Sự thực về ngôi làng sinh ra toàn…“chân dài“

ANTĐ - Làng Đình Tràng, xã Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam được mệnh danh với cái tên rất kêu “làng chân dài”. Sở dĩ có cái tên như vậy bởi ngôi làng này có rất nhiều người, cả nam lẫn nữ sinh ra có chiều cao khủng. Và nhiều người còn nói là dùng nguồn nước lấy ở đây về ăn sẽ được cao “như ý”…

Sự thực về ngôi làng sinh ra toàn…“chân dài“ ảnh 1Ông Nguyễn Văn Lợi 

Về làng “chân dài”

Nằm bên bờ sông Châu Giang thơ mộng, Đình Tràng phường Lam Hạ ngày nay (xưa gọi là làng Đình Tràng)  là một trong 6 tổ dân phố thuộc phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Với khoảng 315 hộ dân và trên 1120 nhân khẩu chia thành 5 khu vực, người dân Đình Tràng sống với nhau hòa thuận, êm ấm. Người dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, ngoài ra còn buôn bán, chợ búa những lúc nhàn rỗi. Tổ dân phố Đình Tràng, vẫn được nhiều người biết đến với cái danh hiệu ngôi làng có nhiều người có chiều cao vượt trội nên thường được gọi thành làng chân dài. Trong đó, phải kể đến hai anh em cầu thủ bóng chuyền xuất sắc là Ngô Văn Công (1,92m) và Ngô Văn Kiều (1,96m). 

Thú vị và tò mò với cái danh làng chân dài, chúng tôi đã tìm về Đình Tràng, với mong muốn tận mắt chứng kiến những người “cao quá khổ” ở đây. Nhưng khác với mong đợi của chúng tôi, sự thật về làng chân dài lại không hẳn như lời đồn đại.

Khi hỏi về những người “cao kều” nơi đây, chúng tôi được giới thiệu đến nhà ông Nguyễn Văn Lợi (55 tuổi) - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban công tác mặt trận của tổ dân phố. Bằng thái độ niềm nở ông Lợi tiếp đón chúng tôi bằng nụ cười của người nông dân thuần phác, bắt đầu câu chuyện về “làng chân dài”, ông chia sẻ: “Nơi đây đúng là có nhiều người có chiều cao khủng, trung bình khoảng 1m75 trở lên, nhưng điều đó chỉ đúng với hai dòng họ là Ngô và dòng họ Lâm. Hai dòng họ ấy, số người có chiều cao vượt trội cũng khoảng tầm 20 đến 30 người, vừa đúng với số người có chiều cao ở Đình Tràng. Còn những người dân khác trong làng, chiều cao cũng chỉ ở mức bình thường, chứ không có gì nổi bật. Được biết, khi trai gái họ Lâm kết hôn với người nhà họ Ngô thì sinh ra nhiều người có chiều cao vượt trội, cụ thể là trường hợp gia đình vận động viên của đội tuyển bóng chuyền quốc gia Việt Nam Ngô Công Kiều. Bà nội anh là Lâm Thị Nuổi lấy ông là Ngô Văn Cung, sinh ra 8 người con thì 4 người có chiều cao khiêm tốn. Những người còn lại, chiều cao trung bình là 1m75. Trong đó có Ngô Thị Cà, (hiện nay đã 80 tuổi), mẹ ruột của Ngô Công Kiều, có chiều cao khoảng 1m80 (người dân trong làng hay gọi vui là Cà “kếu”). Bà Cà lấy ông Ngô Văn Ký, hai vợ chồng có chiều cao xấp xỉ nhau, đẻ được 4 người con trai là Ngô Văn Ca, Ngô Văn Cảnh, Ngô Văn Công và Ngô Văn Kiều đều có chiều cao trên 1m80, trong đó, Ngô Văn Kiều cao nhất với 1m96. Đây cũng là một trong số những gia đình hiếm hoi trong thôn có chiều cao vượt trội. Mọi người trong nhà bà Cà không chỉ cao mà đều rất to khỏe, không phải dáng người cao dong dỏng mà là to lớn. 

Được biết những đứa trẻ trong các gia đình có chiều cao “khủng” của hai dòng họ Ngô, Lâm khi sinh ra cũng thường nặng và dài hơn những đứa trẻ khác, đặc biệt chúng thường lớn rất nhanh. Gia đình anh Ca có hai con trai, trong đó, đứa bé chưa đầy 10 tuổi mà đã cao khoảng 1m4. 

Chân dài do đâu?

Ông Lợi cũng cho biết thêm, nhiều người đã nói quá về việc Đình Tràng nhiều người có chiều cao khủng. Thực tế cho thấy, chiều cao của những người trong thôn chủ yếu là do gen của dòng họ mà có. Bởi chiều cao trung bình của trai tráng ở Đình Tràng khoảng 1m65 đến 1m70, so với nhiều người đàn ông, chiều cao đó là hoàn toàn bình thường.

Do trong thôn có nhiều người sở hữu chiều cao vượt trội nên không ít thắc mắc. Có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng chưa có một nghiên cứu khoa học cụ thể nào lý giải về vấn đề này. Có người cho rằng người làng Đình Tràng có thể cao như vậy do ăn nhiều tôm cá. Bởi Đình Tràng nằm ngay sát bờ sông Châu Giang, vào mùa mưa lũ nước ngập lên cao, cá tôm nhiều, thức ăn chủ yếu của người dân cũng chỉ là tôm cá đánh bắt được từ đó có được chiều cao như bây giờ.

Rất nhiều người còn cho rằng có thể nước sinh hoạt hoặc thức ăn của thôn có điều gì đó đặc biệt, nhưng theo ông Lợi, điều này hoàn toàn không phải. Trước kia, khi chưa có giếng khoan, người dân nơi đây chủ yếu dùng nước sông Châu Giang làm nước sinh hoạt, vậy nên nếu nói nguồn nước đặc biệt là hoàn toàn không có cơ sở. Ông Lợi cho biết thêm: “Người làng Đình Tràng trước kia chủ yếu là dân nhập cư, từ trước năm 1945, người dân ở khắp nơi đã đến đây để làm ăn sinh sống. Có thể những người dân nơi khác đến lấy vợ là người gốc làng Đình Tràng nên sinh ra đột biến gien làm cho nhiều người trở nên cao lớn như vậy”.

Ông Lưu Quốc Hòa, hàng xóm của anh Ngô Văn Ca cho biết: “Làng này không phải ai cũng chân dài, thực chất chỉ có một gia đình xứng được gọi như vậy là gia đình bà Ngô Thị Cà”. Ông cũng cho hay: “Có rất nhiều nhà báo, phóng viên tìm đến viết bài nhưng sống ở đây từ khi mới cất tiếng khóc chào đời, tôi không thấy cả làng này chân dài bao giờ, chỉ là họ thổi phồng câu chuyện lên mà thôi. Nhìn chung, chiều cao của người dân trong làng cũng bình thường, thậm chí, còn có nhiều người quá thấp so với chiều cao trung bình của người Việt. Ví như cô Phó Trưởng thôn này (em gái ông Hòa) cao không quá 1m50”. 

Sự thực về ngôi làng sinh ra toàn…“chân dài“ ảnh 2Gia đình anh Ngô Công Kiều với chiều cao khủng

Lợi thế vì… chân dài

Mặc dù không quá tự hào về tiếng tăm làng chân dài của quê mình, nhưng ông Lợi cũng cho hay, những khi có tổ chức thể dục thể thao ở phường, xã, Đình Tràng luôn dành chiến thắng do có lợi thế ngoại hình và sức khỏe. Theo trưởng thôn Lợi, vào mỗi đợt có thi đấu thể thao, nhất là bóng chuyền, bóng rổ, kéo co, đội tuyển thi đấu của Đình Tràng luôn là những thanh niên sức khỏe, tầm vóc nhất làng. Trong đó phải kể đến hai họ Ngô, Lâm, luôn có những vận động viên nghiệp dư tiêu biểu. Chỉ cần có thanh niên hai họ ấy vào thi đấu, phần thắng bao giờ cũng nắm chắc trong tay Đình Tràng. Người dân trong làng cũng rất tự hào về Ngô Văn Kiều, năm 2007 sau khi Sea games 24 kết thúc, anh Kiều nổi tiếng bởi khả năng đánh bóng chuyền, từ đó về sau mỗi khi Ngô Văn Kiều về làng hoặc đi thi đấu ngoài này là dân làng lại kéo nhau đi xem. “Có năm anh Kiều thi đấu ở Ninh Bình người trong thôn lại rủ nhau rồng rắn kéo đi xem và cổ vũ”, ông Lợi cho biết.

Ở Đình Tràng, những người có chiều cao khủng, lại có nhiều người giỏi bóng rổ. Thế nên cứ nghe danh đấu với đội Đình Tràng là ở đâu họ cũng khiếp. Ông Lợi cho biết thêm: “những người chơi bóng rổ, hay làm bất cứ một nghề gì cần nhiều đến yếu tố chiều cao, cũng đều phải có năng khiếu. Ngô Văn Kiều và Ngô Văn Công từ bé đã là những đứa trẻ ham thích thể thao, nhất là bóng chuyền. Do được rèn luyện và có năng khiếu, nên khi được rèn giũa một cách bài bản, cộng thêm lợi thế về chiều cao khủng, ắt hẳn sẽ dành được nhiều thành công ngoài mong đợi”.

Những người dân trong thôn cũng thường hay trêu đùa những người có chiều cao khủng như anh Ca, anh Cảnh là “cao quá thì may áo tốn vải, đi qua cửa bao giờ cũng phải gập người chào trước, rồi mới bước vào sau”. Mặc quần áo hay đi dép đều phải dùng loại ngoại cỡ so với những người khác, thậm chí trong nhà của một số người không thể sử dụng được chiếc giường 2m mà phải đóng giường dài tới 2.3 - 2.5 m mới có thể thoải mái để ngủ. Theo lời ông Lợi “Đàn ông  thì lấy vợ còn dễ chứ phụ nữ cao mà lấy chồng cũng nhiều lúc khó khăn”. Thực tế, cả hai dòng họ Ngô và Lâm đều đã quen với chiều cao khủng của mình, nên sự phiền toái của trong cuộc sống sinh hoạt cũng có, nhưng không đáng kể.