Tìm thuê “kiến trúc sư trưởng” cho bóng đá nước nhà

ANTĐ - Là người quyết liệt cho rằng cần phải có một kiến trúc sư để kiện toàn bóng đá Việt Nam, chuyên gia Vũ Mạnh Hải chia sẻ quan điểm quanh việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang tìm thuê Giám đốc kỹ thuật (GĐKT).

Tìm thuê “kiến trúc sư trưởng” cho bóng đá nước nhà ảnh 1ĐT Việt Nam (trái) cần có một kiến trúc sư đúng nghĩa

- PV: Theo ông, một GĐKT cần thiết tới mức nào với bóng đá Việt Nam vào thời điểm này?

- Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: Tôi cho là rất cần thiết và đáng lẽ VFF phải làm việc đó từ lâu rồi. HLV Alfred Riedl có nói một câu khiến nhiều người thấm thía: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Cũng bởi cách làm đó mà bao năm qua, V-League vẫn chỉ là chuyên nghiệp nửa vời, còn ĐTQG cứ mãi loay hoay đi tìm bản sắc. Bóng đá Việt Nam muốn phát triển không thể cứ mãi xây nhà từ nóc. Tôi mừng là VFF đã nhìn ra điều này bằng việc thuê một GĐKT để cấu trúc lại nền bóng đá.

- Với tình cảnh này, ông mong chờ gì ở người sẽ đảm nhiệm vị trí được coi như tổng công trình sư của bóng đá Việt Nam?

- GĐKT là người phải tìm hiểu và tư vấn cho VFF chiến lược phát triển nền bóng đá, đặc biệt là kế hoạch cho các đội tuyển, từ cấp U đến ĐTQG. Bao năm qua, chúng ta cứ chạy theo các HLV ngoại rồi học theo kiểu rất thời vụ, hết theo phong cách Brazil, Bồ Đào Nha, Đức, Anh rồi giờ là Nhật mà vẫn không có được bản sắc riêng. Nếu có GĐKT, người này sẽ giúp tìm hiểu tố chất cầu thủ Việt nhằm tìm ra một lối chơi phù hợp, mang bản sắc riêng cho ĐTQG, để ngay cả khi đội tuyển thay HLV thì cũng không bị xáo trộn về lối chơi. Đó chỉ là một trong số rất nhiều lợi ích mà một GĐKT có thể mang lại cho nền bóng đá.

 - Tìm kiếm một người có thể đáp ứng được những yêu cầu như vậy hẳn không dễ...

- Đúng vậy. Để đáp ứng được yêu cầu thì đầu tiên là GĐKT phải có hiểu biết rất sâu về chuyên môn. Nếu anh kém về chuyên môn thì không thể nào tư vấn và thuyết phục người khác nghe theo được. Thứ hai, GĐKT phải rất am hiểu bóng đá Việt Nam, bóng đá khu vực. Làm GĐKT ở một nền bóng đá phát triển đã khó, vị trí GĐKT của một nền bóng đá đang phát triển như Việt Nam càng khó gấp bội. Ngoài ra, tôi nghĩ khi tuyển chọn vị trí GĐKT, VFF cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia, đại diện các đơn vị thành viên, chứ không phải thích ai là cứ thế đưa lên. VFF cần quy định trách nhiệm, quyền hạn của GĐKT cụ thể như thế nào chứ không thể mơ hồ được. Sở dĩ tôi nói vậy là vì, năm 2004, VFF từng một lần thuê chuyên gia người Đức Rainer Willfeld làm GĐKT, nhưng chỉ như dựng lên cho có, vừa tốn kém, vừa lãng phí chất xám.

- VFF chủ trương học theo bóng đá Nhật. Sau chuyên gia thể lực người Nhật, HLV trưởng người Nhật, có thể VFF sẽ tính mời trưởng giải V-League 2014, Tanaka Koji làm GĐKT. Ông nghĩ sao về khả năng này?

- Tôi nhất trí với chủ trương chọn GĐKT người Nhật, nhưng cụ thể chọn ai thì phải tính toán thật kỹ. Cá nhân tôi không ủng hộ chọn một người chuyên về giải League, thiên về chuyên môn cấp CLB, kiếm tiền tài trợ… như ông Koji để làm công việc của một kiến trúc sư nền bóng đá. Nếu được đề xuất, tôi sẽ chọn HLV Miura. Sau những gì thể hiện, ông Miura cho thấy mình thích hợp ngồi vào vị trí đó hơn. Tất nhiên bóng đá Nhật Bản không chỉ có mỗi ông Koji hay ông Miura, vấn đề là chúng ta tuyển chọn thế nào để tìm được người phù hợp nhất. Một GĐKT kết hợp nhuần nhuyễn với một HLV trưởng ĐTQG cùng là người Nhật, thì tôi nghĩ bóng đá Việt Nam chắc chắn sẽ khởi sắc.