Người đàn ông đam mê viết chữ ngược

ANTĐ - Từ nhỏ, ông Nguyễn Đình Hùng, người viết chữ thuê trên phố Trương Định, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã nổi tiếng là người viết chữ đẹp. Học lớp 5, ông Nguyễn Đình Hùng đã phụ trách tất cả các tờ báo tường của lớp, của trường. Năm 1964 - 1965 của thế kỷ trước, Công an quận 7 (huyện Thanh Trì bây giờ) đã mời ông mấy tháng để viết chứng minh thư. Lúc đó ông mới 16 -17 tuổi, rất hãnh diện khi được làm việc này. Đến giờ mỗi khi nhớ lại về câu chuyện năm xưa ấy, ông không khỏi tự hào bởi đến tận bây giờ, trong chứng minh thư nhân dân của nhiều người vẫn có nét chữ của ông. 
Người đàn ông đam mê viết chữ ngược ảnh 1

Người làm nghề… lạ

Ông Nguyễn Đình Hùng chia sẻ bắt đầu làm quen với chữ Hán khi được cử đi học ở Trung Quốc những năm 1965 - 1966 thế kỷ trước. Tuy nhiên, chỉ được 2 năm, khi Cách mạng văn hóa Trung Quốc diễn ra, ông phải về nước. Sau đó, ông học Khoa Thư viện, Đại học Văn hóa. Ra trường, ông làm Chủ nhiệm Thư viện ở Phòng Tuyên huấn của Cục Chính trị Không quân. Thời gian trong quân ngũ, ông thường xuyên viết băng rôn khẩu hiệu cho quân chủng. “Tôi chủ yếu viết tay, chứ thời đó lấy đâu ra giấy dán hồ sẵn như bây giờ”, ông Hùng nhớ lại. Mỗi khi có người hỏi ông làm nghề gì, ông Hùng thường trả lời: “Tôi viết chữ ra rồi “treo cổ” lên”. Ấy là cách ông Hùng nói vui về công việc của mình. Bởi cuộc đời ông, đến đâu, ở đâu cũng “dính dáng” tới chuyện viết chữ. 

Có lẽ cái nghiệp viết chữ chỉ thực sự bám chặt lấy ông khi ông trở về sau đợt đi lao động ở Đức: “Khi về, tôi không còn làm ở Cục Chính trị Không quân nữa. Tôi chỉ tham gia công tác ở địa phương như một cán bộ hưu trí bình thường. Cũng nhờ vào việc biết viết chữ, tôi được cử làm Trưởng ban văn hóa phường Tân Mai, rồi sau đó được điều động sang làm cho cả phường Ngô Thì Nhậm, vừa làm quân vừa làm tướng vì cả ban chỉ có... mình tôi”. “Bây giờ, từ Bà Triệu, Phố Huế cho đến Bạch Mai, tất cả những băng treo ngang đường đều là của tôi”, ông hồ hởi khoe.

Đặc biệt, trên các băng rôn, có tấm dài cả trăm mét vuông, đều là chữ ông Hùng viết tay chứ không dùng chữ cắt vi tính. Ông viết rất nhiều kiểu chữ, chữ in, chữ hoa... chữ nào cũng rất đẹp. Ông còn được huy động viết cả giấy khen, giấy mừng thọ, giấy chứng nhận tuổi Đảng... “Nghề này không vất vả nhưng cần cẩn thận, nó khiến cho tính tình của tôi cũng trở nên chỉn chu hơn”. Quả vậy, ông Hùng tỏ ra là người rất ngăn nắp. Ngôi nhà nhỏ của ông trên đường Trương Định thật ấm áp và gọn gàng. Tuy nhiên, nó cũng mang lại cho ông chút phóng túng của người làm công việc có phần nghệ thuật. 

… Đến viết thư pháp ngược 

“Thư pháp ngược”, ông nói và chia sẻ: Đó là do tôi tự nghĩ ra một thú tiêu khiển rất thú vị cho mình với nghề viết chữ. Khi tôi đề nghị ông viết bài thơ “Xử thế”, ông nhìn khổ giấy rồi đặt bút viết lập tức. Thoạt nhìn tưởng rằng ông đang viết chữ Hán vì ông có dùng các bộ của Hán ngữ như bộ Miên, bộ Sĩ, bộ Điền, bộ Khẩu… để viết.

“Những người biết chữ Hán nhìn chữ tôi viết thường thắc mắc không hiểu loại chữ gì mà họ không thể đọc được. Nhưng khi đọc ngược lại, biết rằng tôi viết chữ quốc ngữ, họ ồ lên thích thú. Cách viết chữ ngược này bắt nguồn từ một trò chơi thuở bé của tôi”, ông Hùng tâm sự. Hồi còn đi học, ông và cậu bạn thường chép bài cô giáo đọc bằng chữ ngược. Ông viết chữ ngược nhanh như chữ xuôi và tôi học bài bằng chữ ngược đó. Có chứng kiến ông Hùng viết thư pháp ngược mới thấy trò đùa nghịch ngày còn bé cũng lắm công phu. Ông có thể viết ngay lập tức, không đắn đo hay nghĩ xem nét này nên viết thế nào để khi lật ngược lại không bị hỏng. 

Ông Hùng nhận định, trong những năm gần đây, không gian văn hóa thư pháp chữ Việt ngày càng được mở rộng, tạo thành phong trào rộng khắp trong cả nước. Từ môn nghệ thuật mang tính tự phát của một số người hoài cổ trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, ngày nay, thư pháp chữ Việt đã có mặt từ góc phố, lề đường đến các cửa hàng văn hóa phẩm, nhà sách, phòng trưng bày, triển lãm, hội chợ, lễ hội văn hóa...

 Ông tỏ ra am hiểu khi nói về thư pháp chữ Việt: “Với chữ quốc ngữ, khi xuất hiện ở Việt Nam đã có nhiều tác phẩm viết như rồng bay phượng múa, nhưng chưa được xem là thư pháp. Khoảng năm 1950, trào lưu thư pháp, tranh nổi bật với các nghệ nhân như Vũ Hối, Nam Giang. Đặc biệt, từ những bài thơ của Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương viết theo lối thư pháp khoảng những năm 1950 đã đánh dấu sự ra đời của Thư pháp quốc ngữ và Đông Hồ được xem là ông tổ của thư pháp quốc ngữ”.

Mang danh là thú chơi thanh tao, bác học nhưng nghệ thuật thư pháp cũng ngộ lắm, chẳng giống ai - ông Hùng ví von một cách hóm hỉnh: Nó phảng phất nét mơ màng nghệ sĩ, đỏng đảnh như gái mới lớn, hờn dỗi giống kẻ đang yêu nhưng lại mạnh mẽ cứng cỏi tựa cây măng trong khóm tre, bụi trúc. Một nét chữ viết ra, là vẽ nên một chân dung tự họa. 

Người đàn ông đam mê viết chữ ngược ảnh 2Bài thơ “Xử thế” viết bằng chữ ngược 

Chuyện “chơi” cũng lắm công phu 

Người ta có thể đọc được tính cách con người: đức bao dung, lòng ngay thẳng, vẻ thiện ác... Theo ông, để có bức thư họa đẹp, người viết thư pháp phải nhập tâm. Tâm bình thì nét bút mới thanh thoát, phóng khoáng. Do đó, người viết thư pháp phải vượt qua được “bức tường” sân, si, hỉ, nộ của bản thân để tìm đến chữ ngộ, vì chữ ngộ bao hàm tất cả những nét đẹp tinh hoa trong tâm hồn mỗi con người. Chơi chữ từng được ông cha ta xem là cái đạo, thờ chữ để rèn tâm, viết chữ để dưỡng tính, xin chữ chọn thầy, cho chữ chọn người… do đó không phải ai cũng đủ “bản lĩnh” bước chân vào chốn lắm công phu này.

“Chuyện chơi thư pháp thời xưa khá kén chọn, nếu không nói người muốn chơi được thư pháp phải có tầm văn hóa nhất định, hay nói đúng hơn phải đạt chuẩn trên mức của “ông đồ”. Nghĩ đi nghĩ lại thì tôi hiểu những gì mình đang làm chỉ là một cách để khiến cho bản thân mình vui hơn, tìm cách thể hiện mới cho những điều đã cũ. Mọi người yêu gọi là thư pháp chứ tôi chỉ dám nhận là trò vui của tuổi già thôi”, ông Hùng khiêm tốn. 

Mặc dù cũng ôm mộng có thể làm một tác phẩm thư pháp ngược thật lớn, ví dụ như viết toàn bộ “Truyện Kiều” hoặc “Nhật kí trong tù”, nhưng ông Hùng cũng vô cùng thận trọng: “Nhiều người đến đặt hàng tôi viết để họ in hàng loạt nhưng tôi không làm. Tặng nhau bài thơ, câu đối hoặc bức thư pháp ngày đầu xuân cùng những lời chúc phúc là điều mà người Việt hay làm. Ông Hùng không bao giờ bày chiếu thư pháp nhưng thường xuyên viết tặng bạn bè, nhất là mỗi dịp Tết đến: “Bạn bè treo chữ của tôi phần vì thích kiểu chữ lạ. Họ cũng thấy vui mỗi lần có người nhìn lên và hỏi: Ông treo chữ gì thế kia? Và rồi một trò chơi đoán chữ diễn ra. Nhưng bạn bè treo chữ của tôi cũng phần vì yêu quý tôi nữa. Cảm giác đó rất hạnh phúc!”.

Trước khi chào ông ra về, ông dí dỏm tâm sự: “Tôi yêu quý những con chữ ngược của tôi vì nó là trò chơi thuở nhỏ, khi già, nó lại trở thành thú tiêu khiển của tuổi già. Khi viết, tôi nửa được sống lại ngày còn thơ, nửa được sống với cảm giác đã đi qua gần hết cuộc đời. Không phải ai cũng có một trò chơi có thể chơi từ bé cho đến già như tôi đâu nhỉ?!”.

Cuộc sống ngày càng bộn bề, bon chen, con người phải chịu áp lực cao vì những hối thúc của đời thường. Chính vì vậy, người ta tìm đến nghệ thuật viết chữ như để lắng lòng lại, tìm kiếm sự bình yên, thanh thoát trong tâm hồn, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Từ đó, con người sẽ lạc quan và tìm thấy niềm tin vào bản thân. Và nghệ thuật là cả một rừng sáng tạo muôn màu muôn vẻ, ông Nguyễn Đình Hùng vẫn đang từng bước cặm cụi gom nhặt từng chiếc lá khô trong khu rừng bao la đó, dẫu đã ở tuổi tri thiên mệnh.