Hậu quả nghiêm trọng từ một chuỗi sai lầm

ANTĐ - Đó là nhận định của PGS-TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam về một số vụ án mạng xảy ra thời gian qua với đối tượng phạm tội còn rất trẻ nhưng có hành vi phạm tội dã man, tàn độc.

- PV: Vừa qua đã xảy ra nhiều vụ án mạng với thủ phạm có tuổi đời rất trẻ . Ông nhận xét gì về vấn đề này ?

-PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Đây là một thực tế đáng lo ngại. Một số đối tượng phạm tội dù tuổi còn trẻ song hành vi giết người lại hết sức dã man, côn đồ và căn nguyên đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ. Vụ án do đối tượng sinh năm 1992 giết người rồi đốt xác xảy ra tại huyện Bình Chánh, TP.HCM vừa qua, một lần nữa khiến dư luận bàng hoàng.

Hậu quả nghiêm trọng từ một chuỗi sai lầm ảnh 1 Điều này cho thấy, đối tượng không được trang bị những kiến thức về văn hóa ứng xử nên chỉ cần lời qua tiếng lại, va chạm nhỏ cũng dẫn đến những cuộc xô xát. Hành vi của đối tượng thể hiện sự lạnh lùng đến đáng sợ. Ở góc độ xã hội, đó là biểu hiện của sự lệch chuẩn hành vi, đạo đức xã hội…

- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? 

- Lý do của hành vi phạm tội là sự hung hãn, thiếu kiềm chế của đối tượng, đẩy anh ta tới chỗ mắc một chuỗi sai lầm liên tục, từ mất bình tĩnh, quá khích khi phát sinh xung đột, đến việc có hành động côn đồ, hạ sát đối thủ rồi đốt xác phi tang do không dám đương đầu với tội ác đã gây ra.

Nguyên nhân sâu xa là do một bộ phận thanh thiếu niên có lối sống theo bản năng, thiếu lành mạnh, thiếu hiểu biết pháp luật, không có kinh nghiệm xử lý tình huống, thiếu kỹ năng sống.

Bên cạnh đó, một số em còn có những khuyết tật về nhân cách, mất niềm tin vào giá trị cuộc sống và những người xung quanh nên khi có động cơ tiêu cực và gặp hoàn cảnh, môi trường thúc đẩy, sẽ dễ dàng phạm tội. 

Hậu quả nghiêm trọng từ một chuỗi sai lầm ảnh 2

Chỉ một va chạm nhỏ giữa các thanh niên đôi khi cũng dẫn đến án mạng. Ảnh minh hoạ.

Ngoài ra, với sự phát triển bùng nổ của thông tin mạng như hiện nay, có rất nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến giới trẻ. Đó là sự kích thích từ những trò chơi bạo lực, những vụ án rùng rợn được mô tả cụ thể, tỉ mỉ trên mạng, khiến các em dần trở nên trơ lỳ, vô cảm với nỗi đau của đồng loại.

Từ việc không có kỹ năng giải quyết tình huống, không biết cách hóa giải mâu thuẫn đã khiến một số đối tượng quyết ra tay đến cùng khi cảm thấy ai đó gây bất lợi cho bản thân mình.

- Trong một số trường hợp, nguyên nhân không chỉ ở phía người phạm tội?

- Trong nhiều vụ án, chính nạn nhân là yếu tố quan trọng thúc đẩy hành động phạm tội. Đó là thái độ khiêu khích, thách thức, có lời nói xúc phạm đối tượng khi phát sinh mâu thuẫn.

Hậu quả nghiêm trọng từ một chuỗi sai lầm ảnh 3

Chỉ vì mượn ĐTDĐ không thành mà đối tượng Vắn Cống Bảo (23 tuổi, tạm trú huyện Bình Chánh, TP.HCM) sẵn sàng giết chết bạn rồi đốt xác phi tang

- Vậy theo ông, để ngăn chặn tình trạng này cần có những giải pháp nào? Gia đình có vai trò gì?

- Nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự có thể xảy ra, cần nâng cao nhận thức về pháp luật cho giới trẻ, coi trọng giáo dục về đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống cho thanh thiếu niên ngay từ khi còn nhỏ.

Ngoài ra, cần tạo ra các diễn đàn để các bạn trẻ có cơ hội nêu lên ý kiến, suy nghĩ của mình về các vấn đề liên quan đến đời sống, đưa các đối tượng vi phạm pháp luật chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự vào các cơ sở giáo dưỡng để uốn nắn kịp thời…

Đặc biệt, gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Khi nhận ra những điểm khác thường của con em mình như hay đóng cửa phòng một cách bí mật, gọi điện thoại hoặc có hành động lạ, phụ huynh cần chú ý theo dõi để có các biện pháp xử lý, định hướng kịp thời.