Đọc thơ mà cứ ngỡ đang... tọa Thiền

ANTĐ - Trong khi các nhà thơ trẻ đang tìm cách bung phá, "nổi loạn", không lặp lại con đường của bất kỳ ai thì nữ nhà thơ Bảo Ngọc, một cây bút trẻ lại tìm về thế giới thơ cổ, thơ của Phật giáo. Không ngần ngại đi ngược đường, Bảo Ngọc tin những gì chị gieo trong tập thơ “Bến trăng” sẽ  đơm hoa theo cách của riêng mình. 

Tò mò ẩn sỹ 

Tốt nghiệp khóa V, trường Viết văn Nguyễn Du nhưng mãi đến hơn 20 năm sau ngày ra trường, Bảo Ngọc mới cho ra mắt tập thơ “Bến trăng”. Sự chậm trễ ấy được chị giải thích bởi những yêu thương, lo toan trong thiên chức làm vợ, làm mẹ. Xinh đẹp, yểu điệu lại rất khiêm nhường, Bảo Ngọc ít xuất hiện trước đám đông, nếu buộc phải xuất hiện thì chị cũng lại khép mình. Chính vì thế, trong suốt hơn 20 năm qua, Bảo Ngọc đã cất thơ, gói ghém cẩn thận ở một nơi thật sâu trong tâm hồn. Nhưng như chị chia sẻ “người làm thơ có khi là duyên có khi là nghiệp. Dù đã tự hứa sẽ không bao giờ gắn mác nhà thơ nhưng những khao khát được chia sẻ đã thôi thúc tôi cầm bút và “Bến trăng” đã ra đời trong thời gian rất ngắn”. 

Mẹ đã sinh Bảo Ngọc trong một buổi chiều trăng non. Những nghĩ suy về giây phút chào đời ấy đã theo chị trong suốt hành trình đến với thơ. Những lúc thu mình lại, đối diện với trăng, những vần thơ của Bảo Ngọc như giúp chị bay khỏi mặt đất, lên tới tận cung Quảng. Các bài thơ về trăng thanh thoát, nhẹ nhõm lại rất huyền ảo, mênh mang. Không có ý đồ làm thơ Thiền nhưng thơ của Bảo Ngọc nhuốm màu Phật giáo và được làm theo lối song đối giữa nữ Phật tử với một ẩn sỹ.

Đọc thơ mà cứ ngỡ  đang... tọa Thiền ảnh 1

Nhà thơ Bảo Ngọc và Nhà văn Sương Nguyệt Minh trong ngày ra mắt Bến trăng

Trước đó, chỉ có thi sỹ Bùi Giáng làm thơ theo kiểu này. Qua ẩn sỹ, người đọc đoán được đây là một vị cao tăng, một con người rất cụ thể nhưng lại huyễn hoặc khó nhận biết. Chính Bảo Ngọc cũng lý giải “Khi cầm tập Bến trăng trên tay, hẳn bạn sẽ thắc mắc, nhân vật ẩn sỹ này là ai và vì sao lại xuất hiện trong tập thơ này? Tôi thành thật xin lỗi vì chỉ muốn giữ lại chút bí mật riêng tư nên không thể làm thỏa mãn sự tò mò của quý vị. Trong dòng đời vô thường, cơ duyên của những cuộc gặp gỡ và tao ngộ vốn hiện hữu cũng mong manh như gió thoảng”. 

Chất Thiền ngấm vào từng câu thơ

Cuộc tung hứng, đối đáp giữa Bảo Ngọc và ẩn sỹ đã đưa người đọc đến với những cuộc tiễn đưa trần thế, đến một bến trăng, một bờ mây ở cõi tuệ khác… Tất cả đều nhuốm màu siêu thoát với những vần thơ đẹp. Theo nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa “Bến trăng là một tập thơ rất lạ, đã lâu lắm, chúng ta mới có một tập thơ mang hơi hướng của Thiền, mang hơi hướng cổ phong nhưng lại rất hiện đại”.

Tên gọi của tập thơ “Bến trăng”, tên của các bài thơ như Tao ngộ, Tương phùng, Cố nhân, Đàm cầm, Độc hành… đã mang hơi hướng hoài cổ. Người đọc có cảm giác như Bảo Ngọc đang đưa họ quay ngược lại với thế giới thơ cổ, đang được sống trong thế giới thơ của Quách Tấn, Yến Lan… hoặc những bài thơ mang hơi hướng Thiền thời nhà Lý. Ở đó, độc giả như gặp tâm trạng của con người trước cõi vô thường.

Thật mà ảo, ảo mà thật. Nếu ví thơ ca như người con gái đẹp thì “cô nàng thơ” này mang đậm sắc màu truyền thống, vừa có âm hưởng cổ xưa vừa có hơi hướng hiện đại. Điều đặc biệt, trong khi các nhà thơ trẻ mải miết đuổi theo những cách làm mới mẻ thì nữ thi sỹ Bảo Ngọc đã không ngần ngại đi vào con đường xưa cũ. Chị chăm sóc, tỉa tót cho những vần thơ trở nên tròn trịa, ngọt ngào. Chị cất giấu nỗi cô đơn, cũng như những khát vọng, chờ đợi của riêng mình trong Bến trăng.

Nhưng cũng cần nói rằng, trong thơ không có mới hay cũ mà chỉ có thơ hay hoặc dở. Chỉ biết rằng, đọc thơ Bảo Ngọc, độc giả như đi trong chiêm bao, mờ mờ xung quanh là một thứ ánh sáng kỳ ảo, màu nhiệm. Không biết đó là ánh sáng tỏa ra từ trăng, từ sao, từ sông nước hoa cỏ hay từ chính tâm hồn người đọc, tâm hồn của các thi nhân. Và khi những chữ cuối cùng khép lại, người đọc thấy mát lành như vừa bước lên từ hồ sen, hay một buổi tọa Thiền. Nhà văn Sương Nguyệt Minh khẳng định: “Tập thơ có vị trí đặc biệt, nhuốm màu Thiền trong bản chất. Đọc thơ chị, tôi thấy ấm áp, thấy tâm hồn được tưới tắm, mát lành. Đọc là thấy cảm động, là gặp một tấm lòng, một trái tim”.