Để giá thuốc ngoại vào quy chuẩn

(ANTĐ) - Thuốc là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không thể nhập khẩu bừa bãi. Một công ty muốn nhập khẩu loại thuốc nào phải có công văn gửi Cục Quản lý dược - Bộ Y tế để xem xét và từ đó mới có quyết định cấp hạn ngạch để nhập khẩu.

Để giá thuốc ngoại vào quy chuẩn

(ANTĐ) - Thuốc là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không thể nhập khẩu bừa bãi. Một công ty muốn nhập khẩu loại thuốc nào phải có công văn gửi Cục Quản lý dược - Bộ Y tế để xem xét và từ đó mới có quyết định cấp hạn ngạch để nhập khẩu.

Hiện nay cả nước theo thống kê của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam (VNPCA) có khoảng 15.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, 500 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký kinh doanh ngành thuốc tại Việt Nam, 40.000 cơ sở bán thuốc trong đó có 11.000 cơ sở kinh doanh tư nhân do dược sỹ đứng tên.

Các con số này nói lên đây thực sự là một cuộc cạnh tranh quyết liệt chứ không hề có tính độc quyền thuốc ngoại như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Và đã nói đến tính cạnh tranh thì không có chuyện đẩy giá thuốc lên cao bởi nếu đắt hơn thì sẽ không có người mua.

Nhưng thực tế dạo qua các nhà thuốc từ bệnh viện đến tư nhân, giá thuốc đặc biệt là giá thuốc ngoại là một bài toán khó giải. Ai cũng biết về nguyên tắc Cục quản lý Dược quản lý giá, niêm yết giá lên trang của cục để người dân biết đồng thời các cơ sở kinh doanh biết. Nhưng không phải lúc nào các nhà thuốc cũng bán theo giá quy định của cục.

Các đợt thanh kiểm tra cũng chỉ làm nóng lên một phần rất nhỏ của thị trường thuốc. Mỗi hàng bán một giá, thậm chí nhà thuốc bệnh viện còn bán đắt hơn thị trường bên ngoài mặc dù đây là đơn vị được kiểm tra thường xuyên. Sự hiểu biết của người dân về thuốc còn rất hạn chế. Thuốc có cùng thành phần, nhưng khác tên về biệt dược và không giống tên như trong đơn cũng không dám mua và sử dụng.

Đã từng nhiều lần mua thuốc cho con tại nhà thuốc trong bệnh viện, phần nhiều là thuốc ngoại, chị Nguyễn Minh Thu 48 Định Công không khi nào nghĩ rằng mình bị thiệt thòi. Một lần con chị mắc bệnh tương tự, chị không cho con đi bệnh viện nên mang đơn ra hiệu thuốc gần nhà, nhưng hiệu thuốc không có loại cùng tên nhưng có loại chung thành phần. Chị quyết định mua với giá rẻ bằng một nửa dù đó cũng là thuốc nhập khẩu nhưng của một quốc gia khác.

Ông Đỗ Văn Doanh - Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam cho biết, thị trường thuốc nội hiện chiếm tới 51% thị phần trong nước, phần còn lại là của thuốc ngoại. Đó có thể cho là một sự cân bằng hoặc thậm chí, thuốc nội có thể nhỉnh hơn, nhưng thực tế cho thấy, các bác sỹ rất thích kê thuốc ngoại, vì nó cho tác dụng nhanh hơn, chi phí hoa hồng từ việc kê toa cũng nhiều hơn là các hãng thuốc nội.

Các hãng thuốc ngoại đăng ký kinh doanh tại Việt Nam có chiến lược quảng bá, kinh doanh tiếp thị rõ ràng hơn hẳn các hãng thuốc nội. Trình dược viên tìm mọi cách tiếp cận bác sỹ để thuốc của mình bán được nhiều hơn. Nhưng chi phí cho các hoạt động này chỉ được chiếm 10% trong tổng giá trị kinh doanh nên các hãng dược, nhà thuốc bắt buộc phải đẩy giá lên cao và người tiêu dùng chính là người “cõng” những món hoa hồng khổng lồ đó.

Các nhà quản lý cho rằng, có tính cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng dược phẩm nhưng với các loại thuốc chúng ta chưa sản xuất được, phụ thuộc vào nhập khẩu như vaccine, thuốc tim mạch, gout, tiểu đường… vẫn rất nặng yếu tố độc quyền, chính điều này làm tác động đến giá thuốc ngoại.

Sẽ không thiếu các biện pháp để quản lý giá thuốc ngoại vì Cục quản lý dược Bộ Y tế, cơ quan quản lý chính có hẳn một Phòng Quản lý giá, nhưng để giá thuốc ngoại không leo thang một cách chóng mặt cách đơn giản nhất là từ phía người tiêu dùng, hãy dùng thuốc một cách hợp lý, chỉ khi nào không có thuốc nội và thật cần thiết mới sử dụng thuốc ngoại. Đồng thời, người bác sỹ khi kê đơn cũng cần lưu ý đến thuốc nội có thành phần tương đương và các nhà quản lý cũng cần nới lỏng quy chế về quảng cáo tiếp thị cho các doanh nghiệp dược trong nước để có thể tiếp cận gần hơn nữa đến bệnh viện và bác sỹ.

Việt Hưng

Sẽ xử lý khi có đầy đủ thông tin

Liên quan tới việc tăng giá của thị trường thuốc tân dược trong thời gian qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế.

- Trong thời gian qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã lên tiếng về tình trạng giá thuốc bị đội lên nhiều lần do phải qua nhiều cửa, đặc biệt là hoa hồng cho bác sĩ. Vậy Cục quản lý dược đã làm gì trước tình trạng này ?

- Ngay sau khi nhận được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cục quản lý dược đã có văn bản số 01A/QLD-GT ngày 25-3-2010 yêu cầu các hãng dược phẩm phải báo cáo cụ thể về những phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng và cung cấp đầy đủ giá bán của các sản phẩm đó tại các nước trong khu vực. Ngoài ra Cục Quản lý dược cũng đã có văn bản số 02A/QLDGT ngày 25-3-2010 đề nghị Thanh tra Bộ Y tế xem xét thanh tra, xác minh các thông tin liên quan để có hướng xử lý cụ thể.

Thanh tra Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra, kiểm tra và báo cáo Bộ Y tế về sự việc trên. Chúng tôi hy vọng sẽ có kết quả sớm từ phía đoàn thanh tra. Tuy nhiên, khi đem thuốc ra so sánh cần chú ý bởi hai biệt dược khác nhau của hai nhà sản xuất thì không thể có giá như nhau được. Do đó khi đi khảo sát, so sánh cần tránh nhầm lẫn.

Mới đây, có thông tin thuốc bán ra thị trường tăng giá gấp 10 lần đó là thuốc Cadimezol 20mg. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại thì thấy thuốc Cadimezol 20mg do Công ty cổ phần Dược phẩm Cần Giờ sản xuất trúng thầu cung cấp cho bệnh viện giá 350 đồng/viên, còn thuốc Getzome, nhập khẩu của Công ty Lemery S.A. de C.V. Mexico sản xuất giá 3.450 đồng/viên.

- Trước những thông tin về việc các hãng dược phẩm luôn có “sự ưu đãi đặc biệt” đối với các bác sĩ kê đơn thuốc, ông đánh giá như thế nào về vấn đề “chiết khấu thương mại” trên thị trường thuốc tại Việt Nam hiện nay ?

- Bộ Y tế đặc biệt quan tâm đến vấn đề y đức của các bác sỹ và luôn đẩy mạnh việc thanh kiểm tra kết hợp tuyên truyền giáo dục nâng cao y đức cho cán bộ y tế. Bộ Y tế sẽ kiến nghị những vi phạm sử dụng lợi ích vật chất hay tài chính dưới mọi hình thức để tác động tới thầy thuốc, người dùng thuốc nhằm thúc đẩy việc kê đơn, sử dụng thuốc như đã quy định trong thông tư 13/2009/TT-RYT ngày 1-9-2009 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên hoạt động khuyến mại trên lãnh thổ Việt Nam còn được điều chỉnh bởi Luật Thương mại về các hình thức khuyến mại, trong đó có hình thức bán hàng cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. Do vậy chúng tôi cần có đầy đủ thông tin về sự việc từ các bên liên quan và sẽ có biện pháp xử lý theo đúng pháp luật hiện hành.

- Xin cảm ơn ông!

Tăng thuế nhập khẩu với thuốc đã sản xuất được trong nước

Kỹ thuật bào chế thuốc của Việt Nam cũng đã có nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng với một số loại thuốc chuyên khoa đặc hiệu vẫn phải nhập khẩu. Với ý kiến cho rằng phải giảm thuế nhập khẩu để giá thuốc ngoại trong nước không quá cao và tăng liên tục như thời gian qua, tôi thấy phải xét trên nhiều bình diện.

Giảm thuế thì sẽ giảm các nguồn thu, tiền chi phí khác, người tiêu dùng có thể sẽ được lợi nhưng Nhà nước thì mất một nguồn thu đáng kể. Nhưng cái chính là giảm thuế nhập khẩu nhưng các hiệu thuốc có bán đúng với giá đã thông báo và niêm yết hay không. Thuốc cũng là một mặt hàng trong đời sống, cần cân đối mặt bằng với các nhu cầu khác của cuộc sống.

Là Chủ tịch Hiệp hội, đồng thời là một doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, tôi rất mong Nhà nước có điều chỉnh, tăng thuế nhập khẩu với các loại thuốc đã sản xuất được trong nước. Theo tôi, thuốc sản xuất trong nước hiện nay cũng thực hành đạt chuẩn GMP, đảm bảo chất lượng, và trong phong trào ưu tiên dùng hàng nội như hiện nay, chúng ta cần truyền thông tích cực hơn nữa để bác sỹ, người dân cùng hình thành thói quen dùng thuốc nội. Như thế, áp lực về thuốc ngoại mới phần nào hạ nhiệt.

Ông Đỗ Văn Doanh,

(Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam)

Ghi thành phần khi kê đơn

Đã nhiều năm làm nghề khám bệnh cho trẻ em, từ thời còn khó khăn về thuốc, cho đến giai đoạn hiện nay, bác sỹ rất thoải mái trong việc kê đơn. Trình dược viên cũng tìm mọi cách để tiếp xúc và mời chào chúng tôi kê đơn dùng thuốc của họ. Đó cũng là một điều khiến chúng tôi chú ý và cũng ít nhiều bị tác động.

Nhưng khi kê đơn, không phải đối tượng nào cũng có thể dùng được thuốc của hãng nước ngoài, nên tôi vẫn giữ thói quen ghi tên biệt dược và mở ngoặc () thêm thành phần của thuốc. Người tiêu dùng nếu hiểu biết một chút có thể lựa chọn cho mình những loại thuốc có cùng thành phần nhưng khác tên về biệt dược cũng có thể sử dụng được.

Nhiều bác sỹ hiện nay, khi kê đơn phụ thuộc quá nhiều vào sự tiếp thị của các trình dược viên. Tôi không cho rằng đó là hành động xấu, nhưng vì lương tâm nghề nghiệp của mình cũng nên ghi thành phần của biệt dược vào đơn, để người tiêu dùng có nhiều hơn sự lựa chọn, đặc biệt là kê đơn dành cho các bệnh nhi.

Bác sỹ Trần Thị Sửu

(Bệnh viện Nhi Trung ương)