Luôn có ý tưởng mới

(ANTĐ) - Đang học năm thứ 3 khoa Vật Lý, trường Đại học Sư phạm I, Nhật Hoa - cô sinh viên bé nhỏ với đôi mắt lẩn khuất qua cắp kính cận đã viết thư lên Ban biên tập, Đài truyền hình Việt Nam với những lời khẳng định chắc nịch rằng các chương trình dạng khoa học cho thiếu nhi phát trên sóng truyền hình cháu hoàn toàn có thể làm được.

Luôn có ý tưởng mới

(ANTĐ) - Đang học năm thứ 3 khoa Vật Lý, trường Đại học Sư phạm I, Nhật Hoa - cô sinh viên bé nhỏ với đôi mắt lẩn khuất qua cắp kính cận đã viết thư lên Ban biên tập, Đài truyền hình Việt Nam với những lời khẳng định chắc nịch rằng các chương trình dạng khoa học cho thiếu nhi phát trên sóng truyền hình cháu hoàn toàn có thể làm được.

Biên tập viên Nhật Hoa
Biên tập viên Nhật Hoa

Rồi cái ngày mong đợi của cô đã đến, cô nhận được câu hỏi của lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam mà 10 phần thì đã có đến 9 phần hoài nghi… - “Cháu có cái gì?” - Một kịch bản được viết hoàn toàn theo bản năng ra đời, nó viết theo sự cảm nhận của một người trẻ tuổi khi xem các chương trình khoa học cho thiếu nhi được phát sóng trên truyền hình, giống như kiếm tìm giải pháp để đổi mới việc giảng dạy cho học sinh trong các trường học. Kịch bản được xây dựng với hai nhân vật chính là Mập và Còm, hai anh chàng có cuộc ngao du và lang thang trong một miền đất tinh vi, hỗn độn, vô phương hướng của thế giới khoa học…

Cũng từ đó, một sê-ri chương trình khám phá khoa học dành cho thiếu nhi dưới con mắt của hai anh chàng Mập và Còm ra đời.  Đó là sự khởi thủy của con đường đến với truyền hình, đến với nghề báo của cô bé Nhật Hoa ngày ấy và nhà báo Nhật Hoa bây giờ. Lúc ấy, cô sinh viên chuyên ngành Vật lý đang thực tập tại trường Hà Nội - Amsterdam đã “lôi kéo”  được những học trò và những người bạn của mình vào chương trình khám phá thế giới khoa học này. Cứ thế, để rồi sự len lỏi như những vi mạch của công nghệ đưa Hoa thật sự bước vào con đường làm nghề một cách chuyên nghiệp và chính thống.  Với hơn 10 năm trong nghề, BTV Nhật Hoa luôn lưu giữ trong mình bao kỷ niệm của một thuở trong hành trình “xen ngang”, và đến tận bây giờ vẫn không ngừng có những ý tưởng mới… “Khi mình gặp tình huống thật sự, hiểu sâu sắc để làm một cái gì đó đầu tiên phải bắt đầu bằng ý tưởng, sau nghĩ đến việc triển khai nó, cuối cùng là tạo sức bền để duy trì và vượt qua mọi khó khăn nhằm đạt được những giá trị mà mình mong muốn” - BTV Nhật Hoa chia sẻ.

Nhật Hoa khởi đầu từ phòng Thiếu nhi rồi bước tiếp đến phòng Khoa học tự nhiên, dừng lại ở một ê-kíp hoạt động riêng trực tiếp dưới sự lãnh đạo của lãnh đạo Ban khoa giáo, rồi đến phòng Công nghệ với cương vị Trưởng phòng đã giúp cho quãng đường hoạt động nghề nghiệp, mà theo chị là có tính xuyên suốt và hợp với bản thân nhất. Nhắc đến BTV Nhật Hoa hẳn những người yêu truyền hình nhớ ngay đến những chương trình như “Chúng tôi và bạn trên mạng Internet”, “Robocon”…, và nay là “7 ngày công nghệ”. Học vật lý, xen ngang có chủ đích và Nhật Hoa đã mơ ước sau này trở thành người sản xuất chương trình truyền hình cho thiếu nhi. Ước mơ đã thành hiện thực, chị tâm sự chị không hối hận đã bỏ nghề “nhà giáo” để dấn thân sang nghề “nhà báo”, và nếu được lựa chọn lại chị vẫn chọn nghề báo. Đến đây, tôi nhớ lại trong cuốn “Bốn mươi năm nói láo” của nhà văn Vũ Bằng có viết “... nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!” thật đúng với chị.      

Ngồi với BTV Nhật Hoa tại café Coner gần cơ quan chị vào một buổi sáng ngày hè, bên máy tính cá nhân chị không ngừng làm việc và liên tục trao đổi công việc qua điện thoại. Thế giới công nghệ như được chị thu nhỏ trước màn hình máy tính. Nhật Hoa sống, chiêm nghiệm và sáng tạo bằng những giác quan lạ cùng với những ý tưởng sáng tạo “lạ”. Với chị, “cuộc đời mỗi con người có số phận, đã được lập trình trên một con đường đan xen định sẵn, và hãy để sự tự do lan tỏa trong tôi, để tôi mặc sức sáng tạo…”.

Trần Quân