Người đàn ông đã khâm liệm sống lại để đọc... "bệnh trời"

ANTĐ - Chuyện về ông Nguyễn Hữu Đỉu, 98 tuổi, ở làng Kỳ Trúc (xã Gio Quang, huyện Gio Linh, Quảng Trị) trở về trần gian sau hơn nửa ngày “làm khách” âm ty đã từng làm người dân ở Quảng Trị bàn đi tán lại đến cả tháng trời mà không hết chuyện. Người dân kháo nhau, ông này từ ngày bước chân từ “cõi chết” trở về lại có thêm biệt tài tiên đoán, luận giải ý trời. Chỉ cần lắng nghe, khẽ nhìn sự thay đổi của áng mây, ngọn gió, con trăng... là ông đã báo điềm dữ, sự lành cho người dân quanh vùng biết mà né tránh…

Ông Đỉu trò chuyện với PV

Ra khỏi quan tài sau 1 ngày được… khâm liệm

Trên con đường dẫn về xã Trung Giang, tôi tình cờ gặp một lão nông nhỏ thó, lưng lom khom cất từng bước chậm rãi bên mé đường như chờ đợi điều gì đó,  khi tôi hỏi thăm về lão nông dân Nguyễn Hữu Đỉu lạ kỳ mà bao nhiêu lời đồn đại lẫn tán dương, ông già gật gù bảo: “Là tôi đây! Tôi biết các cậu đến tìm tôi nên tôi ra đây đợi sẵn!” khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Thế rồi, theo bước chân ông, chúng tôi trở về thăm ngôi nhà cũ, cách nhà mới dọn đến ở vài năm nay đến hơn 2km. Đây là nơi mà ông đã từng “lồm cồm bò dậy và bước ra khỏi quan tài sau gần một ngày được khâm liệm” như cái cách ông hí hửng khoe thế! Năm nay đã 99 tuổi, với nhiều người thì có lẽ đấy đã là cái tuổi nằm một chỗ. Thế nhưng ông lão lạ kỳ vẫn khoẻ mạnh như thường, có lẽ trên đời này người như ông chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Sau một tuần nước chè chát đắng, ông Đỉu bắt đầu kể về đời mình một cách chậm rãi cùng những biến cố có một không hai. Nhà ông vốn có 4 anh em trai, nhưng cả 3 người anh của ông đều không may mất sớm, thế là cả gia đình chỉ còn mỗi mình ông để “chống gậy”. Thời buổi chiến tranh loạn lạc, ông không được học hành tử tế nên ông ở nhà làm ruộng. Trước giải phóng ông có một thời gian tham gia du kích ở xã, sau hòa bình ông làm trưởng thôn mấy nhiệm kỳ liền. Ông Đỉu kể một mạch những quãng đời mình mà không cần phải suy nghĩ quá lâu để nhớ lại như những ông lão ở cái tuổi tri thiên mệnh khác. Tôi không ngờ trí nhớ của ông Đỉu lại tinh anh đến vậy. 

Nhưng trong cuộc đời ông có một sự kiện đặc biệt, khiến ông nhớ nhất là lần chết đi sống lại vào năm ông vừa bước sang 49 tuổi, cái tuổi người ta vẫn thường bảo rằng đó là cái thời điểm định mệnh của cuôc đời. Buổi trưa ông đi làm về thì tự dưng thấy trong người mệt mỏi rã rời, cháo không nuốt nổi, người cứ yếu và lịm dần đi. Trong cơn mộng mị, ông Đỉu thấy ông nội của mình bảo: “Con về với con cái đi, số con chưa chết được đâu! Con phải sống cả trăm tuổi rồi mới tới đây được!”. Khi ông tỉnh dậy thì nghe thấy tiếng gào khóc thảm thiết xung quanh. Quậy cựa một lát ông mới lổm ngổm ngồi dậy đẩy nắp quan tài đã chuẩn bị được đóng đinh, từ miệng quan tài chỉ thò ra cái đầu của ông nhìn tới ngó lui một cách ngơ ngác vì chẳng hiểu tại sao mọi người lại bỏ mình vào quan tài rồi cúng bái, khóc lóc rầm rầm như thế. Lúc ấy mọi người trong gia đình ông đang lo làm rạp, lo đám tang, cha mẹ, anh chị em khóc ngất xỉu, người thân đang lo tang ma chiêng trống, và cả những người tới dự “đám tang” của ông mặt cắt không ra giọt máu khi chứng kiến cảnh tượng chưa từng xảy ra từ thuở cha sinh mẹ đẻ. Ai cũng sợ hãi la hét ỏm tỏi, chạy toán loạn vì sợ... ông Đỉu hiện hồn về! Sau một hồi định thần, mọi người cùng nhau tiến lại gần quan tài ông Đỉu. Người thì sờ vai, kẻ lại nắn tay ông xem ông là “ma” hay là người. Thấy chưa tin vào sự thật đang xảy ra trước mắt mình, bà con cứ tra đi, hỏi lại: “Ông ở mô? Tên chi?”. Ông thì vẫn ngồi trong quan tài, cất tiếng gọi: “Tau Đỉu đây. Nguyễn Hữu Đỉu đây!”. Lúc này mọi người mới dám tin là ông Đỉu chưa chết. Những giọt nước mắt đau buồn bỗng chốc hóa thành những nụ cười rộn rã, mừng vui. Trước hiên nhà bóng tối đen kịt nhưng cái tin ông Đỉu trở về từ cõi chết được đồn qua râm ran khắp làng, nhà nào cũng thắp đèn điện sáng trưng mừng sự kiện hi hữu này. Thế là rạp dựng lên để làm đám ông Đỉu lại thành rạp mừng ngày hồi sinh, con lợn vừa mổ chuẩn bị cúng tiễn ông “về trời” trở thành món ăn khao làng. Cái quan tài gỗ tốt được con cháu bê cất sau chái nhà trong niềm vui sướng tột cùng. Suốt đêm đó, cả nhà đám không một ai chợp mắt. Họ cứ tò mò hỏi đi hỏi lại ông Đỉu chuyện rong chơi dưới suối vàng của ông rằng: “Về dưới nớ thấy ra răng? Kể bọn tui nghe với?”. Họ tò mò hỏi vậy cũng bởi lẽ họ đã chứng kiến cảnh ông Đỉu nằm bất động, tim ngừng đập, tắt thở gần một ngày trời.

Chết đi sống lại vẫn… cưỡi ngựa đi tán gái

Sau khi tạt vào thăm nhà cũ của ông một lát, chúng tôi lại cùng ông trở về ngôi nhà mới. Cả quãng đường đi và về dài đến thế, nhưng trông ông Đỉu không có vẻ gì là nhọc cả. Ông bảo hiện ông đang sống tại nhà cậu con trai trưởng, năm nay ngót nghét 50 tuổi. Mỗi tuần ông vẫn về thăm nhà cũ một lần. “Không về thăm, nhớ lắm. Ăn ngủ không ngon chú à!” ông Đỉu cười. Nghe ông nói tôi chợt nghĩ, khi đã có tuổi người ta thường mong muốn được quay về lại chốn xưa, nơi chôn rau cắt rốn nuôi ta khôn lớn thành người. Thời thanh niên trai tráng ông Đỉu rất đẹp trai, nổi tiếng là người đào hoa nhất trong vùng. Biết bao nhiêu cô gái đã ngày đêm si mê ông. Tuy lúc đó gia đình làm nông nhưng kinh tế của ba mẹ ông Đỉu cũng khá giả. Là con trai một, ông có điều kiện hơn người nên ở độ tuổi 49 nhưng ông Đỉu rất oai phong. Đến bây giờ ông vẫn còn nhớ những ngày đi chinh phục con gái đẹp ở vùng Cùa của huyện Cam Lộ. Nhìn dáng phong trần của ông ngồi trên yên ngựa đi qua vùng đồi trung du, các cô gái vùng Cùa đang lao động nghe tin cũng xúng xính ra đường để mong được gặp ông. Tiếng tăm ông Đỉu vang khắp làng, khiến không ít cô xiêu lòng. Trước kia, ông đã từng có một đời vợ, sinh được 5 người con gái. Sau lần chết đi sống lại ấy, ông lại kết duyên với một cô gái xinh đẹp kém ông đến hơn một giáp ở trong làng. Và sau nhiều năm chung sống, vợ chồng ông sinh được thêm bốn người con trai nữa. Người con trai cả của ông bây giờ đang là một viên chức Nhà nước. 

Từ khi chết đi sống lại cho tới bây giờ ông Đỉu vẫn rất khoẻ mạnh, không mảy may đau ốm gì. Chưa đầy mấy tháng sau cái ngày làm đám cho ông, bà con dân làng đã nhìn thấy ông cưỡi ngựa đi “tán gái”. Ông mới chỉ chịu “gác” cái cuốc, cái cào lại độ trong ba năm nay, vì tuổi cao nên người hơi yếu và vì con cháu trong gia đình không cho ông làm việc nữa. Ông Nguyễn Hữu Chính, con trai cả của ông Đỉu tâm sự: “Ba năm trước cha tôi còn làm khoẻ lắm. Nhiều lúc chúng tôi cố ý giấu cái cuốc, cái rựa đi để ông không làm việc được nữa. Nhưng giấu đi thì toàn bị ông nạt, ông... lẫy cả ngày! Ông bảo ở nhà không làm chi cả buồn lắm. Có cho ông cuốc đất ông mới vui vẻ, mới ăn uống được!”.

Người của “giời”

Từ lần ông Đỉu trở về từ “cõi chết”, ông bỗng có biệt tài tiên đoán, luận giải ý trời. Chỉ cần nhìn hướng gió, đám mây, con trăng là ông có thể đoán được thời tiết vụ này tốt hay xấu, năm nay được mùa hay mất mùa. Nhiều người dân ở xã Gio Quang rất nể phục ông vì cái tài đoán là trúng y phóc đó. Ông Đỉu kể: “Năm vừa qua, nhiều người trong làng đến hỏi tôi đoán xem thời tiết năm nay sẽ như thế nào? Vì tôi thấy những chụm măng tre mọc lên chúi đầu vào nhau, nên tôi biết năm nay sẽ có nhiều trận bão kéo vào miền Trung. Tôi nghĩ rồi nói chắc chắn với họ thế. Quả thật, một tháng sau, liên tiếp ba cơn bão xảy ra đúng như điều tôi đoán! Nhiều khi sắp đến vụ thu hoạch, bà con trong làng kéo đến hỏi tôi xem năm nay thửa ruộng của liệu có thất thu? Sau khi nhìn hướng gió, với từng đợt gió thay đổi tới tấp, tôi biết trời sắp mưa to và kéo dài nên tôi bảo vụ này thất bát. Họ thì một mực không tin, bảo tôi nói gàn. Vài hôm sau điều tôi đoán đã xảy ra. Hàng chục hecta lúa trong xã bị ngập, bị ngã đổ phần lớn. Năm đó mất mùa thật. Họ bảo tôi tài, đoán chi là trúng nấy... Tôi lại nghĩ tại mình làm ruộng, làm đồng lâu nên quen, mới lại sống lâu thì biết nhiều có chi mô mà tài!” ông Đỉu cười khoe hàm răng ăn trầu bỏm bẻm của mình.

Không những nhìn sự thay đổi của cảnh vật mà đoán đúng thời tiết xảy ra. Ông Đỉu còn có tài ước lượng khối lượng đúng như cân đong. Trên một sào, mẫu ruộng chỉ cần nhìn qua ông có thể đoán số lượng thóc đạt bao nhiêu tạ, tấn. Chính vì điều này nên mỗi khi người trong Hợp tác xã Gio Quang về nghiệm thu cuối vụ ở các làng trong xã, họ đều nhờ ông Đỉu đi cùng để ước lượng năng suất lúa đạt được bằng... mắt thường. Và kỳ lạ thay, nếu ông đã đoán là đúng y như thật.

Trò chuyện với ông, tôi hỏi ông có bí quyết nào để sống lâu được như ông không. Ông Đỉu cười, nụ cười của lão nông tri điền chất phác: “Cả đời tôi làm nông, cuốc ruộng hùng hục thế kia lấy mô ra mà bí quyết. Trời kêu ai nấy dạ mà chú, không kêu thì sống thọ thôi...!”. Dẫu biết thế, nhưng ở cái tuổi xấp xỉ bách niên, một người như ông có lẽ cũng là một người lạ hiếm có.