Thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam tại Hà Nội

Có thay đổi diện mạo thị trường chứng khoán?

ANTĐ - Như vậy, sau những năm tháng tranh luận, một kết quả có thể làm thay đổi diện mạo thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có. Ngày 10-4, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (SGDCKVN), theo đó trụ sở của Sở sẽ đặt ở Hà Nội. Hai sàn giao dịch Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ sáp nhập.

Lúc đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (Hose) biến thành một chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của SGDCKVN với trụ sở đặt tại Hà Nội và sàn cổ phiếu Hose có thể cũng được đưa về Thủ đô, dẫu TP Hồ Chí Minh vẫn là đầu tàu kinh tế cả nước, vẫn là trung tâm tài chính nhưng có thể lại thiếu vắng bóng dáng TTCK. Đã có tiếng than khóc sớm vì sự mất đi một sàn giao dịch quen thuộc, thậm chí đã có nhiều nhà đầu tư thu xếp rút vốn, tính đường đầu tư khác. 

Lịch sử đã ghi tên sàn giao dịch Hose và chỉ số VN-Index

Năm 1996, lần đầu tiên, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiệm vụ mở thị trường vốn. Ông Lê Văn Châu, khi ấy là Phó Thống đốc NHNN, được giao nhiệm vụ nghiên cứu thành lập TTCK. Ngay từ thời điểm đó, TP Hồ Chí Minh đã được chọn là nơi đặt Sở Giao dịch chứng khoán đầu tiên và nơi mở sàn chứng khoán đầu tiên của cả nước. Nguyên nhân là TP Hồ Chí Minh không chỉ là nơi đột phá về cơ chế kinh tế, mà còn là nơi hình thành những ngân hàng TMCP, những công ty tài chính cổ phần, đồng thời là nơi khơi nguồn mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Có thay đổi diện mạo thị trường chứng khoán? ảnh 1

Không cần viện dẫn số liệu và kết quả những gì sàn Hose đã làm được trong 15 năm qua, người ta cũng dễ dàng nhận ra sự phát triển của Hose. Giới đầu tư quốc tế thường nhìn vào đâu để quyết định bỏ vốn vào chứng khoán? Trước tiên là quy mô, chất lượng hàng hóa, kế đó là công nghệ. Giá trị vốn hóa các công ty niêm yết trên Hose đến cuối năm 2014 chiếm tỷ lệ áp đảo 88% giá trị vốn hóa toàn thị trường, bằng 25,5% GDP cả nước.

Cũng năm ngoái giá trị vốn hóa bình quân một công ty đạt 3.230 tỉ đồng; giá trị giao dịch bình quân một phiên lên tới 2.171 tỉ đồng, chiếm 73% thanh khoản toàn thị trường. Hose là nơi đầu tiên đề xuất và thực hiện bán đấu giá cổ phần DNNN cổ phần hóa qua sàn, cũng là nơi đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001-2008, nơi đầu tiên triển khai giao dịch trực tuyến, khớp lệnh liên tục. Người ta đi đã thấy sự có mặt của những cánh chim đầu đàn của nền kinh tế Việt Nam  ở Hose với những Vinamilk, Masan, Vingroup, Dược Hậu Giang, Kinh Đô, FPT, GAS, PVD, VCB, CTG, BID...

Có người còn coi TTCK như là nơi các nhà đầu tư kiếm ăn, không giúp nhiều cho nền kinh tế. Cũng không ít ý kiến nhận định chứng khoán chưa trở thành kênh huy động vốn đủ sức cạnh tranh với ngân hàng. Họ dường như đã quên bình quân các công ty niêm yết trên Hose tăng gấp đôi về giá trị niêm yết theo mệnh giá so với lúc mới chào sàn.

Tốc độ tăng vốn của Vingroup từ khi niêm yết đến nay là 1.719%; của REE 1.694%; của ITA 1.499%; KDC 927%; DRC 798%... Mặc dù thời gian lên sàn chưa lâu, tốc độ tăng vốn của khối ngân hàng không kém cạnh như CTG 231%; STB 554%; VCB 120%; MBB 59%.

Khoảng hơn 380 cuộc đấu giá DNNN cổ phần hóa, IPO với số tiền thu về 70.000 tỉ đồng đã diễn ra ở Hose.  Rõ ràng, sàn giao dịch chứng khoán Hose đã gắn bó máu thịt, đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh, của cả nước. Hose là một niềm tự hào không giấu giếm - đã được nhen nhóm, gây dựng từ hai bàn tay trắng kinh nghiệm, nhưng lại tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin về sự đi lên của kinh tế Việt Nam.

Nhưng lịch sử không dừng lại

Khi Hose tròn 5 tuổi, sàn chứng khoán Hà Nội sinh sau đẻ muộn ra đời. Hnx có nhiệm vụ tập trung phát triển thị trường trái phiếu và nơi niêm yết cổ phiếu các công ty nhỏ. Sau này Hnx xây dựng thêm sàn UpCom dành cho các doanh nghiệp đăng ký giao dịch. Trên bước đường phát triển của thị trường, vấn đề hợp nhất Hose và Hnx để tạo ra SGDCKVN được đặt ra.

Có thay đổi diện mạo thị trường chứng khoán? ảnh 2

Ảnh minh họa

Định hướng và chủ trương của Nhà nước ngay từ đầu là Hnx sẽ vẫn chuyên sâu về trái phiếu, chứng khoán phái sinh trong tương lai, còn Hose tập trung vào cổ phiếu. Sàn cổ phiếu công ty nhỏ và UpCom sẽ chuyển vào Hose và Hose sẽ phân chia ra các sàn theo những tiêu chí nhất định. Các nước khác, nước nào cũng có 1-2 hoặc vài ba sàn cổ phiếu với chỉ số khác nhau. Trước mắt, khi thị trường phái sinh chưa có và thị trường trái phiếu chưa phát triển, việc phát triển thị trường cổ phiếu phải được đặt lên hàng đầu.

 Theo đề án trình Chính phủ của Bộ Tài chính, đề xuất đặt trụ sở SGDCKVN ở Hà Nội, nếu chuyển hai sàn cổ phiếu Hnx và UpCom vào Hose, thì giữa quy mô, tầm quan trọng của Hose và vai trò chi nhánh (hoặc văn phòng đại diện) sẽ không hợp lý. Trụ sở đặt ở đâu, quy mô ở đó phải lớn hơn và chất lượng hàng hóa bắt buộc phải vượt trội, tức là sàn cổ phiếu Hose phải chuyển ra Hà Nội. 

Sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh. Không thể nói khác, TP Hồ Chí Minh là TTCK lớn nhất, màu mỡ nhất cả nước, có doanh thu, lợi nhuận cũng như tăng trưởng quy mô vốn lớn nhất. Dĩ nhiên, TTCK phải chấp nhận vai trò quản lý Nhà nước của Hà Nội, nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn là nơi cạnh tranh và phát triển. Quản lý Nhà nước để phục vụ cho phát triển, vậy SGDCHVN phải có mặt ở nơi có điều kiện phát triển nhất mới là hợp lý. Chưa kể, nếu chuyển tất cả sàn giao dịch chứng khoán ra Hà Nội, những cơ sở hạ tầng cho SGDCKVN và sàn giao dịch sẽ phải xây dựng mới, nhân lực cho các sở và sàn giao dịch sẽ lại tuyển mới và đào tạo từ đầu, vì dĩ nhiên đa phần nhân lực của Hose sẽ không chuyển ra làm việc tại Hà Nội.  

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, trụ sở Hose vừa được xây xong giữa năm ngoái và đưa vào hoạt động ít lâu với vốn đầu tư lớn cho công nghệ hiện đại từ tiền ngân sách. Hơn 26.000m2 xây dựng cao cấp, thỏa mãn các tiêu chí lắp đặt Data Center (Trung tâm dữ liệu) đạt tiêu chuẩn để ứng dụng hệ thống công nghệ cho một quy mô thị trường mở rộng.

Chưa hết, tiền ngân sách còn được đổ vào Trung tâm dữ liệu dự phòng với tổng diện tích sàn 16.000m2 ở Khu công nghiệp phần mềm Quang Trung. Ngoài việc dự phòng cho hệ thống công nghệ thông tin của Hose, đây còn là nơi lưu trữ dữ liệu cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính ở phía Nam. Nhân lực cho TTCK và các Công ty chứng khoán đều đã được đào tạo đủ sức đảm đương một TTCK chung cho cả nước. Mặt khác, trên tất cả các nước phát triển như Mỹ, Đức, Australia, Ấn độ, Trung Quốc… TTCK đều không nằm ở Thủ đô mà nằm ở các trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước. 

Vì vậy, nếu phải cân nhắc một nơi đặt trụ sở hợp lý, thuận tiện xét cả về góc độ lịch sử, lòng người và điều kiện kinh tế cho SGDCKVN không chỉ cho hôm nay mà cả mai sau, TP Hồ Chí Minh xứng đáng là nơi được chọn. Các chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư lớn đều có ý kiến: UBND TP Hồ Chí Minh cần đề xuất Chính phủ thành lập đoàn khảo sát liên bộ để kiểm chứng sự phù hợp, thuận tiện nói trên.