“Không bao giờ vơi cạn tình yêu với Trường Sa”

(ANTĐ) - Làm quen với văn chương từ những bài viết ở Trường Sa, ít ai có thể ngờ rằng, hơn 10 năm sau, chàng lính đảo ngày nào chững chạc khẳng định mình trên văn đàn. Gia tài văn chương mà Nguyễn Xuân Thủy hiện có, đủ để cho nhiều người cầm bút chuyên nghiệp phải mơ ước. PV Báo ANTĐ đã có dịp trò chuyện cùng anh.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy:

“Không bao giờ vơi cạn tình yêu với Trường Sa”

(ANTĐ) - Làm quen với văn chương từ những bài viết ở Trường Sa, ít ai có thể ngờ rằng, hơn 10 năm sau, chàng lính đảo ngày nào chững chạc khẳng định mình trên văn đàn. Gia tài văn chương mà Nguyễn Xuân Thủy hiện có, đủ để cho nhiều người cầm bút chuyên nghiệp phải mơ ước. PV Báo ANTĐ đã có dịp trò chuyện cùng anh.

- PV: Cuốn tiểu thuyết đầu tay của anh - “Biển xanh màu lá” từng được giải thưởng của Bộ Quốc phòng, mới đây nhất “Sát thủ online” nhận giải thưởng của Bộ Công an, anh là người có duyên với giải thưởng, hay là người chăm chỉ đi… thi?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Nếu đặt vấn đề như thế thì tôi nghĩ nên cộng cả hai lý do lại: chăm chỉ đi thi và có duyên ẵm giải. Nói một cách sòng phẳng thì nếu không có những cuộc thi ấy tôi vẫn cứ viết, sách vẫn cứ ra nhưng sản phẩm sẽ được biết đến ít hơn, hoặc sẽ vất vả hơn để bạn đọc tiếp cận tác phẩm của mình. Đương nhiên không phải cuộc thi nào tôi cũng ứng thí mà có sự lựa chọn, những cuộc thi tôi đã tham gia và đoạt giải đều là cuộc thi uy tín, thành phần ban giám khảo tin cậy, các cuộc thi đó cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo những người viết chuyên nghiệp.

“Sát thủ online”, giải A của cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện ký do Bộ Công an phát động

“Sát thủ online”, giải A của cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện ký do Bộ Công an phát động          

- PV: Cái nắng gió Trường Sa, giờ vẫn vẹn nguyên trong anh chứ?

- Hai năm ở Trường Sa là quãng đời gian khổ nhất nhưng cũng đẹp đẽ nhất của tôi. Đến tận bây giờ, khi đã rời Trường Sa 10 năm rồi vẫn còn những đồng đội gọi điện hỏi thăm. Lần nào có nhà báo ra mọi người cũng điện về hỏi “tớ tưởng cậu sẽ ra đợt này”. Có thể nói Trường Sa đã đóng dấu son trong ký ức của tôi. Đó là một vùng đất thiêng liêng mà mỗi khi nhắc đến đều chạm đến những kỷ niệm khiến tôi rưng rưng muốn khóc.

- PV: Có thể nói, anh đã thành công khi khắc họa mặt trái của thế giới ảo, nhưng vẫn cứ muốn hỏi, nếu được sửa lại vài chi tiết, anh sẽ bắt đầu ở chỗ nào?

- Tôi sẽ không sửa gì cả. Khi đã đánh dấu chấm hết cho tác phẩm nghĩa là tôi sẽ cũng đóng lại hành trình sáng tạo dành cho nó. Trong khi viết tôi có thể cho phép những cân nhắc, lựa chọn, thậm chí thay đổi cả kết cấu tác phẩm, nhưng khi đã về đích thì điều đó không còn được phép nữa. Mặc dù có thể khi sách in ra, đã thấy ngay rằng điều này, điều kia dường như chưa ổn. “Sát thủ online” được tôi viết trong 2 năm, thời gian đó quá đủ để khép lại mọi quyết định cho sự thay đổi.

- PV: Rất nhiều người đã mắc nghiện internet, còn anh thì sao, có nghiện không mà thấu hiểu mọi ngóc ngách của nó đến vậy?

- Tôi nghiện internet đủ để yêu mà không thấy sợ hãi và lệ thuộc nó. Game thì hầu như tôi không chơi. Nếu nghiện internet và game thì tôi đã chẳng còn thời gian ngồi để viết được một cuốn sách nói về những hệ luỵ của chính nó như thế (cười).

- PV: Nhiều đồng nghiệp của anh khi đọc “Biển xanh màu lá” đã nhận định rằng, đó chỉ là phần rất nhỏ của cuộc sống lính đảo thôi, phần còn lại, Nguyễn Xuân Thủy “để dành”, “ăn dè”?

- Chính xác hơn là nhà văn Đỗ Bích Thuý đã nói rằng “Biển xanh màu lá” chỉ là một phần trong kho tư liệu về Trường Sa mà tôi có, chứ không phải là một phần rất nhỏ của cuộc sống lính đảo. Còn về cuộc sống của những người lính đảo thì đó phải là một phần rất lớn mới đúng. Khi viết “Biển xanh màu lá” tôi đã dồn hết tâm huyết và những trải nghiệm mình có về Trường Sa, vì tôi xác định đây sẽ như món quà tri ân với những người lính đảo, gửi tới những đồng đội của tôi ở Trường Sa. Tôi không có ý định chia Trường Sa ra để ăn dần. Nhà phê bình trẻ Đoàn Minh Tâm khi đọc “Biển xanh màu lá” đã nhận xét rằng, nó tràn ngập chi tiết và thực tế sinh động đến thừa thãi của đời sống lính tráng. Còn cuốn sách về Trường Sa sắp phát hành của tôi là một cuốn phi hư cấu, dành cho trẻ em có tên gọi “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”, tôi chọn một cách tiếp cận khác, nó không phải là một cuốn sách văn học. Ở tư cách người viết, tôi có quá nhiều mối quan tâm cho những tác phẩm của mình, đương nhiên trong đó viết về Trường Sa luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Tình yêu của tôi đối với Trường Sa sẽ không bao giờ vơi cạn.

- PV: Và nếu phải lựa chọn giữa hai đề tài, một cuộc sống giới trẻ hiện đại nơi thành phố và một cuộc sống đối mặt với bão tố nơi biển đảo anh sẽ ưu tiên đề tài nào trước?

- Lặn vào đời sống của giới trẻ nơi đô thị và lặn trong sóng nước ngoài khơi xa đều có những khoái cảm với ngòi bút của tôi. Và rất may tôi đã không phải lựa chọn khi mà cả nơi biển đảo xa xôi và sự khắc nghiệt của đời sống hiện đại đều đã là những tác phẩm thành hình của tôi rồi, và ý tưởng về chúng đã đến ở những thời điểm khác nhau. Trong sáng tạo, mọi đề tài đều bình đẳng, nếu như hai ý tưởng cùng xuất hiện một lúc thì ý tưởng nào bùng phát mãnh liệt hơn, thôi thúc hơn, ám ảnh hơn tôi sẽ bật laptop để bắt đầu ngay với nó.

Vân Quế

(Thực hiện)