Xe duyên với bóng đá ngoại

ANTĐ - Mới đây, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết sẽ phối hợp với CLB Dortmund (Đức) để mở học viện đào tạo trẻ theo mô hình HAGL Arsenal JMG. Nhiều CLB trong nước khác cũng đang đặt vấn đề tương tự với Man City (Anh), Feyenoord (Hà Lan), Inter Milan (Ý).

Xe duyên với bóng đá ngoại ảnh 1Thành công ban đầu của HAGL “châm ngòi” cho trào lưu xe duyên với bóng đá ngoại

Mô hình liên kết với đội bóng danh tiếng nước Anh của CLB HAGL đang gặt hái những thành quả ban đầu với lứa học viên đầu tiên gây “sốt” từ các giải quốc tế đến sân chơi V-League. Đó như một gợi ý cho các đội bóng khác.

Thiếu tướng Hoàng Công Vĩnh - Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết: “Muốn làm bóng đá bài bản, Viettel sẽ phải hợp tác với một CLB hàng đầu châu Âu theo mô hình mà HAGL đã làm. Và chúng tôi chọn Dortmund vì bóng đá Đức là nền bóng đá hàng đầu châu Âu và thế giới hiện nay”. Theo chân HAGL và Viettel, VFF bắt tay CLB Man City (Anh), CLB Cần Thơ đang tiếp xúc với CLB  Feyenoord (Hà Lan), Bình Dương dự định liên kết với Inter Milan… để mở học viện bóng đá. Những sự kết hợp này đem lại tín hiệu lạc quan cho bóng đá Việt Nam trong tương lai và ĐTQG sẽ được lợi khi thụ hưởng những gì tinh túy nhất của các nền bóng đá hàng đầu thế giới. Thế nhưng để đi tới thành công là thử thách không nhỏ, đòi hỏi phải cân nhắc nhiều yếu tố.

Để có được thành công như lứa trẻ HAGL hiện tại, “bầu” Đức đã phải bỏ ra rất nhiều tiền của và âm thầm “nuôi gà nòi” suốt 7 năm mới có được thành quả ban đầu. Và để đi tới thành quả ban đầu đó, người trong cuộc phải đổ rất nhiều tâm huyết, kiên nhẫn trước hoài nghi. Đó là những yếu tố mà không phải ông chủ đội bóng, doanh nghiệp nào cũng có được. Và nếu một đội bóng/doanh nghiệp nào đó không đủ kiên nhẫn đi hết con đường thì sẽ là một sự lãng phí rất lớn.

Một điều cần tính toán là các CLB bóng đá nước ngoài khi mở học viện nào đó đều hướng tới mục đích phục vụ chính đội bóng của mình. Ví như Arsenal khi bắt tay với HAGL cũng chỉ đào tạo các cầu thủ tấn công (hệ lụy là đội bóng trẻ phố Núi đang lộ rõ điểm yếu ở hàng thủ khi thi đấu V-League) để phục vụ chính đội bóng của họ chứ không phải vì sự phát triển đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Bên cạnh việc tận dụng chất xám ngoại cũng cần cân đối sử dụng chất xám nội mà cụ thể là phát triển các lò đào tạo trẻ trong nước, thay vì mải chạy theo trào lưu “sính ngoại”.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: “Đào tạo ra phải có sân chơi”

Là cầu thủ từng nhiều năm gắn bó với màu áo Thể Công, tôi rất vui khi biết Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel sẽ ký hợp tác với CLB Borussia Dortmund (Đức) để thành lập Học viện bóng đá. Việc HAGL, Viettel và tới đây là một số CLB khác ở Việt Nam liên kết với các đội bóng danh tiếng nước ngoài mở học viện là điều rất nên làm, chắc chắn mang lại sự khởi sắc cho bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đội bóng bỏ rất nhiều tiền của đào tạo và nuôi các đội trẻ, nhưng mỗi năm hầu như chỉ được cọ xát ở một giải đấu. Các giải này đá theo thể thức vòng bảng, nghĩa là nếu không vượt qua vòng bảng, nhiều đội trẻ chỉ được cọ xát 2-3 trận/năm. Như vậy là quá ít. Vì vậy, trong khi các CLB đã làm rất tốt việc mở học viện, rót tiền đào tạo trẻ thì VFF cũng cần phải làm tốt việc của mình là thay đổi thể thức thi đấu hay tạo thêm nhiều sân chơi để giúp cầu thủ trẻ cọ xát nhiều hơn.