Thêm sự thay người, đưa video vào bóng đá

ANTĐ - Các nhà làm luật của bóng đá thế giới, International Football Association Board (IFAB), sẽ cân nhắc cho phép thay thế cầu thủ thứ tư trong thời gian thi đấu hiệp phụ cũng như kết thúc cuộc tranh cãi về cái gọi là “trừng phạt gấp ba” vào cuối tuần này. 

IFAB, tổ chức trong đó có 4 thành viên của Liên hiệp Anh và 4 đại diện từ Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), cũng sẽ nghe báo cáo kết quả về cuộc thử nghiệm áp dụng hình phạt “sin-bins” tại giải trẻ và thảo luận về quy định ném biên nhưng chưa có kế hoạch đưa vào bộ luật nội dung này. Trong một phát biểu vừa qua, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) cho biết, họ chào đón các cuộc thử nghiệm ở Hà Lan do Liên đoàn bóng đá nước này (KNVB) tiến hành, khi trọng tài nhận được sự trợ giúp từ video, một màn hình lớn trên khán đài và hệ thống tai nghe để có thể đưa ra những quyết định chính xác nhất. KNVB đang hướng tới phê chuẩn sử dụng hệ thống này tại FA Cup của họ và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh tỏ ra rất thích thú với ý tưởng này sau khi tận mắt thấy hiệu quả. 

Chủ tịch FIFA, Sepp Blatter nổi tiếng là người bảo thủ, kịch liệt phản đối áp dụng khoa học công nghệ vào bóng đá trong nhiều năm qua, nhưng cuối cùng đã thay đổi quan điểm sau khi chứng kiến những sai lầm của trọng tài tại World Cup 2010, nơi đội tuyển Anh bị từ chối bàn thắng đúng luật trong trận đấu với Đức. Ngài Blatter và Tổng thư ký FIFA, Jerome Valcke cũng có ý định thay đổi cái gọi là luật “trừng phạt gấp ba” khi một cầu thủ cản phá trái phép cơ hội ghi bàn rõ ràng của đối phương, bị phạt penalty, bị tước quyền thi đấu và sau đó tự động nhận án treo giò. Ý tưởng này được nêu ra và gạt đi trong lịch làm việc của IFAB những năm gần đây nhưng FIFA nghĩ rằng đề xuất đó không phù hợp với thực tế đời sống bóng đá hiện tại. 

Điểm quan trọng nhất trong cuộc họp sắp tới của các nhà làm luật bóng đá thế giới là phê chuẩn đề xuất cho phép thay thêm người trong thời gian đá hiệp phụ, thay thế mặt cỏ đúng tiêu chuẩn và đề cao tính giải trí của bóng đá, sau khi thử nghiệm thành công ở Anh và Scotland. 

IFAB, tổ chức sáng lập vào năm 1886, trước lúc FIFA ra đời 18 năm, cần nhận được sự ủng hộ của 75% số đại biểu mới có thể thông qua bất cứ điều luật nào của bóng đá thế giới.