Đợt suy giảm kỳ lạ của TTCK và những con “cá mập” trên sàn

ANTĐ - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã lại được chứng kiến những sự kiện có tính lịch sử. Chỉ trong một tuần ( 13 đến 17-10) chỉ số VN-Index giảm 32 điểm, chỉ số HNX-Index cũng giảm mạnh, vốn hóa thị trường mất gần 4 tỷ USD. Vấn đề tăng giảm các chỉ số thị trường không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, tuy nhiên sự giảm đột ngột khi không có một nguyên nhân cụ thể từ nền kinh tế, không có thông tin quan trọng, không có vụ việc hình sự hoặc dân sự nào tạo ảnh hưởng lên dư luận, giống như giữa trời quang mây tạnh bỗng nhiên gió bão nổi lên, đòi hỏi một sự phân tích, một cái nhìn căn cơ để có thể loại trừ những tiêu cực của thị trường chứng khoán, đảm bảo cho một tương lai phát triển lành mạnh.

Đây là đợt sụt giảm lớn nhất trong 5 tháng qua. Không lo lắng sao được, khi chính vào ngày thị trường sụt giảm một lúc 17 điểm, Công ty quản lý quỹ VinaCapital, một nhà đầu tư ngoại dài hạn có tổng giá trị tài sản tới 1,5 tỷ USD đã hoạt động dài hạn tại TTCK Việt Nam vẫn đánh giá TTCK Việt Nam là thị trường hấp dẫn và ổn định nhất khu vực Đông Á. Đã có dấu hiệu của tình trạng thao túng giá cổ phiếu tinh vi. Đó là lý do rất ít các nhà đầu tư Việt có thể tìm kiếm được lợi nhuận trên TTCK, nhưng các nhà đầu tư ngoại thì lại kiếm được lợi nhuận khủng trên sàn. Một trong những lý do các nhà đầu tư Việt không kiếm được lợi nhuận là không thể dự đoán được sự chuyển động của dòng vốn ngoại. 

Đợt suy giảm kỳ lạ của TTCK và những con “cá mập” trên sàn ảnh 1

Những cơn bán ròng choáng váng

Sau 14 năm hoạt động, quy mô và phạm vi của thị trường đang từng ngày lớn mạnh. Hiện đã có gần 700 doanh nghiệp (DN) niêm yết trên TTCK và 147 DN đăng ký giao dịch trên UPCom, tăng 140 lần so với năm 2000. Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 52 tỷ USD, chiếm 32% GDP, giá trị niêm yết trái phiếu chiếm gần 17% GDP. Đánh giá TTCK năm 2014, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, giá trị giao dịch chứng khoán bình quân tăng 58% so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam cũng thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với gần 1,3 triệu tài khoản được mở với giá trị danh mục đầu tư nước ngoài lên đến 13 tỷ USD. 

Như vậy, có thể thấy, vốn ngoại không chiếm một vai trò lớn về số lượng, tuy nhiên trên thị trường vai trò của các nhà đầu tư ngoại vô cùng quan trọng. Tuy chỉ chiếm từ 10%-15% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường nhưng bất cứ động thái mua bán nào của khối ngoại cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước. Hầu hết các nhà đầu tư đều mua bán theo định hướng của các nhà đầu tư ngoại. Nếu các nhà đầu tư ngoại mua ròng, thị trường sẽ tăng điểm vì hàng nghìn các nhà đầu tư nội sẽ mua theo và nếu các nhà đầu tư ngoại bán ra, các nhà đầu tư nội cũng vội bán ra, chạy trối chết. Tuần vừa rồi thị trường cũng chứng kiến những phiên bán ròng lớn choáng váng của nhà đầu tư nước ngoài. Mức mua ròng qua thỏa thuận chưa tới 20 tỷ đồng không thể khỏa lấp được con số bán ròng 1.115,6 tỷ đồng trên sàn khớp lệnh. Đặc biệt là khối này càng lúc càng bán mạnh theo đà rơi của thị trường, không có chuyện đỡ giá hay tạm dừng bán như võ đoán thông thường.

Đợt bán ròng liên tục này đã kéo dài suốt từ đầu tháng 9 với chẵn 6 tuần liên tục. Nếu nhìn vào VN-Index, đợt bán đúng vào thời điểm thị trường xác lập đỉnh và điều chỉnh. Trong thời gian này, ngoài một tuần có yếu tố đột biến của giao dịch tái cân bằng ETF, các tuần còn lại đều có mức độ bán ròng rất lớn.

Tổng cộng từ đầu tháng 9 đến hết tuần này, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển hóa một lượng tiền mặt ròng lên tới 2.975,4 tỷ đồng. Như vậy đó, trong một tuần, chỉ cần khối ngoại bán ra có trên 500 triệu USD có thể làm giảm vốn hóa thị trường gần 4 tỷ USD. 

Tuy vốn ngoại thuộc hàng trăm nhà đầu tư ngoại với nhiều quỹ đầu tư khác nhau, nhưng như là họ hoạt động trong một sự chỉ huy chung. Trong tuần 13 đến 17-10, tất cả các quỹ đầu tư ngoại đều bán ròng, riêng ngày 17-10 các nhà đầu tư ngoại bán ròng thu về 400 tỷ đồng tiền mặt, đẩy chỉ số VN-Index sụt giảm 17 điểm. TTCK đã chứng kiến nhiều đợt điều chỉnh cổ phiếu quỹ của các quỹ đầu tư nước ngoài, tuy nhiên rất ít đợt có sự điều chỉnh lớn như lần này. Có điều rất tiếc, mặc dù bán ra đồng loạt, nhưng không có quỹ đầu tư nào công bố điều chỉnh cổ phiếu cả. Đơn thuần đây chỉ là một đợt bán chốt lời mà thôi. Khi giá cổ phiếu đặc biệt các cổ phiếu có vốn hóa lớn giảm nhẹ, các nhà đầu tư ngoại chỉ cần dừng bán chút ít, giá lại bắt đầu lên. Phiên đầu tuần 21-10, nhà đầu tư nước ngoài có một phiên hỗ trợ HSX theo hướng giảm bán đáng kể. Ngày 22-10 mức bán ra tăng trở lại nhưng phía mua cũng tăng một chút. Cụ thể, các giao dịch mua khớp lệnh tại HSX tăng 48% về lượng và 73% về giá trị so với ngày 21-10. Bán ra tăng 20% về lượng và 33% về giá trị. Và chỉ số VN-Index lại tăng lên 594 điểm. Tuy vậy, dư luận đang dự đoán, chiều điều chỉnh giảm sẽ tiếp tục xuống ngưỡng 570 điểm để tạo đáy, tạo cơ hội cho khối ngoại mua ròng cổ phiếu với giá thấp.

Rõ ràng, trên TTCK, các nhà đầu tư ngoại đang là một thế lực lớn, thậm chí có thể quyết định được giá cổ phiếu cũng như các chỉ số thị trường. Và khoảng cách từ vị thế đó tới những hành vi thao túng giá cổ phiếu chỉ là một khoảng cách quá nhỏ. Dĩ nhiên về mặt pháp lý, họ có quyền mua, có quyền bán, tuy nhiên, một câu hỏi luôn được đặt ra: Tại sao họ chỉ bán khi giá lên cao ngất và mua sau những đợt giá xuống đáy? Họ nắm được cơ hội hay chính họ tạo ra cơ hội?

Nhà đầu tư nhỏ chết đứng

Tháng 5-2014 là quãng thời gian đầy biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam với phiên giảm kỷ lục hơn 30 điểm ngày 8-5- tệ nhất trong vòng 13 năm qua, thị trường chứng kiến làn sóng bán tháo hàng loạt của nhà đầu tư nội. VN-Index lúc này chạm mốc 513 điểm (13-5-2014) có thể xem là mức đáy của năm.

Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại đã tận dụng thời điểm này để tích cực mua vào với tổng giá trị mua ròng trong tháng 5 hơn 120 triệu USD. Khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 18 phiên liên tiếp và bán ròng nhẹ 2 phiên 21 đến 22-5. Cụ thể, trên HOSE, khối này đã mua ròng hơn 100 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 2.059 tỷ đồng và trên HNX là 34,79 triệu đơn vị, tổng giá trị 497 tỷ đồng.

Tháng 8-2014, khối này đã đẩy mạnh bán ròng tháng thứ hai liên tiếp trên HOSE, đạt trên 303 tỷ đồng và quay lại bán ròng nhẹ trên HNX sau 4 tháng mua ròng.

Từ 5-9 đến 26-9-2014, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 7 triệu đơn vị trên HOSE, đạt giá trị hơn 698 tỷ đồng và bán ròng trên HNX gần 13 triệu đơn vị, đạt giá trị hơn 309 tỷ đồng. Đầu tháng 9, VN-Index hướng đến vùng đỉnh kháng cự 630-640 và đạt mốc 640 vào phiên ngày 8-9, mức đỉnh cao nhất 5 năm kể từ 2009, đồng nghĩa với việc chỉ số này đã tăng gần 25% từ đáy 513 điểm. Chỉ cần một phép tính tiểu học cũng có thể thấy lợi nhuận của họ là bao nhiêu. 

Mặc dù chưa có số liệu của 9 tháng đầu năm 2014, nhưng với số liệu của năm 2013, chúng ta đã thấy khối ngoại kiếm lãi như thế nào trên thị trường chứng khoán. Trong 16 quỹ ngoại đầu tư vào TTCK Việt Nam do Edmond De Rothschild thống kê vào ngày 2-1-2014, có 11 quỹ tăng tài sản ròng (NAV) trên 20%. Trong số 11 quỹ này, có 4 quỹ tăng từ 30 - 40% và 1 quỹ tăng trên 40%. Quỹ tăng trưởng cao nhất là Quỹ đóng Vietnam Holding (VNH), với NAV tăng 40,8%. 

Trong khi đó, hàng ngàn nhà đầu tư nhỏ ở Việt Nam trong năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014 ôm đầu rút ra khỏi thị trường với túi rỗng, chưa kể các khoản nợ nhiều khi phải trả cả đời. Dĩ nhiên, những nhà đầu tư ngoại trên TTCK vốn là các chuyên gia, có kinh nghiệm với thị trường, không giống như các nhà đầu tư Việt, vừa nhỏ lẻ vừa không đoàn kết và quan trọng hơn, không có kinh nghiệm thương trường. Nhưng cũng cần phải có những biện pháp bảo vệ các nhà đầu tư trong nước. Cũng giống như hoạt động FDI, các nhà đầu tư ngoại trên TTCK đang có nhiều ưu đãi, cả thuế, cả sự hỗ trợ của ngân hàng nước ngoài cùng các thủ tục hành chính. Trong khi đó, các nhà đầu tư chứng khoán trong nước vẫn được đối xử như những con buôn. Đã đến lúc, cần sự bình đẳng, cần những quy định chặt chẽ hơn để loại trừ sự khống chế của một số thế lực trên TTCK.  

Còn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chỉ cần lưu ý một điều, hầu hết các đợt giảm mạnh của thị trường gần đây đều có góp tay của khối ngoại, vì vậy nếu bạn không trường vốn, mức độ chịu đựng rủi ro thấp thì tốt nhất hãy thận trọng khi khối ngoại bán ròng liên tục. Nhà đầu tư không nên quan tâm đến lượng bán mà nên tập trung vào các yếu tố thực sự cho chứng khoán Việt Nam và các cổ phiếu mà mình quan tâm. Đến mức giá hợp lý, hành động mua sẽ được thực hiện. Đừng vội chạy theo khối ngoại, rất dễ thành con mồi cho những “cá mập” 

trên sàn.