyên nghiệp còn là việc tác giả biết “điểm dừng”, như một người thứ ba, thong thả kể, không đi sâu vào nỗi đau, bi kịch, mà dựng lên một bức tranh muôn màu về cuộc sống của khu gia binh lớn nhất nhì Hà Nội, trong đó là cả một Hà Nội sục sôi thời chiến, về tình bạn đẹp và cả tình yêu đầy ân hận, xót xa, tiếc nuối.